"Thu nhập thấp bào mòn liêm sỉ của cán bộ, công chức"

Xã hội - Ngày đăng : 10:40, 01/06/2022

Theo đại biểu Huỳnh Thanh Phương, thu nhập chính từ lương hàng tháng hiện nay thấp, đã và đang bào mòn liêm sỉ, nhân phẩm và lòng tự trọng của một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức, viên chức.

Quốc hội dành cả ngày 1/6 để thảo luận tại hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2021 và những tháng đầu năm 2022.

Nâng cao thu nhập cán bộ, công chức để chống tham nhũng

Nêu ý kiến tại hội trường, đại biểu Huỳnh Thanh Phương (đoàn Tây Ninh) cho rằng, tham nhũng, tiêu cực vẫn còn nhức nhối, gây ảnh hưởng lớn đến phục hồi, phát triển kinh tế xã hội. Đó là, tình trạng lợi dụng kẽ hở thao túng thị trường trái phiếu, chứng khoán; thao túng thị trường bất động sản thông qua đấu giá, nâng giá; thao túng thị trường vật tư y tế, thuốc chữa bệnh…

Thu nhập thấp bào mòn liêm sỉ của cán bộ, công chức - 1

Đại biểu Huỳnh Thanh Phương đề nghị có biện pháp đủ mạnh để đấu tranh có hiệu quả với tham nhũng, tiêu cực.

Để hạn chế tình trạng trên, theo đại biểu Huỳnh Thanh Phương, cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, nâng cao trách nhiệm của bộ máy quản lý một cách thực chất, nhất là người đứng đầu.

"Thực tế thể chế còn nhiều điểm nghẽn, có nhiều thủ tục không có trong quy định. Thêm vào đó là tình trạng thiếu trách nhiệm, đùn đẩy, sợ liên đới, ngại khó, ngại khổ; mưu cầu lợi ích cục bộ, lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm… ở không ít cán bộ quản lý", đại biểu Huỳnh Thanh Phương nói.

Đại biểu đoàn Tây Ninh còn đề xuất tiếp tục có những biện pháp pháp luật hành chính, kinh tế đủ mạnh để đấu tranh có hiệu quả tham nhũng, tiêu cực, làm lành mạnh hóa bộ máy quản lý nhà nước và quản lý doanh nghiệp cả ở khu vực công và khu vực tư.

Ngoài ra, theo ông Huỳnh Thanh Phương, cử tri cho rằng một trong những giải pháp hiệu quả trong phòng chống tham nhũng, tiêu cực với cán bộ công chức, viên chức, là thu nhập phải đảm bảo cuộc sống.

"Trong đợt đại dịch Covid-19 vừa qua, nhiều cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, người lao động bị ảnh hưởng, rất khó khăn trong cuộc sống, nhưng chưa được quan tâm thỏa đáng. Thu nhập chính từ lương hàng tháng hiện nay thấp, đã và đang bào mòn liêm sỉ, nhân phẩm và lòng tự trọng của một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức, viên chức", ông Phương nêu ý kiến.

Đại biểu Phương kiến nghị cần nhanh chóng có biện pháp hữu hiệu thực hiện ngay lộ trình cải cách tiền lương, nâng cao thu nhập, ổn định đời sống của người lao động. "Cần nhận thức rằng, đây là khoản đầu tư nguồn lực con người, đầu tư cho sự phát triển, là nguồn lực nội sinh quan trọng, là động lực tăng trưởng kinh tế - xã hội ở nước ta", đại biểu đoàn Tây Ninh nói.

Cả xã hội nhìn thấy giao dịch chứng khoán, bất động sản không bình thường

Đại biểu Tạ Thị Yên (đoàn Điện Biên) lo ngại khi gói hỗ trợ phục hồi kinh tế - xã hội, quy mô gần 350 nghìn tỷ theo Nghị quyết số 43 của Quốc hội chậm giải ngân. "Chúng ta thảo luận, thông qua nghị quyết này một cách khẩn trương nhất, nhưng đến nay có vẻ chưa qua được vòng thủ tục, tiến độ rất chậm dù có cơ chế đặc thù", bà Yên cho hay.

Nữ đại biểu dẫn báo cáo của Ủy ban Kinh tế nêu 16.000 tỷ đồng của Chương trình mục tiêu quốc gia chưa được phân bổ, giải ngân trong năm 2021 dù đồng bào các dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn đang rất trông chờ.

Thu nhập thấp bào mòn liêm sỉ của cán bộ, công chức - 2

Đại biểu Tạ Thị Yên đề cập đến một số biểu hiện lệch lạc trong lĩnh vực bất động sản, phát hành trái phiếu doanh nghiệp (Ảnh: Quốc Chính).

Tương tự, vốn vay ODA mới giải ngân đạt 32,85% kế hoạch, nhiều bộ, ngành đạt dưới 20%. "Tình trạng này kéo dài nhiều năm, chậm được khắc phục", bà Yên nhận xét và lưu ý, chậm giải ngân, tiến độ chậm sẽ giảm hiệu quả đầu tư, hiệu quả sử dụng vốn, gây lãng phí.

Từ đó, bà Yên cho rằng, tăng cường kiểm soát, chỉ ra tổ chức, cá nhân có trách nhiệm trong việc triển khai chậm trễ này là cần thiết để các quyết sách của Nhà nước được thực thi có hiệu lực, hiệu quả rõ rệt, đáp ứng được sự mong đợi của người dân.

Nữ đại biểu còn đề cập đến một số biểu hiện lệch lạc trong các lĩnh vực bất động sản, chứng khoán, phát hành trái phiếu doanh nghiệp, mua sắm trang thiết bị y tế, do một số tổ chức cá nhân vi phạm quy định của pháp luật, thao túng thị trường, không minh bạch thông tin.

"Khi các cá nhân này vướng vào vòng lao lý thì kéo theo rất nhiều cán bộ nhà nước quản lý chuyên ngành, lĩnh vực đó", bà nói.

Theo đại biểu đoàn Điện Biên, cử tri rất thắc mắc "tổ chức, cá nhân đó bằng cách nào mà vượt qua được các cơ quan quản lý nhà nước một cách dễ dàng như vậy, trong khi cả xã hội nhìn thấy đó là những giao dịch không bình thường?".

Quang Phong và Như Quỳnh