Nguy cơ chiến tranh lương thực thế giới cận kề
Đối ngoại - Ngày đăng : 17:43, 28/05/2022
Khủng hoảng an ninh lương thực
Sau 2 năm gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, an ninh lương thực toàn cầu lại đối mặt thêm thách thức. Chiến tranh Nga-Ukraine đã khiến giá lúa mì thế giới tăng vọt vì đây là hai trong số những nước xuất khẩu lớn nhất mặt hàng này, chiếm khoảng 29% tổng xuất khẩu lúa mì toàn cầu. Với quy mô hơn 44 triệu dân và phần lớn sản xuất nông nghiệp, một mình Ukraine đủ sức nuôi sống đến 2 tỷ người. Tuy nhiên, thế giới đang đứng trước một nghịch lý, vì chiến sự, hàng chục triệu tấn nông sản bị kẹt ở Biển Đen khiến lúa mì và ngũ cốc không thể đến tay khách hàng, trong lúc một phần dân số thế giới không được đáp ứng đủ nhu cầu lương thực theo ngày.
"Tất cả các nghiên cứu đã được thực hiện cho thấy chỉ có một cách để khắc phục tình trạng thiếu lúa mì và ngũ cốc: Tạo ra một hành lang bảo vệ cho phép vận chuyển lúa mì bằng đường biển từ Ukraine. Các tuyến đường bộ quá khó khăn… Nếu không, chúng ta sẽ phải đối mặt không chỉ với một cuộc khủng hoảng lương thực đơn thuần mà là một cuộc chiến lương thực với những hậu quả khôn lường'', Bộ trưởng Ngoại giao Ý Luigi Di Maio tuyên bố.
Lúa mì đã trở nên khan hiếm |
Từ đầu năm 2022 đến nay, giá lúa mì trên thế giới đã tăng hơn 60%. Giá thực phẩm cũng đã ở mức cao nhất trong 10 năm kể cả trước cuộc chiến ở Ukraine do các vấn đề thu hoạch toàn cầu. Giá lúa mì tăng lên mức kỷ lục trong 2 tháng qua khi các nhà sản xuất lớn như Nga, Kazakhstan, Ai Cập, Kazakhstan, Kosovo, Serbia và Ấn Độ ngưng xuất khẩu để bảo vệ thị trường nội địa. Điều này đã làm dấy lên lo ngại về tình trạng mất an ninh lương thực cũng như nguy cơ về cuộc chiến lúa mì giống như cuộc chiến nhiều mặt hàng thương mại khác trong quá khứ.
Nhiều nước trên thế giới cũng đưa ra các lệnh cấm đối với những hàng hóa khác do áp lực lạm phát tăng cao. Ukraine đã hạn chế xuất khẩu dầu hướng dương, lúa mì, yến mạch và gia súc nhằm bảo vệ nền kinh tế đang bị chiến tranh tàn phá. Nga đã cấm xuất khẩu phân bón, đường và ngũ cốc. Indonesia - nước sản xuất hơn một nửa lượng dầu cọ trên thế giới, cũng tạm cấm xuất khẩu mặt hàng dầu này hồi cuối tháng 4. Thổ Nhĩ Kỳ dừng xuất khẩu bơ, thịt bò, thịt cừu, dê, bắp và dầu thực vật. Giới quan sát lo ngại rằng sẽ có thêm nhiều quốc gia khác đưa ra những động thái tương tự nếu xung đột Nga - Ukraine vẫn kéo dài, tạo ra vòng xoáy đẩy giá lên cao.
Theo Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO), tình trạng khủng hoảng lương thực hiện nay dự báo có thể tiếp diễn trong 12-18 tháng tới, dẫn đến nguy cơ mất an ninh lương thực toàn cầu và những hậu quả chính trị ở một số quốc gia. Một thập kỷ trước, chi phí ngũ cốc tăng vọt khiến giá bánh mì ở Ai Cập tăng 37%, đã góp phần tạo ra Mùa xuân Arab - Làn sóng cách mạng với các cuộc nổi dậy, biểu tình phản đối chưa có tiền lệ tại các nước Arab. Năm 2008, giá lương thực leo thang làm bùng nổ các cuộc bạo động và biểu tình trên toàn cầu. Nếu những cú sốc kinh tế này tiếp diễn, bất ổn có thể lan sang các khu vực khác trên thế giới. Liên hợp quốc đề nghị các nước không dừng xuất khẩu ngũ cốc, đồng thời cảnh báo nguy cơ 2 tỷ người rơi vào thiếu đói nếu thị trường xuất khẩu lương thực vẫn ảm đạm như hiện nay.
Thế giới đứng trước nguy cơ khủng hoảng lương thực |
Như vậy, có thể thấy rõ ràng rằng thế giới đang đứng trước “bờ vực” của một cuộc khủng hoảng lương thực nghiêm trọng và những lo ngại ngày càng tăng về số phận của bao nhiêu con người đã, đang và sẽ bị ảnh hưởng nặng nề bởi cuộc khủng hoảng này. Cuộc xung đột ở Ukraine sẽ tiếp tục làm giá lương thực leo thang, chuỗi cung ứng bị gián đoạn, sản xuất lương thực bị đình trệ. Nạn đói tồi tệ nhất kể từ Chiến tranh Thế giới thứ hai đang bùng phát; do đó, cần phải hành động một cách quyết đoán và cùng nhau, cũng như đảm bảo cung cấp lương thực một cách nhanh chóng cho những người có nguy cơ nhất. Nga cần dỡ bỏ lệnh phong tỏa đối với ngũ cốc Ukraine, hiện bị mắc kẹt ở các cảng của nước này.
Đại dịch đã khiến số người nghèo đói tăng khoảng 18% lên 720-811 triệu người. Liên hợp quốc cảnh báo chỉ riêng tác động của chiến tranh đối với thị trường lương thực toàn cầu có thể khiến thêm 7,6-13,1 triệu người rơi vào cảnh đói. Các quốc gia bị ảnh hưởng bởi cuộc xung đột kéo dài, bao gồm Yemen, Syria, Nam Sudan và Ethiopia, đang phải đối mặt với nạn đói nghiêm trọng. Có tới 60% các quốc gia nghèo nhất hiện đang lâm vào cảnh túng quẫn hoặc có nguy cơ mắc nợ cao.
Chìa khoá giải quyết khủng hoảng
Ông Qu Dongyu - Tổng Giám đốc Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO) đưa ra thông điệp “Nông nghiệp là một trong những chìa khóa cho hòa bình và an ninh lâu dài”. Còn Liên hợp quốc kêu gọi các quốc gia phải cùng nhau hành động, khẩn trương và đoàn kết để chấm dứt cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu hiện nay. Hơn lúc nào hết, các quốc gia trên thế giới cần xây dựng các hệ thống lương thực bền vững, nhằm bảo đảm an ninh lương thực trên toàn cầu
Ngoài Ngân hàng thế giới (WB), nhóm các nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) và Ủy ban châu Âu, các tổ chức và quốc gia đã cam kết ủng hộ liên minh lương thực còn có Nhóm ứng phó khủng hoảng toàn cầu của Liên hợp quốc, Na Uy, Đan Mạch, Liên minh châu Phi (AU), Chương trình Lương thực thế giới của Liên hợp quốc (WFP) và Quỹ Phát triển Nông nghiệp Quốc tế (IFAD). Sau khi liên minh lương thực được thành lập, G7 cho hay sẽ tiếp tục làm việc với các đối tác khác để mở rộng và nâng cao hiệu quả hoạt động của liên minh nhằm ứng phó một cách nhanh chóng, hiệu quả và bền vững đối với cuộc khủng hoảng lương thực hiện nay.
Châu Phi là nơi luôn có số lượng lớn những người thiếu lương thực |
Theo các nhà phân tích, các nhà sản xuất lương thực khác có thể cứu thị trường thế giới khỏi cuộc khủng hoảng, chẳng hạn như Mỹ và Canada, các nước xuất khẩu lần lượt 26 và 25 triệu tấn lúa mì mỗi năm, tương đương khoảng 25% tổng lượng xuất khẩu toàn cầu.
Bộ Tài chính Mỹ cho biết họ đã cùng một số ngân hàng phát triển toàn cầu và các nhóm khác lên kế hoạch trị giá hàng tỷ USD nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng lương thực trên thế giới đang ngày càng trầm trọng hơn. Chẳng hạn, Ngân hàng Phát triển châu Phi sẽ chi 1,5 tỷ USD để hỗ trợ 20 triệu nông dân. Ngân hàng Thế giới (WB) công bố tài trợ thêm 12 tỷ USD cho các dự án trong 15 tháng tới nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu, nâng tổng số tiền tài trợ của họ lên 30 tỷ USD. Họ sẽ khuyến khích sản xuất lương thực và phân bón, tăng cường hệ thống lương thực, tạo thuận lợi nhiều hơn cho thương mại, hỗ trợ các hộ gia đình dễ bị tổn thương....
Cứu trợ lương thực ở châu Phi |
Trong khi đó, Bộ Hợp tác kinh tế và Phát triển Ðức có kế hoạch bổ sung 430 triệu euro để ứng phó cuộc khủng hoảng lương thực ngày càng trầm trọng ở nam bán cầu. Dự kiến, trong tổng số tiền bổ sung này sẽ có 238 triệu euro dành cho hỗ trợ xây dựng nền kinh tế nông nghiệp bền vững hay đầu tư cho giáo dục; 150 triệu euro cho sáng kiến đặc biệt mang tên "Một thế giới không còn người bị đói" và ít nhất 42 triệu euro đóng góp cho WFP.