Tiền giả liên tục xuất hiện ở các trung tâm thương mại
Chuyển động Thị trường - Ngày đăng : 10:30, 30/05/2022
Nhân viên tại phòng giao dịch Ngân hàng Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) chi nhánh Phú Mỹ Hưng cho biết, tiền polymer thật có độ đàn hồi và độ bền cao. Tiền dễ dàng trở lại trạng thái ban đầu sau khi bị vo tròn, hay nắm thành cục. Tiền cũng rất khó bị xé rách, phai màu, biến dạng...
Từ trước đến nay, tiền giả phát hiện được trong quá trình giao dịch tại quầy thường được in trên nilon nên không có độ đàn hồi, độ bền kém, dễ biến dạng, mất màu khi kéo giãn... “Điều đáng lo là tờ tiền giả mà đối tượng mua hàng tại Miniso có độ đàn hồi như tiền thật. Nhân viên bán hàng rất khó để nhận nhận biết” - nhân viên này nói.
Theo Cửa hàng Miniso, có thể các đối tượng muốn tiêu thụ tiền giả lựa chọn mua hàng vào giờ cao điểm, lúc khách đông khiến họ mất cảnh giác.
Chị Hà Kiều - kinh doanh thời trang tại Taka (quận 1, TP.HCM) cũng là nạn nhân khi bị một số đối tượng dùng tờ tiền 500.000 đồng để thanh toán cái áo có giá khoảng 150.000 đồng. “Đối tượng này còn nhờ tôi chuyển 2 triệu đồng vào tài khoản rồi đưa lại tôi tiền mặt. Nhưng do tôi đang cầm tiền mặt quá nhiều nên đã từ chối, nếu không có thể đã “ôm” một mớ tiền giả mà không hay...”, chị Kiều kể lại.
Cách đây không lâu, một nhân viên cửa hàng Vinmart (Hà Nội) cũng đã phát hiện một phụ nữ tên Nguyễn Thị Hồng Loan, sử dụng hai tờ tiền giả mệnh giá 500.000 đồng để thanh toán và báo công an. Loan cho biết có một nam thanh niên đưa chị 2 triệu đồng tiền giả để lưu hành, mỗi tờ 500.000 đồng tiền giả được lưu hành thì đối tượng sẽ nhận lại 200.000 đồng tiền thật.
Trong thời gian qua, nạn rao bán tiền giả vẫn tràn lan trên mạng xã hội Facebook. Hầu hết các trang đều khẳng định tiền giả giống tiền thật từ 97% trở lên, khách mua chỉ cần đặt cọc 20-50% tiền thật sẽ được giao tiền giả tận tay. Cứ 1 triệu đồng tiền thật sẽ mua được 10 - 15 triệu tiền giả (tùy nơi).
Công an TP.HCM thông tin, gần đây, thủ đoạn của tội phạm in tiền giả có mệnh giá lớn 500.000 đồng và 200.000 đồng ngày càng phức tạp, tinh vi. Người dân cần lưu ý, đề phòng.
Hoạt động mua, bán tiền giả đều vi phạm pháp luật, bị xử lý hình sự. Cụ thể, hành vi làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả có thể phạt tù từ 3 - 20 năm hoặc tù chung thân. Hành vi nhắn tin, hỏi giá, đặt cọc, trao đổi với các điểm bán tiền giả với mục đích muốn mua tiền giả thì cũng sẽ bị truy cứu về tội không tố giác tội phạm. “Còn hành vi biết đó là tiền giả nhưng dùng tiền đó để mua hàng hóa cũng có thể bị xử lý hình sự với tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, công an TP. HCM cảnh báo.
(Nguồn: Phụ nữ Online)