TP.HCM tính đưa tượng Trần Nguyên Hãn về lại trước chợ Bến Thành

Xã hội - Ngày đăng : 08:15, 01/06/2022

TP.HCM lên phương án tái lập hai bùng binh Quách Thị Trang, Cây Liễu, đồng thời nghiên cứu di dời tượng Trần Nguyên Hãn về vị trí cũ.

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi vừa giao Sở Quy hoạch - kiến trúc lập tổ công tác nghiên cứu phương án thiết kế đô thị tổng thể khu vực đường Lê Lợi, Tôn Đức Thắng, Hàm Nghi, Nguyễn Huệ, công viên 23-9, nhà ga Bến Thành, chợ Bến Thành.

TP.HCM lên phương án nghiên cứu di dời tượng Trần Nguyên Hãn về lại trước chợ Bến Thành

Điểm nhấn đáng chú ý, lãnh đạo UBND TP giao các đơn vị liên quan nghiên cứu di dời tượng Trần Nguyên Hãn về vị trí cũ, đề xuất thêm phương án làm mới tượng Trần Nguyên Hãn bằng chất liệu bền vững hơn, nghiên cứu tỉ lệ kích thước bệ tượng và tượng cho phù hợp, hài hòa với tổng thể không gian kiến trúc cảnh quan khu vực trước chợ Bến Thành.

Song song với việc đưa tượng đài Trần Nguyên Hãn về lại khu vực cũ, TP cũng nghiên cứu tái lập nút giao tại giao lộ Lê Lợi - Nguyễn Huệ và bùng binh trước chợ Bến Thành.

Tượng đài Trần Nguyên Hãn được xây dựng từ trước năm 1975 ở trung tâm thành phố. Tượng được làm bằng xi măng và từng được trùng tu, phục chế 2 lần nhưng đang xuống cấp.

Cuối tháng 11/2014, ngành chức năng tổ chức rào chắn dàn giáo, cô lập tượng Trần Nguyên Hãn để di dời về công viên Phú Lâm (quận 6) và tượng bán thân Quách Thị Trang chuyển về công viên Lý Tự Trọng (quận 1). Kinh phí cho việc di dời 2 tượng đài khoảng hơn 3,3 tỷ đồng.

Việc di dời tượng được cho là giải pháp nhằm đảm bảo an toàn vì hồi tháng 7/2013, chân phải của tượng đài bất ngờ rơi ra khiến nhiều du khách đang chụp ảnh hoảng hốt. Việc di dời cũng để giải phóng mặt bằng thi công xây dựng tuyến đường sắt đô thị TP.HCM (Bến Thành - Suối Tiên) trên địa bàn quận 1.

Hiện nay, các hạng mục thi công nhà ga ngầm của tuyến metro Bến Thành- Suối Tiên đang trong giai đoạn nước rút để bàn giao mặt bằng cho TP sau nhiều năm rào chắn

Đầu tháng 5, lãnh đạo UBND TP cũng giao Sở GTVT chủ trì nghiên cứu phương án tái lập đường Lê Lợi với điểm nhấn tái lập đường Lê Lợi cùng nút giao giữa tuyến này với phố đi bộ Nguyễn Huệ sau khi các ga ngầm của metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) cơ bản hoàn tất và hoàn trả mặt bằng.

Ngã tư Nguyễn Huệ - Lê Lợi ở vị trí sầm uất nhất TP.HCM, xung quanh có nhiều khách sạn, cửa hàng kinh doanh thương hiệu lớn. Trước đây, ngã tư này là một vòng xoay (còn được gọi là bùng binh Bồn Kèn hay bùng binh Cây Liễu), xây dựng năm 1920 và được xem là vòng xoay đầu tiên ở TP HCM và cả nước.

Năm 2014, để thi công ga ngầm Nhà hát thành phố của tuyến metro số 1, TP.HCM cho chặt nhiều cây xanh trước nhà hát và dỡ bỏ vòng xoay ở ngã tư Nguyễn Huệ - Lê Lợi. Thương xá Tax nằm ngay ngã tư cũng được tháo dỡ để xây tòa cao ốc 30 tầng.

Hồi đầu tháng 1/2022, TP.HCM đã tổ chức tu bổ, cải tạo tượng Đức Thánh Trần Hưng Đạo và công viên Mê Linh, bến Bạch Đằng và nhận được sự ủng hộ của người dân.

Tuấn Kiệt