Cambodia Angkor Air đã cứu Vietnam Airlines thoát án huỷ niêm yết thế nào?
Bất động sản - Ngày đăng : 14:40, 31/05/2022
Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines – Mã CK: HVN) vừa thông báo hoàn thành việc chuyển nhượng 35% cổ phần của Tổng công ty tại Hãng hàng không Cambodia Angkor Air (K6) – hãng hàng không quốc gia Campuchia.
Hậu giao dịch, K6 không còn là công ty liên kết của HVN. Phần vốn góp còn lại của khoản đầu tư này (14%) được HVN chuyển sang mục “đầu tư góp vốn vào đơn vị khác” với giá gốc 248,1 tỉ đồng tại thời điểm 31/12/2021 – dự kiến sẽ được thanh lý nốt trong năm 2022.
Báo cáo tài chính kiểm toán của HVN cho biết, vào các ngày 3/1 và 29/3/2022, hãng đã nhận được số tiền lần lượt là 30 triệu USD và 4 triệu USD từ nhà đầu tư cho thương vụ mua lại 35% số cổ phần tại K6. Trước đó, vào năm 2019, HVN cũng đã nhận khoản đặt cọc 1 triệu USD cho thương vụ này.
Lưu ý rằng, HVN đã chuyển giao quyền sở hữu cổ phần K6 trong năm 2021. Do đó, ngay từ năm ngoái, công ty này đã có thể ghi nhận doanh thu và khoản phải thu từ thương vụ này.
Cụ thể, trong năm 2021, HVN ghi nhận khoản lãi từ chuyển nhượng vốn góp tới 647,7 tỉ đồng (năm 2020 không phát sinh). Nguồn thu này giúp HVN giảm bớt số lỗ trong năm và giữ quy mô vốn chủ sở hữu vẫn ở mức dương, tránh được nguy cơ bị hủy niêm yết.
Tuy nhiên, tính đến ngày 31/3/2022, HVN lại rơi vào tình trạng âm vốn chủ sở hữu tới 2.160,8 tỉ đồng, nguyên nhân chủ yếu là do khoản lỗ ròng 2.613 tỉ đồng trong quý 1/2022. Đây cũng là quý thua lỗ thứ 9 liên tiếp của hãng hàng không quốc gia.
Tính đến cuối quý 1/2022, lợi nhuận sau thuế của HVN ghi nhận giá trị âm 24.574,6 tỉ đồng (hơn 1 tỉ USD), cao hơn 2.430,6 tỉ đồng so với quy mô vốn điều lệ (22.143,9 tỉ đồng). Nếu tình trạng này không được khắc phục và kéo dài tới cuối năm, HVN sẽ tiếp tục đối mặt với nguy cơ hủy niêm yết bắt buộc./.