Giới chuyên gia nói gì về giả thuyết virus đậu mùa khỉ rò rỉ từ phòng thí nghiệm?

Đối ngoại - Ngày đăng : 13:53, 28/05/2022

Giới chuyên gia đã bác bỏ một số giả thuyết cho rằng bệnh đậu mùa khỉ có thể rò rỉ từ một phòng thí nghiệm ở Ukraine hay Trung Quốc.
Có nhiều giả thuyết liên quan tới đậu mùa khỉ (Ảnh: Japan Times)

Có nhiều giả thuyết liên quan tới đậu mùa khỉ (Ảnh: Japan Times)

Trong một đoạn tweet đăng tải trong tuần, chuck Callesto, một nhà hoạt động truyền thông cánh hữu có hơn 300.000 người theo dõi, viết: “Phòng thí nghiệm Vũ Hán đã thí nghiệm đậu mùa khỉ trong năm ngoái – công bố báo cáo nghiên cứu trên tạp chí quốc tế vào tháng 2/2022.”

Ông Callesto không đưa đường dẫn nghiên cứu mà ông nhắc tới, nhưng có khả năng đó là nghiên cứu được đăng tải trên tạp chí Virologica Sinica ngày 28/2 năm nay – một tạp chí được biên soạn bởi nhà nghiên cứu Zheng-Li Shi tại Viện Virus học Vũ Hán.

Viện Virus học Vũ Hán chính là nơi từng là trung tâm của giả thuyết COVID-19 rò rỉ. Mặc dù các giả thiết này được giới khoa học và các nhà điều tra xem xét một cách nghiêm túc, nhưng sau đó đã có sự đồng nhất ý kiến về việc đại dịch bắt nguồn từ sự lây lan tự nhiên giữa các loài động vật, sau đó lây sang người.

Bài viết đăng tải trong tháng 2 có thảo luận về việc tạo ra một thành phần virus đậu mùa khỉ để đưa ra cách lắp ráp các cấu trúc DNA lớn mà không gây ra lỗi, và để cho phép các cuộc xét nghiệm PCR phát hiện ra virus này.

Mặc dù đã đạt được điều đó, nhưng các nhà nghiên cứu vẫn đưa ra nhiều quan ngại về sự an toàn có thể xảy ra trong quá trình làm việc của họ, và nhấn mạnh rằng họ chỉ tìm cách tạo ra một thành phần nhỏ bằng 1/3 kích thước của toàn thể bộ gen.

“Sản phẩm này đã được loại bỏ mọi rủi ro để nó không biến thành một virus có khả năng lây nhiễm”, các nhà nghiên cứu cho hay.

Một giả thuyết khác, được đưa ra trong một bài viết đăng tải trên NewsPunch – một trang vốn có tiếng là đưa ra thông tin sai lệch và các thuyết âm mưu, dựa theo đánh giá của FactCheck.org – nói rằng đậu mùa khỉ bắt nguồn từ một phòng thí nghiệm ở Ukraine, dẫn một nhà điều tra độc lập mà người này cũng chỉ ra “nguồn tin giấu tên” đến từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh châu Âu (ECDC).

Cả hai giả thuyết trên, theo ông David Robertson, người đứng đầu phòng nghiên cứu gen và thông tin sinh học tại ĐH Glasgow (Anh), là không có cơ sở.

“Đây chỉ là những ngờ vực và không có ý nghĩa gì cả”, ông nói với tạp chí Newsweel. “Không có bằng chứng cho thấy SARS-CoV-2 hay đậu mùa khỉ được chế tạo trong phòng thí nghiệm. Bộ gen của đậu mùa khỉ đang được nhiều nước trên thế giới công bố và rõ ràng là chúng có liên quan tới các đợt bùng phát dịch trong quá khứ”, ông nói.

Ông Robertson dẫn ra một nghiên cứu được các nhà nghiên cứu Bồ Đào Nha đăng tải để thảo luận trên diễn đàn Virological.org hồi đầu tháng này, nói rằng đợt bùng phát đậu mùa khỉ hiện nay “thuộc về một nhánh ở Tây Phi và có liên quan mật thiết tới các loại virus bắt nguồn từ Nigeria lan sang một số quốc gia trong năm 2018 và 2019, có thể kể tới Anh, Israel và Singapore.”

Richard Ebright, Giáo sư hóa học và sinh hóa đến từ ĐH Rutgers tại New Jersey (Mỹ), và là người từng ủng hộ các thuyết COVID-19 rò rỉ khỏi phòng thí nghiệm, cũng đưa ra quan điểm. “Mọi dữ liệu đều cho thấy đợt bùng phát dịch đậu mùa khỉ liên quan tới một chủng virus đậu mùa khỉ tự nhiên”, ông nói.

Jonathan Stoye là một nhà virus học tại Viện Francis Crick (Anh). Ông nói với Newsweek rằng: “Cảm nhận của tôi là, phản ứng trước câu chuyện dịch đậu mùa khỉ đã phản ánh lại một mức độ nhất định của sự sợ hãi, không đáng phải cân nhắc nghiêm túc. Tôi tin rằng có hàng trăm, có khi hàng nghìn trường hợp, phần lớn là chưa được báo cáo, ở châu Phi. Điều này sẽ khiến đợt dịch khó ngăn chặn, nhưng rất khó có khả năng nó bắt nguồn từ Trung Quốc.”

Theo Newsweek

Huyền Chi