Phòng chống bạo lực gia đình: Băn khoăn nhiều quy định khó khả thi
Xã hội - Ngày đăng : 19:01, 31/05/2022
Làm rõ mối quan hệ giữa gia đình-nhà trường và xã hội trong phòng, chống bạo lực gia đình
Góp ý về dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ mong muốn phải làm rõ hơn nữa các biện pháp "phòng" bạo lực gia đình. "Phòng" bao giờ cũng phải là cơ bản, đi trước. Nhưng đến nay chưa thoả mãn lắm với các quy định về biện pháp phòng bạo lực gia đình trong dự thảo Luật. Phần "chống" đã tương đối nhưng "phòng" còn hạn chế, mới chủ yếu tập trung vào thông tin tuyên truyền.
Theo Chủ tịch Quốc hội, phải "gia cố" nhiều hơn nữa cho các biện pháp "phòng" và mối quan hệ giữa "phòng" với "chống" để người ta không thể và không dám có hành vi bạo lực gia đình. "Không thể tức là hệ thống pháp luật phải chặt chẽ. Không dám là chế tài phải nghiêm. Nếu không thì ban hành Luật ra cũng khó tạo được chuyển biến căn bản trong lĩnh vực này".
Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh, gia đình là tế bào của xã hội, nhưng dự luật chưa thể hiện rõ mối quan hệ giữa gia đình–nhà trường và xã hội trong phòng, chống bạo lực gia đình. Theo đó, phải phát huy vai trò của nhà trường và xã hội nói chung đối với công tác phòng, chống bạo lực gia đình chứ không phải chỉ là vấn đề xã hội hoá nguồn lực để phòng, chống bạo lực gia đình (xây dựng nhà an toàn, hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực gia đình…). Chủ tịch Quốc hội đề nghị phải tiếp tục suy nghĩ, làm rõ vấn đề này để đến Kỳ họp cuối năm nay, khi dự luật được trình Quốc hội xem xét thông qua thì nhiều đại biểu Quốc hội tự tin rằng Luật ban hành ra sẽ tạo chuyển biến trong thực tiễn.
Tại phiên họp tổ, các đại biểu Quốc hội đánh giá cao việc dự thảo Luật đã nhận diện và quy định khá rõ các hành vi bạo lực gia đình. Việc tiếp tục quy định về các hành vi bạo lực gia đình theo hướng cụ thể sẽ góp phần bảo đảm tính minh bạch, khắc phục tình trạng luật khung và thuận tiện trong hướng dẫn thi hành Luật.
Chung góc nhìn, Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho rằng bạo lực về thể xác hay kinh tế có thể nhận diện được ngay nhưng bạo lực về tinh thần không hề đơn giản để nhận ra. Vì thế, vấn đề là cần lượng hóa biểu hiện để Luật dễ thực thi.
Dự thảo luật đưa ra 18 hành vi được coi là bạo lực gia đình, song từ thực tiễn, ông Hùng cho rằng có thể bổ sung hành vi, nhất là bạo lực tinh thần.
Chẳng hạn, vấn đề bạo lực tình dục tế nhị, ít được đề cập đến, nên khó nói được hết những gì cần phải nói. Hay một số ý kiến của Ủy ban Xã hội của Quốc hội cũng đặt vấn đề: Các bà vợ gây sức ép bắt các ông chồng phải đi làm cho có thật nhiều tiền, phải lên chức nọ chức kia thì có phải hình thức bạo lực gia đình không?
Ngoài ra, người đứng đầu cơ quan chủ trì soạn thảo luật cho rằng phải tính đến trách nhiệm của cá nhân, cộng đồng trong phòng, chống bạo lực gia đình, vì nếu "đèn nhà ai nhà nấy rạng" thì không thể nào phòng, chống bạo lực gia đình được.
Bảo vệ người yếu thế trong phòng, chống bạo lực gia đình
Đại biểu Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM đề nghị bổ sung quyền của người bị bạo lực gia đình là được lựa chọn nơi ở của họ khi phải tạm lánh. "Thực tế, người bị bạo lực thường phải đi khỏi nhà, trong khi họ đã bị tổn thương rất nặng nề. Đề nghị người bạo lực phải ra khỏi nhà. Người cần được bố trí tạm lánh là người bạo lực chứ không phải người bị bạo lực", đại biểu Nguyễn Thị Lệ phát biểu. Đại biểu Nguyễn Trần Phượng Trân (TPHCM) cũng đồng tình cho rằng, người bị bạo lực phải được lựa chọn nơi tạm lánh, khi họ đã bị tổn thương thì họ cần được lựa chọn chính ngôi nhà quen thuộc của mình.
Về vấn đề này, đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết (đoàn TPHCM) cho biết, đoàn TPHCM đã có 2 hội thảo về dự thảo luật này, nhiều ý kiến nêu tại sao người bị bạo lực phải ra khỏi nhà của mình, còn người có hành vi bạo lực lại ở trong ngôi nhà đó, mà trong nhiều trường hợp ngôi nhà đó lại chính người bị bạo lực bỏ tiền mua hoặc thuê. "Quan điểm là cần bảo vệ người yếu thế. Đoàn TPHCM có chung kiến nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục có nghiên cứu về vấn đề này", ĐB Bạch Tuyết nêu ý kiến.
Một số ĐBQH cho rằng, có những quy định trong dự thảo luật sẽ khó khả thi. Theo ĐB Trần Kim Yến (TPHCM), thời gian để đưa người có hành vi bạo lực gia đình về trụ sở công an trong 6 giờ là quá lâu, đề nghị chỉ trong vòng 1 giờ, vì tính chất bạo lực gia đình thường rất hung hăng, dễ gây hậu quả nghiêm trọng. Đồng tình, ĐB Nguyễn Công Long (Đồng Nai) cho rằng, bạo lực gia đình ngày càng bức xúc, cần có những giải pháp quyết liệt, nhưng khả thi mức độ nào thì cần tính toán.
Đại biểu Trình Lam Sinh (Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục) cũng đề nghị bổ sung một số hành vi mang tính "bạo lực tinh thần", ví dụ chồng tối ngày đi nhậu, để vợ ở nhà…
Điều tra quốc gia bạo lực với phụ nữ được Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội phối hợp thực hiện năm 2019 tại Việt Nam cho thấy cứ 3 phụ nữ thì có gần một người bị chồng bạo lực thể xác hoặc bạo lực tình dục. Đáng nói, hơn 90% số phụ nữ bị chồng bạo lực không dám hoặc không muốn nhờ giúp đỡ.
Theo đại biểu, đây là số liệu rất đáng báo động, cần lưu tâm để có bước xử lý nghiêm khắc hơn.
Lê Sơn