Lãi suất liên ngân hàng xuống thấp nhất từ đầu năm

Tài chính ngân hàng - Ngày đăng : 09:38, 31/05/2022

Việc lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm giảm xuống dưới 1%/năm, thấp nhất kể từ tháng 12/2021, cho thấy thanh khoản các nhà băng đang ở trạng thái dôi dư nhất từ đầu năm.

Ghi nhận trong báo cáo thị trường tiền tệ, trái phiếu tuần cuối cùng tháng 5, Trung tâm phân tích đầu tư Công ty Chứng khoán SSI - SSI Research cho biết sau nhiều tuần bơm ròng tiền Đồng ra thị trường, trong tuần qua, Ngân hàng Nhà nước đã rút ròng gần 400 tỷ đồng khỏi thị trường qua kênh tín phiếu.

Cụ thể, cơ quan quản lý tuần qua bơm 1.400 tỷ ra thị trường thông qua nghiệp vụ mua kỳ hạn 14 ngày, lãi suất 2,5%/năm, trong khi có 1.800 tỷ đồng tín phiếu đáo hạn. Giao dịch rút ròng này khiến khối lượng tín phiếu đang lưu hành giảm xuống còn 2.300 tỷ đồng.

Đáng chú ý, việc rút ròng tiền Đồng khỏi thị trường của NHNN diễn ra trong bối cảnh thanh khoản các nhà băng đã được cải thiện rất nhiều và đang ở trạng thái dôi dư nhất từ đầu năm. Điều này thể hiện ở việc lãi suất cho vay liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm đã giảm mạnh trong tuần vừa qua.

Cụ thể, số liệu của NHNN cho biết mặt bằng lãi suất cho vay qua đêm giữa các nhà băng tuần qua có thời điểm đã giảm xuống dưới 1%/năm, thấp nhất kể từ tháng 12/2021. Dù bật tăng nhẹ vào cuối tuần, mức lãi cho vay này vẫn đóng cửa ở 1,1%/năm, giảm 0,76 điểm % so với tuần trước. Tương tự, lãi suất cho vay kỳ hạn 1 tuần cũng giảm 0,63 điểm %, kết tuần ở 1,5%/năm.

Theo các chuyên gia, thanh khoản hệ thống ngân hàng cải thiện tích cực là hệ quả của các đợt tăng lãi suất huy động liên tục từ đầu năm.

Số liệu mới nhất của NHNN cũng cho biết dòng tiền của doanh nghiệp và người dân đang có xu hướng trở lại kênh tiết kiệm ngân hàng khi số dư tiền gửi của cả 2 nhóm khách hàng này đều tăng mạnh 3 tháng đầu năm.

Cụ thể, số dư tiền gửi ngân hàng của người dân trong tháng 3 đã tăng hơn 14.000 tỷ đồng, nâng tổng mức tăng 3 tháng đầu năm lên 174.000 tỷ, tương đương 3,28% so với đầu năm. Hiện tổng số dư tiền gửi của dân cư tại hệ thống ngân hàng đạt khoảng 5,47 triệu tỷ đồng.

Tương tự, số dư tiền gửi của các tổ chức kinh tế cũng tăng mạnh trong giai đoạn này với mức tăng 3,89% từ đầu năm, tương đương tăng ròng gần 220.000 tỷ đồng, hiện đạt 5,86 triệu tỷ đồng.

Với việc lãi suất huy động ngân hàng vẫn tăng từ tháng 3 đến nay, các chuyên gia phân tích cho rằng xu hướng gia tăng tiền gửi vào hệ thống ngân hàng sẽ còn kéo dài trong tháng 4-5.

Cũng theo số liệu mới nhất từ NHNN, tính đến ngày 25/5, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống đã đạt 7,75% so với đầu năm và cao hơn 16,5% so với cùng kỳ. Mức tăng này cao gần gấp đôi so với số tăng cùng kỳ năm trước và cao nhất trong một thập niên gần đây.Đây cũng là nguyên nhân chủ yếu giúp thanh khoản các ngân hàng cải thiện tích cực trong bối cảnh NHNN giảm lượng bơm tiền.

Tuy nhiên, theo SSI Research, tốc độ tăng trưởng tín dụng đã có phần chậm lại nếu tính theo tháng. Trong đó, nguyên nhân đến một phần từ việc thị trường trái phiếu doanh nghiệp chững lại sau các vụ việc vi phạm bị xử lý.

Bên cạnh đó, việc tăng trưởng tín dụng tại hầu hết ngân hàng lớn đã gần chạm mức trần NHNN đặt ra đầu năm cũng dẫn tới tốc độ giải ngân mới sẽ được các ngân hàng cân nhắc hơn.

Các chuyên gia tại SSI Research đánh giá việc tín dụng chậm lại cũng đã giảm bớt áp lực về thanh khoản và giúp mặt bằng lãi suất liên ngân hàng có thể duy trì ở mức thấp, trong bối cảnh tiền Đồng chịu áp lực mất giá.

(Theo Zing)