Hà Tĩnh: Đặc sản bánh đa vừng đen Hạnh Tâm đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao

Ẩm thực - Ngày đăng : 08:30, 30/05/2022

Được chế biến từ gạo ngon, vừng sạch và một số gia vị, bánh đa vừng Hạnh Tâm là món ăn dân dã được nhiều người yêu thích. Sản phẩm này vừa được UBND tỉnh Hà Tĩnh cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao.
Hà Tĩnh: Đặc sản bánh đa vừng đen Hạnh Tâm đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao
Bánh đa vừng đen Hạnh Tâm là món ăn dân dã có mặt trong hầu hết các bữa tiệc tại Hà Tĩnh.

Sau thời gian làm việc, ông Lê Minh Tâm (SN 1965, trú tại thôn Trung Thiên, xã Thiên Lộc, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh) làm chế độ hưởng lương hưu một lần rồi chuyển về quê sinh sống.

Từ nhỏ, ông Tâm đã gắn liền với nghề làm bánh đa của gia đình. Thời đó bánh đa được sản xuất bằng thủ công, nhỏ lẻ, chủ yếu phục vụ tại các buổi chợ phiên ở địa phương. Chính vì vậy, ông Tâm luôn trăn trở với nghề làm bánh do bố mẹ để lại. Nhận thấy nhu cầu sử dụng bánh đa của người dân rất lớn bởi trong hầu hết các bữa tiệc, lễ lạt tại địa phương, đây là một món ăn dường như không thể thiếu, có thể dùng ăn kèm với hến xào, lươn bằm… rất ngon.

Hà Tĩnh: Đặc sản bánh đa vừng đen Hạnh Tâm đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao
Gạo sau khi được ngâm khoảng 7 tiếng đồng hồ thì cho vào cối đá xay nhuyễn thành bột nước đặc sánh.

Thực tế là vậy, nhưng làm sao để đưa những chiếc bánh của gia đình đến với thị trường? Làm sao để mở rộng sản xuất, mở rộng địa bàn tiêu thụ và xây dựng thương hiệu của mình? Sau một thời gian trăn trở, để đặt nền móng cho cơ sở, ông Tâm đã quyết định đăng ký thành lập hộ kinh doanh Lê Minh Tâm với tên gọi Bánh đa vừng đen Hạnh Tâm.

Bằng nhiệt huyết với nghề và trọng trách không để nghề thất truyền, ông Tâm đã không quản ngại khó khăn lặn lội ra tận Nam Định để học hỏi, tìm hiểu và mua sắm máy móc, dây chuyền sản xuất.

Hà Tĩnh: Đặc sản bánh đa vừng đen Hạnh Tâm đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao
Dây chuyền sản xuất bánh đa vừng rắc.

Có được máy móc và dây chuyền sản xuất chưa đủ, vấn đề là làm sao để bánh đa vừng đen Hạnh Tâm được thị trường tiếp nhận? Làm sao để bánh đa Hạnh Tâm có mặt trên các bàn tiệc, trong các quán hàng và đặc biệt là trong chiếc giỏ của những người phụ nữ mỗi khi đi chợ về?

Sau nhiều lần thử nghiệm, với sự nhạy bén về thị hiếu của khách hàng cùng với việc kế thừa những bí quyết của gia đình truyền lại, ông Tâm đã cho ra những chiếc bánh đa vừng đen có hương vị thơm ngon mang đặc trưng riêng được nhiều khách hàng yêu thích.

Hà Tĩnh: Đặc sản bánh đa vừng đen Hạnh Tâm đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao
Bánh được làm chín bằng hơi thông qua bể chứa nước sôi trong khoảng thời gian 40 giây rồi được đưa ra ngoài phơi nắng

Cầm chiếc bánh đa nhỏ gọn trên tay, ít ai biết rằng người làm bánh phải có bàn tay khéo léo và trải qua khá nhiều công đoạn, trong đó, quan trọng nhất là khâu lựa chọn nguyên liệu, bởi nó quyết định chất lượng của sản phẩm.

Nguyên liệu chính để làm bánh đa vừng đen Hạnh Tâm bao gồm loại gạo quê ngon nhất và vừng đen loại hảo hạng, hạt mẩy căng tròn. Ngoài ra còn có một số gia vị như muối, tỏi và ớt tiêu.

Hà Tĩnh: Đặc sản bánh đa vừng đen Hạnh Tâm đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao
Mỗi ngày cơ sở bánh đa vừng đen sản xuất được khoảng trên 5.000 chiếc bánh

Trước khi đưa vào chế biến, gạo và vừng đen phải được sàng lọc bụi bẩn, loại bỏ hạt lép, rồi đãi kỹ bằng nước sạch. Gạo sau khi được ngâm trong nước khoảng 7 tiếng đồng hồ thì cho vào cối đá (loại cối đá Lục Ngạn) xay nhuyễn. Quá trình xay có cho thêm một ít nước pha muối, tỏi và ớt tiêu theo 1 tỷ lệ nhất định, tạo thành một loại hỗn hợp đặc sánh.

Hỗn hợp đã xay nhuyễn được cho vào một chiếc thùng bằng inox có gắn vòi romine để điều chỉnh định lượng. Vòi này được dẫn tới một băng chuyền có tạo lỗ tròn làm khuôn theo kích thước của bánh. Khi băng chuyền quay, hỗn hợp sẽ chảy vào khuôn để tạo nên từng chiếc bánh.

Hà Tĩnh: Đặc sản bánh đa vừng đen Hạnh Tâm đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao
Vừng đen có tác dụng tốt đối với người ăn kiêng hoặc giảm cân nên bánh đa vừng Hạnh Tâm được nhiều người lựa chọn

Sau khi rời khỏi khuôn, thông qua một hệ thống cảm biến, vừng đen được rắc đều lên bề mặt của bánh rồi theo băng chuyền đi vào lò hấp. Tại đây, bánh được làm chín bằng hơi thông qua bể chứa nước sôi trong khoảng thời gian 40 giây rồi được đưa ra ngoài phơi nắng. Sau khi phơi khô, bánh được đưa vào lò sấy điện, mỗi giờ nướng được trên 1.000 bánh đa.

Hiện tại, cơ sở Hạnh Tâm đang sử dụng 2 dây chuyền sản xuất bánh đa vừng đen, đó là bánh đa rắc vừng và bánh đa trộn vừng. Đây là công nghệ mới tự động, khép kín, đảm bảo tuyệt đối vệ sinh, an toàn thực phẩm. Trên thực tế, sản xuất bánh đa trộn vừng thì nhàn hơn, bởi vừng được trộn cùng hỗn hợp rồi mới đem ra tráng bánh. Tuy nhiên, người dùng lại hào hứng hơn với bánh đa rắc vừng.

Hà Tĩnh: Đặc sản bánh đa vừng đen Hạnh Tâm đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao
Ông Lê Minh Tâm (thứ 2 từ phải qua) với sản phẩm của mình trong hội thi tinh hoa ẩm thực lần thứ 15 của Hà Tĩnh

Ai đã từng sử dụng bánh đa Hạnh Tâm một lần thì sẽ rất khó quên bởi vị béo của vừng, vị ngọt của bột, vị cay nồng của tiêu và vị thơm của tỏi. Hơn nữa, vừng đen có tác dụng tốt đối với người ăn kiêng hoặc giảm cân nên bánh đa vừng Hạnh Tâm được nhiều người lựa chọn.

Trao đổi với PV Infonet, ông Lê Minh Tâm cho biết, bình quân mỗi ngày cơ sở chế biến trên 2 tạ gạo và 70 kg vừng đen. Với khối lượng nguyên liệu đó sẽ sản xuất được khoảng trên 5.000 chiếc bánh.

Hà Tĩnh: Đặc sản bánh đa vừng đen Hạnh Tâm đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao
Bánh đa vừng đen Hạnh Tâm vừa được UBND tỉnh Hà Tĩnh cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao

“Nếu sản xuất cả 2 máy thì từ sáng đến trưa sẽ làm được khoảng 7000 chiếc. Tuy nhiên, hiện tại do chưa có lò sấy nên trời nắng thì làm, mưa thì nghỉ. Hơn nữa, vấn đề tiêu thụ còn gặp khó khăn nên bình quân mỗi tháng chỉ làm khoảng 10 ngày”, ông Tâm chia sẻ.

Bánh đa vừng đen Hạnh Tâm, một món ăn dân dã nhưng rất đỗi thân thuộc với người dân địa phương. Bất kỳ ai đi xa cũng nhớ về một thời thơ ấu của mình như lời bài hát: “Sông còn nhớ chăng nơi ta ngồi ngóng mẹ, vời vợi tuổi thơ một xu bánh đa vừng”.

Trần Hoàn