Hàn Quốc gia nhập Bộ tứ: Mỹ không mặn mà, Seoul nên bận tâm?

Đối ngoại - Ngày đăng : 11:07, 29/05/2022

Nhà báo Kang Seung-woo của The Korea Times phân tích thái độ của Mỹ đối với việc bổ sung Hàn Quốc vào nhóm Bộ tứ (Quad).
Tổng thống Yoon Suk-yeol và người đồng cấp Joe Biden tại tiệc chào mừng sau thượng đỉnh Mỹ-Hàn tại Bảo tàng Quốc gia Hàn Quốc ở thủ đô Seoul ngày 21/5. (Nguồn: Yonhap)
Tổng thống Yoon Suk-yeol và người đồng cấp Joe Biden tại tiệc chào mừng sau thượng đỉnh Mỹ-Hàn tại Bảo tàng Quốc gia Hàn Quốc ở thủ đô Seoul ngày 21/5. (Nguồn: Yonhap)

Trong bài viết "Tại sao Mỹ không muốn thêm Hàn Quốc vào Bộ tứ" ngày 27/5, nhà báo Kang Seung-woo dẫn nhận định của các nhà quan sát ngoại giao xoay quanh việc Mỹ tỏ ra hờ hững với mong muốn chính thức gia nhập cơ chế Bộ tứ của chính quyền Tổng thống Yoon Suk-yeol.

Lập trường này trái ngược hẳn với sự hân hoan chào đón của Washington đối với quyết định của Seoul tham gia Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (IPEF), sáng kiến mà Tổng thống Joe Biden đưa ra gần đây cũng nhằm chống lại ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc ở khu vực.

Kiêng dè Trung Quốc?

Các nhà quan sát ngoại giao tin rằng phản ứng bất ngờ này của Mỹ có thể liên quan đến ý định không muốn “chọc giận” Trung Quốc thêm nữa bởi chắc chắn Bắc Kinh sẽ có phản ứng mạnh mẽ với tư cách thành viên Bộ tự của Hàn Quốc.

Bên cạnh đó, Washington có thể đã tính đến sự phản kháng tiềm tàng của Tokyo trong bối cảnh quan hệ song phương Nhật Bản-Hàn Quốc rạn nứt. Điều này có thể làm giảm mục tiêu chung của Bộ tứ.

Trong chiến dịch vận động tranh cử của mình, ông Yoon Suk-yeol cam kết sẽ tham gia các nhóm làm việc khác nhau của Bộ tứ, bắt đầu từ nhóm công nghệ và biến đổi khí hậu để dần dần tham gia vào mạng lưới này.

Một quan chức cấp cao của Mỹ được các phương tiện truyền thông dẫn lời ngày 22/5 vừa qua cho biết Washington chưa xem xét đến việc bổ sung Hàn Quốc vào Bộ tứ. Ngoài ra, người phát ngôn Nhà Trắng Jen Psaki ngày 3/5 cũng đã nói rằng Mỹ không có kế hoạch mời Hàn Quốc vào nhóm này.

Theo ông Harry Kazianis, người đứng đầu nhóm tư vấn Rogue States Project, chính quyền Tổng thống Joe Biden "có vẻ lo lắng rằng việc bổ sung Hàn Quốc có thể gây thù địch thêm với Trung Quốc khi quan hệ Mỹ-Trung đang ở trong tình trạng tồi tệ”.

Tuy nhiên, ông Kazianis cũng cho rằng quyết định của Mỹ sẽ là một sai lầm bởi Washington cần nhiều đồng minh nhất có thể để ngăn chặn sự hống hách của Trung Quốc.

“Hàn Quốc sẽ là một sự bổ sung quan trọng cho nhóm và có lẽ là một người làm thay đổi cuộc chơi. Tổng thống Yoon Suk-yeol đang chấp nhận rủi ro lớn khi thể hiện sự quan tâm đến việc tham gia vào nhóm và ông Joe Biden nên chấp nhận điều đó”.

Thách thức và "lối thoát"

Trong khi đó, ông Bruce Klingner, cựu quan chức Cơ quan Tình báo trung ương (CIA) phụ trách Bán đảo Triều Tiên và hiện là nghiên cứu viên cấp cao tại Quỹ Di sản, đề cập những thách thức đối với tư cách thành viên của Hàn Quốc.

Chính quyền ông Yoon Suk-yeol phải tính đến việc vượt qua sự phản đối của người dân trong nước vì lo sợ về sự trừng phạt của Trung Quốc và sự phản kháng tiềm tàng của Nhật Bản do quan hệ song phương căng thẳng.

Ông Bruce Klingner nói: “Cũng có những lo ngại rằng các tranh chấp song phương Hàn-Nhật sẽ làm giảm các mục tiêu chung của Bộ tứ. Nếu Tổng thống Yoon Suk-yeol đã tuyên bố ý định cải thiện quan hệ với Tokyo thì việc chính thức gia nhập tổ chức này sẽ có lợi hơn”.

Lý do Mỹ chưa ủng hộ Hàn Quốc tham gia Nhóm Bộ tứ
Theo chuyên gia, Hàn Quốc có thể dẫn đầu trong một nhóm làm việc của Bộ tứ liên quan đến an ninh hàng hải. (Nguồn: Kyodo)

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng Hàn Quốc không nên quá bị ám ảnh về tư cách thành viên và vẫn còn nhiều lĩnh vực ở cấp nhóm làm việc mà nước này có thể đóng góp vào Bộ tứ.

Giáo sư Terence Roehrig của Trường Chiến tranh Hải quân Mỹ nhận định: “Theo nhiều khía cạnh, tư cách thành viên trong Bộ tứ không phải là trọng tâm mà đó là những sản phẩm của các nhóm làm việc nơi mà tiến trình hợp tác thực sự diễn ra".

Hàn Quốc có "chuyên môn đáng kể" đối với các nhóm làm việc hiện có của Bộ tứ về vaccine ngừa Covid-19, biến đổi khí hậu cùng với các công nghệ quan trọng và mới nổi, thậm chí có thể dẫn đầu trong một nhóm làm việc khác trong tương lai liên quan đến an ninh hàng hải.

Theo Giáo sư Terence Roehrig, trong những tháng tới, "với sự tham gia nhiều hơn của Hàn Quốc vào Bộ tứ, vấn đề tư cách thành viên sẽ tự động được giải quyết”.

Chuyên gia Bruce Klingner cũng cho rằng, thay vì chính thức gia nhập Bộ tứ, sẽ hiệu quả hơn đối với Hàn Quốc nếu nước này nhanh chóng tham gia các sáng kiến đa phương và tập trung trực tiếp hơn vào các nhiệm vụ an ninh khu vực.

Bộ tứ vẫn có nhiều cơ hội "bắt tay" với Hàn Quốc và các đối tác cùng chí hướng khác theo định dạng Bộ tứ mở rộng (Quad Plus), góp phần hình thành các liên minh chức năng nơi có chung lợi ích.

Ông Bruce Klingner nhắc đến sáng kiến mà Hàn Quốc tham gia sau khi một nhóm làm việc của Bộ tứ mở rộng được thành lập, trong đó có hội đàm video trực tuyến nhằm điều phối các hoạt động ứng phó với đại dịch Covid-19.

Như vậy, Seoul có thể là ứng viên tham gia các nhóm làm việc khác của Bộ tứ mở rộng trong các lĩnh vực như bảo vệ an ninh hàng hải, phân phối vaccine ngừa Covid-19 cùng nhiều lĩnh vực khác.

Hồng Phúc