EU cấm vận dầu mỏ Nga: Vũ khí lợi hại nhất hay chỉ là "đòn gió"?

Đối ngoại - Ngày đăng : 14:00, 01/06/2022

Lệnh cấm vận một phần dầu mỏ Nga có thể tác động đến cả EU, Nga và thị trường thế giới, nhưng mức độ còn phụ thuộc liệu nó được thực hiện sớm hay muộn, kéo dài bao lâu và phản ứng của các bên.
EU cấm vận dầu mỏ Nga: Vũ khí lợi hại nhất hay chỉ là đòn gió? - 1

Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel đánh giá, lệnh cấm vận ngay lập tức sẽ ảnh hưởng đến khoảng 2/3 lượng dầu nhập khẩu từ Nga vào EU (Ảnh: Reuters).

Sau nhiều tháng thảo luận, lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) ngày 30/5 cuối cùng đã nhất trí lệnh cấm hầu hết nhập khẩu dầu mỏ từ Nga nhằm gây sức ép buộc Moscow chấm dứt chiến dịch quân sự ở Ukraine. Lệnh cấm vận này cùng với gói trừng phạt thứ 6 nhằm vào Nga dự kiến sẽ được lãnh đạo EU thông qua vào hôm nay 1/6.

Theo đó, 2 nước thành viên Hungary và Bulgaria được phép tiếp tục mua dầu mỏ Nga, nhưng hầu hết các kênh nhập khẩu khác sẽ bị cấm. Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel đánh giá, lệnh cấm vận này sẽ ảnh hưởng đến khoảng 75% lượng dầu nhập khẩu từ Nga, và có thể lên tới 90% vào cuối năm nay.

Hungary được coi là ngoại lệ do chính quyền Thủ tướng Viktor Orban nhiều lần phản đối kế hoạch cấm vận dầu Nga. Ông Orban cho rằng, ngừng nhập khẩu dầu Nga giống như "thả bom hạt nhân vào nền kinh tế". Với ngoại lệ này, lệnh cấm vận chỉ đề cập đến cấm nhập khẩu dầu mỏ Nga vận chuyển bằng đường biển, trong khi đó, EU đồng ý duy trì đường ống dẫn dầu Druzhba cấp cho Hungary, Slovakia, Cộng hòa Séc. Bulgaria cũng được miễn trừ đến năm 2024 vì cần thêm thời gian tìm kiếm nguồn cung thay thế.

Lệnh cấm vận "chưa hoàn chỉnh"

EU cấm vận dầu mỏ Nga: Vũ khí lợi hại nhất hay chỉ là đòn gió? - 2

Lệnh cấm vận của EU chưa hoàn chỉnh bởi mới chỉ nhắm đến dầu mỏ Nga nhập khẩu qua đường biển, vẫn tính ngoại lệ với dầu mỏ nhập khẩu qua đường ống (Ảnh minh họa: Getty).

Lệnh cấm vận được coi là một trong những biện pháp trừng phạt mạnh nhất của EU nhằm vào Nga kể từ khi Moscow mở chiến dịch quân sự ở Ukraine hồi cuối tháng 2. Tuy vậy, giới quan sát vẫn cho rằng đây là một biện pháp "chưa hoàn chỉnh".

Thứ nhất, nó ra đời quá muộn mặc dù phương Tây từ lâu đã muốn gây sức ép buộc Nga từ bỏ chiến dịch quân sự ở Ukraine. Theo số liệu của Trung tâm Nghiên cứu về Năng lượng và Không khí sạch, các nước EU đã chi khoảng 61 tỷ USD để nhập khẩu năng lượng hóa thạch của Nga kể từ khi xung đột nổ ra.

Thứ hai, biện pháp này mới chỉ nhằm vào lĩnh vực dầu mỏ Nga, mà chưa chạm đến lĩnh vực khí đốt. Lãnh đạo châu Âu mới chỉ dừng lại ở cam kết giảm nhu cầu tiêu thụ, tăng cường nguồn cung khí đốt thay thế nguồn cung từ Nga nhằm giảm đáng kể nhập khẩu dầu Nga vào cuối năm nay. Các chuyên gia lý giải, điều này là bởi việc tìm nguồn cung khí đốt thay thế sẽ khó hơn nguồn cung dầu mỏ. Dầu mỏ có thể vận chuyển bằng tàu biển, trong khi khí đốt chủ yếu trung chuyển qua đường ống. Hơn nữa, cấm nhập khẩu dầu mỏ và khí đốt cùng lúc sẽ khiến châu Âu rơi vào suy thoái kinh tế. Nga hiện cung cấp cho EU khoảng 25% lượng tiêu thụ dầu mỏ và 40% lượng tiêu thụ khí đốt của khu vực này.

Thứ ba, biện pháp này đang bộc lộ ra những rạn nứt trong lòng EU. Việc đưa ra những nhượng bộ lớn dành cho Hungary có thể tạo ra những tiền lệ không tốt trong vấn đề thống nhất chính sách nội khối. Những thỏa hiệp tương tự có thể làm giảm hiệu quả của một số biện pháp trừng phạt.

Mặc dù vậy, giới phân tích phương Tây cho rằng, lệnh cấm vận cũng đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong chính sách của EU nhằm gây sức ép với Nga. Một lệnh cấm vận dù không hoàn chỉnh nhưng cũng phần nào giúp EU đạt mục tiêu đề ra: giáng đòn vào nền kinh tế Nga.

Lệnh cấm vận có thể tác động đáng kể đến thị trường dầu mỏ đặc biệt là các sản phẩm từ dầu. Nga là nước xuất khẩu sản phẩm xăng dầu lớn nhất thế giới. Nhập khẩu dầu mỏ từ Nga vào EU chiếm khoảng 1/5 giao dịch dầu mỏ toàn cầu. Theo viện nghiên cứu năng lượng Oxford, giá dầu Brent hiện ở mức 123 USD/thùng và có thể cán mốc 150 USD/thùng trước tháng 7 năm nay. Trong trường hợp tồi tệ hơn, giá dầu có thể lên 180 USD/thùng. Điều này có thể tác động tiêu cực đến ngành công nghiệp nặng của châu Âu vốn đang phải vật lộn với giá nguyên liệu cao.

Giới phân tích cho rằng, các nước châu Âu nên sẵn sàng áp dụng các biện pháp giảm tiêu thụ nhiên liệu như miễn phí dịch vụ giao thông công cộng, khuyến khích dịch vụ chia sẻ phương tiện cá nhân, hoặc thậm chí cấm xe lưu thông theo ngày dựa vào biển số.

Nga khó tránh bị tác động

EU cấm vận dầu mỏ Nga: Vũ khí lợi hại nhất hay chỉ là đòn gió? - 3

Lệnh cấm vận của EU sẽ tác động đến thị trường năng lượng thế giới, Nga cũng khó tránh bị tác động (Ảnh: AP).

Theo giới chuyên gia, trong ngắn hạn, lệnh cấm vận chắc chắn sẽ gây tổn hại cho châu Âu, trong khi Nga được hưởng lợi nhờ dầu tăng giá. Hơn nữa, quá trình thảo luận quá lâu của EU cũng giúp Moscow có thêm thời gian để tìm kiếm khách hàng mới. Tuy nhiên, trong dài hạn, nó sẽ gây ra thách thức cho Nga.

Theo dữ liệu của Kpler, một công ty theo dõi vận tải dầu, hồi tháng 4, do ảnh hưởng của các lệnh trừng phạt, sản lượng dầu mỏ của Nga đã giảm gần 1 triệu thùng/ngày. Lệnh cấm vận mới của EU khi có hiệu lực có thể khiến sản lượng của Nga giảm thêm 1 triệu thùng/ngày.

Việc ngừng xuất khẩu dầu mỏ sang châu Âu buộc Nga phải giảm sản lượng khai thác, đóng cửa các giếng dầu và tăng chi phí vận tải khi phải chuyển hướng xuất khẩu sang các khu vực khác như châu Á. Điều này sẽ tác động tiêu cực đến ngành năng lượng của Nga nói chung trong những năm tới.

Doanh thu từ xuất khẩu năng lượng có ý nghĩa quan trọng đối với ngân sách của Điện Kremlin, giúp bổ sung vào dự trữ ngoại tệ có thể giúp Nga hỗ trợ đồng rúp, giảm thiểu tác động từ các lệnh trừng phạt đóng băng dự trữ ngoại tệ ở nước ngoài.

Các biện pháp trừng phạt mới nhất có thể làm giảm nguồn thu này và "tác động đáng kể" đến khả năng hỗ trợ cho chiến dịch của Nga ở Ukraine do nước này phụ thuộc lớn vào thị trường tiêu thụ dầu mỏ châu Âu, John Lough, chuyên gia tại chương trình Nga và Á - Âu tại Viện Nghiên cứu Hoàng gia London, nhận định.

Một số khách hàng có thể chớp lấy cơ hội mua dầu thô của Nga với giá chiết khấu, rẻ hơn nhiều so với giá dầu Brent. Ví dụ, Ấn Độ nhập khẩu hơn 700.000 thùng dầu Nga/ngày trong tháng 5. Ngược lại, nhiều nước sẽ dè dặt do lo ngại lệnh trừng phạt của phương Tây hoặc không thể tìm thấy các công ty bảo hiểm hay ngân hàng sẵn sàng xử lý các giao dịch với Moscow. Khi đó, việc tìm kiếm khách hàng mới thay thế EU không phải một bài toán đơn giản với Nga.

Giới phân tích cho rằng, thiệt hại kinh tế đối với Nga và châu Âu còn phụ thuộc vào việc lệnh cấm này được thực hiện sớm hay muộn, trong thời gian bao lâu và phản ứng của các nước OPEC như thế nào. Tổ chức OPEC do Ả rập Xê út dẫn đầu trước đó tuyên bố, họ sẽ không tăng sản lượng để bù đắp cho chỗ trống trong nguồn cung từ Nga.

Minh Phương