Trẻ đánh nhau vì tranh giành đồ chơi, cha mẹ cần làm gì để giải quyết mâu thuẫn mà vẫn giáo dục được trẻ?
Cùng con trưởng thành - Ngày đăng : 15:04, 01/06/2022
Trẻ em trước hai tuổi thường rất dễ thương và biết nghe lời, tuy nhiên khi lên 2 tuổi, sự tự nhận thức của trẻ bắt đầu thức tỉnh, trẻ có chủ kiến và bắt đầu bộc lộ tính khí của mình. Trẻ ở tuổi này cũng phát triển những suy nghĩ tự cho mình là trung tâm và khi chơi với nhau rất hay xảy ra tình trạng xung đột, tranh giành đồ chơi.
Hai người bạn nọ cùng đưa con vào siêu thị mua sắm chuẩn bị cho bữa tiệc thân mật cuối tuần, qua quầy đồ chơi mỗi bé được mẹ mua cho một món đồ chơi mà mình yêu thích. Khi về nhà, 2 bé lúc đầu chơi với nhau rất vui vẻ trong phòng khách, thế nhưng trong lúc hai mẹ đang nấu nướng trong bếp thì một trận cãi vã, khóc lóc đã nổ ra. Hai người mẹ chạy ra thì thấy hai bạn đang tranh giành đồ chơi của nhau, một bé chỉ vào đồ chơi của bạn và nói: “Con thích đồ chơi này, con muốn đồ chơi này” còn bạn kia thì nhất quyết không đưa. Hai bà mẹ vô cùng lúng túng vì không bé nào chịu nhường nhịn, mãi sau một hồi lâu thuyết phục, họ mới có thể dàn xếp ổn thỏa.
Đó là câu chuyện chẳng xa lạ gì trong cuộc sống hàng ngày. Chúng ta thường thấy trẻ em cãi nhau về quyền sở hữu đồ chơi, thậm chí một số trẻ còn buộc bên kia phải nhường đồ chơi bằng cách khóc lóc hoặc đánh nhau để tranh giành. Nguyên nhân khiến trẻ thích giành giật đồ chơi là do trẻ đã có ý thức về quyền tài sản. Trẻ ở giai đoạn này có một đặc điểm chung là coi đồ chơi yêu thích là của mình mà không cần biết đồ chơi đó có thực sự thuộc về mình hay không. Tình trạng này dễ dẫn đến hành vi tranh giành đồ chơi, từ đó nảy sinh mâu thuẫn, thậm chí dẫn đến cãi vã, đánh nhau.
Vậy khi đối mặt với hành vi giật giật đồ chơi của trẻ, cha mẹ nên làm gì để không chỉ giải quyết được mâu thuẫn trước mắt vừa có thể giáo dục trẻ khôn lớn hơn?
1. Khi con cái tranh giành đồ chơi, cha mẹ không nên bảo vệ con cái một cách mù quáng
Khi con cái xảy ra mâu thuẫn, cãi vã, thậm chí đánh nhau với bạn vì tranh giành đồ chơi, rất nhiều cha mẹ có xu hướng thiên vị, bênh vực con cái bất kể chúng làm điều gì sai trái. Tuy nhiên, sự bảo vệ mù quáng của cha mẹ sẽ không tốt cho sự phát triển của trẻ, thậm chí còn ảnh hưởng đến nhận thức bình thường và việc hình thành các giá trị của trẻ. Vì vậy điều cha mẹ cần làm là tìm hiểu nguồn gốc những mâu thuẫn của trẻ. Chỉ khi cha mẹ tìm ra nguyên nhân gốc rễ, họ mới có thể giúp trẻ giải quyết vấn đề tốt hơn.
2. Giúp trẻ thiết lập ý thức về các quy tắc
Các quy tắc là một cách tuyệt vời để giúp trẻ phát triển những thói quen tốt và cha mẹ là hình mẫu cho trẻ bắt chước. Nếu muốn giúp trẻ phát triển ý thức về các quy tắc, cha mẹ cần phải làm gương, bắt đầu từ chính bản thân mình, để trẻ có thể học hỏi và bắt chước tốt hơn. Ở nhà, cha mẹ nên thiết lập một ý thức về các quy tắc, để trẻ biết rõ ràng những gì có thể và không thể làm. Khi giao tiếp với mọi người, cha mẹ cũng phải tuân thủ các quy tắc giữa các cá nhân, chẳng hạn như đồ của người khác, muốn chơi thì phải xin phép và được sự đồng ý của họ mới được chơi.
3. Hướng dẫn trẻ học cách chia sẻ
Chia sẻ là một đức tính tốt, và những đứa trẻ biết chia sẻ sẽ dễ có được tình bạn hơn. Hầu hết trẻ cãi nhau về đồ chơi vì chúng thiếu ý thức chia sẻ, trẻ chỉ nghĩ rằng một số đồ vật là của mình và không muốn chia sẻ chúng với người khác. Do đó, cha mẹ nên hướng dẫn trẻ chia sẻ, bởi vì chia sẻ cũng là một bước quan trọng trong việc mở ra con đường xã hội của trẻ.
Vậy bố mẹ cần làm như thế nào? Đầu tiên là cha mẹ cần làm cho trẻ hiểu rằng chia sẻ là một điều hữu ích, có thể mang lại niềm vui và hạnh phúc, đồng thời nó còn giúp trẻ có thêm những người bạn tốt. Hãy tìm cách để trẻ hiểu được ý nghĩa của việc chia sẻ, và sẵn sàng chia sẻ trong quá trình giao tiếp với người khác. Muốn làm được như vậy thì điều quan trọng nhất là cha mẹ phải thường xuyên tạo cơ hội cho trẻ thực hành.
Chẳng hạn, khi trẻ đang cầm đồ ăn ưa thích, cha mẹ có thể hỏi trẻ “con có thể chia cho bố mẹ hoặc anh chị em ăn cùng được không?”. Nếu trẻ sẵn sàng chia sẻ thì cha mẹ hoặc anh chị em phải tỏ ra rất vui để khích lệ trẻ. Cha mẹ cũng có thể nói với trẻ rằng nếu con sẵn sàng chia sẻ đồ ăn, sách và đồ chơi yêu thích,… thì bạn bè của con cũng sẽ cảm thấy vui vẻ hạnh phúc và họ sẽ sẵn lòng chia sẻ những thứ đó với con.
Theo V.K - Vietnamnet