Phòng chống hiệu quả các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ
Xã hội - Ngày đăng : 14:46, 31/05/2022
Xác định rõ 'quyền nhân thân' hay 'quyền tác giả'?
Cơ bản đồng tình với báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, đại biểu Trần Công Phàn (đoàn Bình Dương) bày tỏ đồng tình với việc bổ sung thêm quy định về việc khai thác, sử dụng tác phẩm chưa có điều kiện tìm biết rõ tác giả.
Bên cạnh đó đại biểu đề nghị nghiên cứu, xem xét kỹ khoản 5 điều 1 sửa đổi, bổ sung điều 19 của Luật Sở hữu trí tuệ về quyền nhân thân. Theo đó, luật quy định 3 quyền nhân thân gồm: Quyền đặt tên cho tác phẩm, quyền đứng tên thật hoặc bút danh trên tác phẩm; quyền công bố tác phẩm hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm.
Cho rằng những quyền này không phải là quyền nhân thân, mà là quyền tác giả đối với tác phẩm của mình, đại biểu đề nghị rà soát, đối chiếu lại với quy định của Luật Dân sự để bảo đảm tính chặt chẽ trong quy định của pháp luật.
Cho ý kiến hoàn thiện dự thảo Luật, đại biểu Nguyễn Văn An (đoàn Thái Bình) nhấn mạnh đây là luật phức tạp, vừa mang tính chuyên môn sâu, kết hợp yếu tố kinh tế, dân sự, vừa mang tính khoa học cao.
Đại biểu phân tích, khái niệm "Nhãn hiệu nổi tiếng" được quy định tại điểm e, khoản 1 điều 1 của dự thảo Luật: Nhãn hiệu nổi tiếng là nhãn hiệu được bộ phận công chúng có liên quan biết đến rộng rãi trên lãnh thổ Việt Nam. Do đó, cần rà soát lại việc giải thích khái niệm "Nhãn hiệu nổi tiếng" bảo đảm phù hợp với công ước quốc tế mà Việt Nam tham gia cũng như tính thống nhất của hệ thống pháp luật.
Đại biểu Nguyễn Thị Lan (đoàn TP. Hà Nội) cho rằng, dự thảo Luật được sửa đổi, bổ sung lần này đã phần lớn giải quyết được những khó khăn, vướng mắc phát sinh về vấn đề sở hữu trí tuệ, thúc đẩy hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
Đại biểu nhấn mạnh, dự thảo Luật sau khi được tiếp thu, chỉnh sửa đã đáp ứng được cơ bản mục tiêu đề ra trong việc sửa đổi Luật Sở hữu trí tuệ, bảo đảm chất lượng, thể chế hóa chủ trương của Đảng, phù hợp với các cam kết quốc tế theo Hiệp định CPTPP, Hiệp định EVFTA và các điều ước quốc tế khác có liên quan mà Việt Nam là thành viên. Ngoài ra, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung cũng đã được điều chỉnh bảo đảm tính đồng bộ và thống nhất với một số điều của Luật Giá; Luật Hải quan; Luật Khoa học và Công nghệ; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công để đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Đặc biệt, dự thảo luật đã tiếp thu, chỉnh sửa nhiều nội dung quan trọng như giao quyền cho tổ chức, cá nhân đăng ký sở hữu trí tuệ đối với tài sản trí tuệ, giống cây trồng được tạo ra có sử dụng một phần hoặc toàn bộ từ ngân sách nhà nước một cách tự động mà không bồi hoàn. Theo nữ đại biểu, đây là một bước tiến lớn trong việc tháo gỡ vướng mắc để các cơ sở nghiên cứu, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ tạo ra từ nghiên cứu khoa học.
Đại biểu đề nghị Quốc hội rà soát, nghiên cứu để xây dựng được một hệ thống cơ chế giám sát, kiểm soát mang tính liên ngành rõ ràng, không chồng chéo nhằm phòng, chống một cách hiệu quả, triệt để hơn các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) cho rằng, trong bối cảnh nước ta hội nhập quốc tế sâu rộng, các hoạt động đối ngoại, hợp tác quốc tế diễn ra thường xuyên, việc sử dụng Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca tại các sự kiện chính trị, kinh tế-xã hội, hoạt động thể dục, thể thao trong và ngoài nước trên không gian mạng ngày càng phổ biến hơn nên việc quy định sử dụng phổ biến Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca vào Luật là rất cần thiết. Điều này vừa đáp ứng yêu cầu bảo đảm sự tôn nghiêm của các biểu tượng quốc gia trong đời sống xã hội, vừa bảo đảm quyền hưởng thụ của người dân.
Không được ngăn chặn, cản trở việc phổ biến, sử dụng Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca
Nhất trí và đồng tình cao với việc bổ sung tại khoản 2 Điều 7 Luật Sở hữu trí tuệ nội dung tổ chức, cá nhân thực hiện quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca, đại biểu Nguyễn Hải Anh (đoàn Đồng Tháp) khẳng định, Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca là đối tượng đặc biệt, là biểu tượng thiêng liêng của đất nước, chứa đựng những giá trị văn hóa, lịch sử và cách mạng sâu sắc, là niềm tự hào, niềm tin và khát vọng của dân tộc, là biểu tượng và tượng đài bất diệt của lòng yêu nước, sự hy sinh cao cả của biết bao thế hệ đi trước đã quên mình vì độc lập, tự do của Tổ quốc...
Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nêu rõ, Luật sửa bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ là Luật khó, có tính chuyên môn sâu và liên quan đến nhiều điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên trong các lĩnh vực về quyền tác giả, quyền liên quan từ các lĩnh vực về bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp, giống cây trồng,… cho nên việc nội luật hóa để phù hợp với thực tiễn của Việt Nam, không trái với các cam kết quốc tế, tận dụng được các cơ hội mà các hiệp định tự do đem lại để thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội cũng như thúc đẩy sự phát triển khoa học công nghệ của đất nước là một điều phức tạp.
Sau khi tiếp thu, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung 104 điều trên tổng số là 222 điều của Luật hiện hành, trong đó tăng hơn 11 điều so với dự thảo luật mà Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ hai.
Các đại biểu cũng tán thành vấn đề kiểm soát việc sử dụng kết quả nghiên cứu khoa học công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước để phục vụ cho lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân được hưởng thụ những thành tựu phát triển khoa học công nghệ. Qua đó đối với những thành tựu mà có hàm lượng trí tuệ cao chỉ có thể thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam để ứng dụng những cái kết quả nghiên cứu đó.
Các vị đại biểu cũng nhất trí cao việc không thu hẹp đối tượng xử phạt hành chính trong lĩnh vực công nghiệp và giữ như luật hiện hành; thống nhất cao với việc bổ sung vào dự thảo Luật vấn đề liên quan đến thực thi tổ chức, cá nhân mà thực thi quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca thì không được ngăn chặn, cản trở việc sử dụng phổ biến Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca. Quy định này tạo cơ sở pháp lý chặt chẽ để xử lý kịp thời.
Lê Sơn