Nhìn gợi tình là quấy rối tình dục: Dựa vào đâu xác định, xử lý?
Pháp luật - Ngày đăng : 18:00, 01/06/2022
Sự gợi tình của cái nhìn, sự liên tục của hành vi chớp mắt đều được đánh giá dựa vào cảm nhận chủ quan, lấy đâu ra căn cứ để xác định quấy rối tình dục?
Dễ hiểu về phản ứng của cư dân mạng về các hình thức quấy rối tình dục được nêu trong Dự thảo Bộ Quy tắc ứng xử về phòng chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc mà Bộ LĐ-TB&XH và các đơn vị liên quan vừa phối hợp hoàn thiện.
Theo dự thảo, hình thức quấy rối tình dục phi ngôn ngữ bao gồm sử dụng ngôn ngữ cơ thể, nhìn gợi tình, nháy mắt liên tục, biểu hiện không đứng đắn, dùng cử chỉ ngón tay, phô bày tài liệu khiêu dâm, gửi ảnh, đồ vật, tin nhắn liên quan tới tình dục..
Quấy rối tình dục chốn công sở là vấn nạn ai cũng biết nó tồn tại nhưng lại rất khó bài trừ, bởi hành vi quấy rối tình dục vẫn chưa được nhận diện một cách đầy đủ để có biện pháp phòng chống, xử lý hiệu quả.
Vì vậy, việc ra đời bộ quy tắc là cần thiết để bảo vệ nhân phẩm, danh dự, đem lại cho người lao động môi trường làm việc trong lành, dễ chịu và an toàn. Trong đó, các khái niệm về quấy rối tình dục và hình thức quấy rối tình dục cực kỳ quan trọng, là cơ sở cho việc tố cáo, xử lý.
Tuy nhiên, những biểu hiện quấy rối phi ngôn ngữ mà dự thảo nêu ra lại bị dân mạng phản ứng, đánh giá là mơ hồ, khiến bộ quy tắc trở nên không khả thi.
Gút mắc chủ yếu nằm ở vấn đề: Dựa vào đâu để xác định một người đang "nhìn gợi tình", "liếc mắt liên tục"; "biểu hiện không đứng đắn"?. "Dùng cử chỉ ngón tay" thế nào thì bị cho là quấy rối? Làm cách nào để nạn nhân chứng minh hành vi quấy rối tình dục, cái gì được coi là bằng chứng?
Liệu có nguy cơ xảy ra oan ức khi có những người bị cáo buộc quấy rối bằng cái nhìn gợi tình hay biểu hiện không đúng đắn trong khi họ không có ý nghĩ này?