Dịch giả Nguyễn Quốc Vương: Nếu không có cải cách cơ bản, môn Lịch sử sẽ ở tình thế 'tiến thoái lưỡng nan'
Xã hội - Ngày đăng : 17:23, 30/05/2022
Dịch giả Nguyễn Quốc Vương cho rằng, nếu không có cải cách cơ bản, môn Lịch sử đang ở tình thế "lưỡng nan", trở thành môn "lựa chọn" cũng dở mà trở thành môn "bắt buộc" cũng dở. |
Ông đánh giá như thế nào về tầm quan trọng của môn Lịch sử?
Môn Lịch sử - nếu được dạy như môn môn khoa học thực sự luôn có ý nghĩa trong bất cứ hoàn cảnh nào vì nó giúp cho người công dân có khả năng hiểu xã hội hiện tại, từ đó có thái độ, hành động phù hợp giúp cho cuộc sống của mình và xã hội tốt lên.
Nếu Lịch sử là môn “lựa chọn” sẽ để lại những hệ lụy gì, theo ông?
Đương nhiên, nếu Lịch sử được dạy tốt, như một môn khoa học thì ở THPT học sinh vẫn phải học như Toán, Lý, Hóa, Văn…
Nếu chỉ có một bộ phận học sinh học thì đương nhiên sẽ để lại nhiều hệ lụy vì ở giai đoạn trung học phổ thông, lý tính của học sinh được phát triển hoàn thiện. Học sinh sẽ có điều kiện đào sâu, tìm hiểu kĩ Lịch sử theo chuyên đề gắn với các vấn đề của xã hội đương đại để chuẩn bị cho việc trở thành người công dân độc lập.
Tuy nhiên, nếu môn Sử không có cải cách cơ bản thì “lựa chọn” là một giải pháp tình thế giảm áp lực cho cả học sinh và cơ quan quản lý giáo dục.
Nhưng tôi không nghĩ giải pháp này sẽ có hiệu quả lâu dài. Nếu không có cải cách cơ bản, môn Sử đang ở tình thế "lưỡng nan", trở thành môn "lựa chọn" cũng dở mà trở thành môn "bắt buộc" khi không có chuyển biến gì cũng không ổn.
Là người nghiên cứu, viết và dịch nhiều sách về đất nước Nhật Bản, ông có thể cho biết ở Nhật Bản - họ dạy Lịch sử thế nào?
Ở Nhật tồn tại hai kiểu giáo dục lịch sử: Giáo dục lịch sử kiểu thông sử và giáo dục lịch sử kiểu nghiên cứu xã hội.
Giáo dục lịch sử kiểu thông sử là kiểu dạy sử theo biên niên sự kiện như trong nhà trường của chúng ta.
Giáo dục lịch sử kiểu nghiên cứu xã hội là giáo dục lịch sử theo chuyên đề và theo kiểu “lội ngược dòng”. Lịch sử theo chuyên đềlà lịch sử phương tiện giao thông, lịch sử trang phục, lịch sử toàn cầu hóa, lịch sử chữ viết… Lịch sử "lội ngược dòng" là lịch sử được thiết kế với nội dung lấy các vấn đề trong xã hội đương đại làm điểm xuất phát để lần tìm lại lịch sử nhằm lý giải và giải quyết nó.
Vì vậy, ở Nhật Bản, môn Lịch sử được dạy trong môn Nghiên cứu xã hội ở tiểu học và đến trung học cơ sở thì môn Nghiên cứu xã hội phân nhánh thành “Lĩnh vực địa lý”, “Lĩnh vực lịch sử” và “Lĩnh vực công dân”.
Các trường bố trí cách dạy ba môn này khác nhau, tự chủ.
Thông thường các trường sẽ dạy “Lịch sử”, “Địa lý” trước ở hai lớp đầu cấp, sau đó dạy “công dân” ở cuối cấp (lớp 9). Mục đích là để học sinh có nền tảng kiến thức đã học giải quyết các vấn đề tổng hợp. Lên THPT, môn Lịch sử sẽ là môn học độc lập phân ra làm Lịch sử thế giới và Lịch sử Nhật Bản.
Trong từng phân môn này lại chia ra làm Lịch sử Nhật Bản A, Lịch sử Nhật Bản B, Lịch sử thế giới A, Lịch sử thế giới B với sự phân bố nội dung, cách tiếp cận khác nhau cho học sinh lựa chọn.
Tất nhiên, môn Lịch sử ở cấp học này là bắt buộc với mọi học sinh (mọi học sinh đều học nhưng có lựa chọn phân môn khác nhau).
Việt Nam có thể học được kinh nghiệm gì từ Nhật Bản, theo ông?
Việt Nam có thể học được nhiều thứ, ví dụ như việc dạy Lịch sử không phải là dạy lại nội dung thông tin trong sách giáo khoa cho học sinh nhớ, hiểu, thuộc mà phải hướng dẫn học sinh cách thức làm việc của nhà sử học để tự xây dựng nên hình ảnh lịch sử của chính bản thân mình. Cách thức tiếp cận theo hướng Nghiên cứu xã hội cũng nên được tiếp thu.
Dạy Lịch sử ở ta từ trước đến nay thường chỉ là thông sử. Nó lặp đi lặp lại và gây nhàm chán. Lý luận giáo dục lịch sử ở Việt Nam cách thế giới rất xa. Những người dạy lý luận giáo dục lịch sử ở đại học và giáo viên dạy lịch sử phải dám nhìn vào sự thật này để học hỏi và thay đổi.
Là tác giả của những cuốn sách nổi tiếng như “Giáo dục Việt Nam học gì từ Nhật Bản”, “Môn sử không chán như em tưởng”,… ông có thể chia sẻ, cần làm thế nào để học sinh tiếp cận dễ dàng và yêu thích môn Lịch sử hơn?
Để học sinh yêu thích môn Lịch sử thì giáo viên phải chủ động tái cơ cấu nội dung sách giáo khoa cho phù hợp với nhận thức của học sinh (theo vùng miền, trường, lớp), phải tự mình nghiên cứu, tìm tòi để tìm ra các tư liệu chìa khóa. Việc học Lịch sử phải gắn liền với việc tìm kiếm và xử lý tư liệu để học sinh giải mã, đọc hiểu nó từ đó có nhận thức lịch sử khoa học.
Nếu thuần túy là truyền đạt tới học sinh nhận thức của giáo viên thì nó sẽ trở thành môn học nhồi nhét và ép buộc ghi nhớ. Nó khiến cả học sinh và giáo viên chán nản. Học sinh phải được giáo viên hướng dẫn để có tư duy, phương pháp làm việc như một nhà sử học nhỏ tuổi.
Giáo viên cũng cần tôn trọng sự biểu đạt của học sinh và tạo ra môi trường dân chủ cho học sinh tranh luận, từ đó mài sắc nhận thức lịch sử, tiến tới nhận thức khoa học, thực chứng, logic hơn.
Từ kinh nghiệm của mình, theo ông, đâu là điểm quan trọng nhất để học sinh không còn “sợ” môn Lịch sử?
Đó là phải thừa nhận sự đa dạng trong nhận thức lịch sử của học sinh, từ đó chú trọng vào hướng dẫn học sinh sử dụng phương pháp của nhà sử học và mài sắc tư duy lịch sử thay vì nhồi nhét thông tin-sự kiện, thứ học sinh có thể dễ dàng tra cứu bằng sách, máy tính.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Nhà nghiên cứu giáo dục, dịch giả Nguyễn Quốc Vương đã dịch và viết khoảng 70 cuốn sách về giáo dục, lịch sử, văn hóa. Một số cuốn tiêu biểu như: - Sách dịch: Cải cách giáo dục Việt Nam, Phẩm cách quốc gia, Thư nhà… - Sách viết: Đọc sách và con đường gian nan vạn dặm, Giáo dục Việt Nam học gì từ Nhật Bản, Môn sử không chán như em tưởng, Đường xa nghĩ về giáo dục Việt Nam, Đi tìm triết lý giáo dục Việt Nam… Giải thưởng: Giải Sách Hay 2020 dành cho cuốn sách Giáo dục Việt Nam học gì từ Nhật Bản. |