Trải nghiệm tự sửa chữa iPhone tại nhà: giá thì 'chát' so với ngoài store, kết quả cuối cùng 'chẳng như mơ'

Xe - Công nghệ - Ngày đăng : 12:35, 31/05/2022

Dù có bộ dụng cụ đầy đủ cùng hướng dẫn chi tiết, việc tự sửa chữa những chiếc iPhone không phải là điều dễ dàng, nhất là với những người không chuyên.

Tháng trước, Apple đã bắt đầu triển khai chương trình tự sửa chữa, cho phép người dùng có thể sử dụng các công cụ được hỗ trợ để sửa iPhone tại nhà. Động thái này đã gây sự chú ý lớn khi được công bố vì đây là bước ngoặt mới cho phong trào sửa chữa, thúc giục các công ty công nghệ cung cấp nguồn lực để người dùng có thể tự 'hồi sinh' thiết bị điện tử của mình.

Tuy nhiên, với những người có ít kinh nghiệm trong việc sửa chữa thiết bị điện tử, trải nghiệm này vô cùng đáng sợ. Vì vậy, thông qua trải nghiệm tự sửa chữa iPhone tại nhà của tác giả Brian X.Chen tới từ trang New York Times đã cho cái nhìn chân thật hơn về chương trình mới của Apple.

"Tôi bắt đầu bằng cách truy cập vào trang web của chương trình tự sửa chữa (selfservicerepair.com). Ở đó, tôi tìm thấy hướng dẫn sử dụng dịch vụ cho iPhone 12 mà tôi muốn sửa chữa và đặt mua các công cụ. Các hướng dẫn tương đối chi tiết và dễ hiểu.

Tôi đã xem xét các hướng dẫn dành cho iPhone 12 của mình. Các bước thực hiện có vẻ đơn giản: Dùng máy làm tan keo và cạy màn hình điện thoại ra, tháo ốc và pin, sử dụng máy khác để lắp pin mới, sau đó ghép mọi thứ lại với nhau và sử dụng máy thứ ba để ép điện thoại lại với nhau.

Để tham gia chương trình tự sửa chữa iPhone, các chi phí mà tôi cần phải bỏ ra bao gồm 49 USD để thuê bộ công cụ, 69 USD mua pin mới, 2 USD mua keo dán, 0,15 USD mua ốc vít, cùng với 1.210 USD đặt cọc. Toàn bộ đồ đạc được Apple vận chuyển đến nhà tôi sau 7 ngày.

Vài ngày sau, hi người giao hàng mang đến hai thùng đồ cồng kềnh và để trước cửa nhà, anh ta đã rất thắc mắc rằng có thứ gì bên trong.

"Đó là thiết bị để mọi người tự sửa chữa iPhone tại nhà", tôi nói.

Tuy nhiên, anh ấy đã nhìn tôi với một ánh mắt ngờ vực.

Trải nghiệm tự sửa chữa iPhone tại nhà: giá thì chát so với ngoài store, kết quả cuối cùng chẳng như mơ - Ảnh 1.
Chiếc hộp sửa chữa của Apple với đầy đủ các dụng cụ.

Những thiết bị mà Apple cho thuê đều là máy móc chuyên nghiệp được sử dụng tại các cửa hàng của hãng. Bên trong hộp bao gồm 3 chiếc máy, tất cả đều nặng và cồng kềnh. Tôi chưa bao giờ sử dụng những thứ tương tự trước đây. Do đó, tôi đã liên hệ với Shakeel Taiyab, người đã từng sửa chữa các thiết bị điện tử cho gia đình tôi trước đây. Taiyab đã đưa cho tôi một chiếc iPhone 12 bị hỏng khác để có thể thực hành trước.

Trải nghiệm tự sửa chữa iPhone tại nhà: giá thì chát so với ngoài store, kết quả cuối cùng chẳng như mơ - Ảnh 2.
Máy tháo rời của Apple làm nóng iPhone để làm mềm chất kết dính trước khi tách màn hình khỏi vỏ

Chúng tôi đã cùng nhau tập luyện bằng cách sửa chiếc điện thoại này. Đầu tiên, chúng tôi tháo hai ốc vít ở cạnh dưới. Tiếp theo là làm nóng điện thoại để keo dán màn hình chảy ra. Sau đó, chúng tôi dùng một thanh nhựa để tách phần màn hình ra khỏi khung máy.

Trải nghiệm tự sửa chữa iPhone tại nhà: giá thì chát so với ngoài store, kết quả cuối cùng chẳng như mơ - Ảnh 3.
Ông Taiyab tháo các dải keo bên dưới pin iPhone
Trải nghiệm tự sửa chữa iPhone tại nhà: giá thì chát so với ngoài store, kết quả cuối cùng chẳng như mơ - Ảnh 4.
Cả hai sử dụng máy cán của Apple để ép pin mới lên các dải keo

Chúng tôi tiếp tục làm theo các hướng dẫn, ngắt cáp kết nối, tháo vít và pin. Chúng tôi đã vượt qua tất cả những công đoạn trên một cách khá dễ dàng. Tuy nhiên, cơn ác mộng đến đây mới thực sự diễn ra.

Với những kinh nghiệm vừa thực hành phía trên, tôi hào hứng thay pin cho chiếc iPhone 12 của mình. Tôi nhanh chóng dùng máy để làm tan chảy phần keo và bắt đầu tách màn hình. Tuy nhiên, Taiyab ngay lập tức ngăn tôi lại.

"Bạn đã tháo các ốc vít dưới đáy ra chưa", anh ấy hỏi.

"Ôi, không", tôi nói.

Tôi nhanh chóng tháo hai ốc vít ở phía dưới và bắt đầu lại các bước. Lúc này, màn hình có vẻ như chưa bị ảnh hưởng. Tôi làm lại các bước tương tự như trên. Sau khi thay thế viên pin mới, tôi lắp đặt lại các linh kiện và dùng máy ép để cố định thiết bị. Điều này nhằm đảm bảo khả năng chống nước của máy.

Sau đó, tôi cắm sạc điện thoại và bật nguồn. Những vạch trắng nhấp nháy bắt đầu xuất hiện trên màn hình. Màn hình đã bị hỏng. Nguyên nhân là do trước đó tôi quên không tháo hai ốc vít ở cạnh đáy, trong khi cố tách phần màn hình ra khỏi khung.

May mắn thay, Taiyab có rất nhiều màn hình Apple dự phòng. Trong vài phút, anh ta đã tháo chiếc điện thoại ra, thay thế màn hình khác và dán nó lại.

Sự ngạc nhiên của chúng tôi bắt đầu từ đây. Khi bật nguồn lên, một thông báo xuất hiện cho biết pin và màn hình đã bị thay thế bằng các linh kiện không rõ nguồn gốc. Điều này khiến tôi cảm thấy rất hoang mang bởi pin là linh kiện mà tôi đã đặt hàng chính hãng từ Apple. Màn hình cũng là hàng chính hãng, bởi nó được lấy ra từ một chiếc iPhone khác.

Tôi đã phải liên hệ với một kỹ thuật viên của Apple để nhờ hỗ trợ xử lý vấn đề trên. Tuy nhiên, mọi nỗ lực đều không thể tắt được thông báo kia. Sau đó, tôi đã phải tự mình tìm hiểu trên các diễn đàn để tìm ra giải pháp. Khoảng hơn 30 phút sau, công việc mới hoàn tất. Thông báo về pin không xác định cũng biến mất.

Apple cho biết họ hoan nghênh các phản hồi trong quá trình phát triển chương trình tự sửa chữa. Tôi thấy chương trình này là một sản phẩm non trẻ với những ưu nhược điểm và tiềm năng để có thể phát triển tốt hơn.

Có một số lợi ích sẽ giúp việc sửa chữa chất lượng cao hơn, giá rẻ hơn cho người dùng. Giờ đây, tất cả các kỹ thuật viên sửa chữa độc lập, bao gồm cả ông Taiyab, đều có quyền truy cập vào các công cụ của Apple.

Tuy nhiên, toàn bộ những trải nghiệm trên là không hề đơn giản. Có thể thấy, chương trình sửa chữa mà Apple đưa ra không thực tế đối với hầu hết người dùng. Thậm chí, tổng chi phí mà tôi phải bỏ ra khi tự sửa chữa ở nhà còn cao hơn so với việc mang ra các cửa hàng hoặc đại lý ủy quyền của Apple."

(Theo Nhịp Sống Kinh tế, NYT)