Thời tiết thất thường, người đang khoẻ bỗng nhiên bị đột quỵ, cách phòng tránh ra sao?

Tin Y tế - Ngày đăng : 07:30, 28/05/2022

Gần đây, thời tiết các tỉnh khu vực phía Nam liên tục nắng nóng khiến tình trạng bệnh nhân bị đột quỵ bất ngờ gia tăng.

Bà V.T.T.L (73 tuổi, ngụ quận Phú Nhuận, TPHCM) nhập viện trong tình trạng tay liệt 1 bên, chân không nhấc được lên và bị méo miệng, đặc biệt hơn, huyết áp rất cao.

 
Thời tiết thất thường khiến nhiều người đang khỏe bỗng đột quỵ. Ảnh: Nguyễn Ly

“Trước đó, mẹ tôi huyết áp cao có dùng thuốc ổn định, sau đó không uống thuốc duy trì. Bên cạnh đó, chỉ hơi đau nhức xương khớp. Tuy nhiên, những ngày gần đây thời tiết thay đổi bất thường có hơi mệt, khó thở nhưng cứ nghĩ đó là những triệu chứng bình thường nên không để ý. Chỉ đến khi phát hiện mẹ bị yếu liệt tay đưa vào nhập viện thì được chẩn đoán đột quỵ” – chị L.T.T.P – con gái bà L. chia sẻ.

Thời tiết nắng nóng, người già rất dễ bị đột quỵ nhất là với những bệnh nhân có bệnh nền mãn tính. Theo thống kê y học cho thấy số người bị đột quỵ tăng cao hơn vào hè, cứ nhiệt độ tăng 1 độ C, nguy cơ đột quỵ tăng 10%. Với thời tiết nắng nóng, nguy cơ bị đột quỵ thường xảy ra khi nhiệt độ ngoài trời dao động từ 32 độ C trở lên.

Bác sĩ Lê Thị Thúy Uyên - Phó trưởng Khoa Nội thần kinh, Bệnh viện Thống Nhất cho biết, những ngày gần đây, số người nhập viện vì đột quỵ tăng 1,5 lần so với cùng kỳ.

Lý giải nguyên nhân, bác sĩ Uyên cho biết vì thời gian trước, do dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nhiều người ngại không dám nhập viện. Bên cạnh đó, người dân còn chưa có nhiều kiến thức để kịp thời phát hiện người nhà cũng như chính mình khi có dấu hiệu của bệnh.

Nhiều bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện đều không nghĩ mình bị đột quỵ. Chỉ đến khi được chẩn đoán và bác sĩ tư vấn các triệu chứng mới ghi nhận đó là các dấu hiệu đã xuất hiện từ trước.

“Với thời tiết thay đổi thất thường như hiện nay, khiến những bệnh nhân dễ đột quỵ xuất hiện những triệu chứng bất thường, dẫn đến các bệnh lý cấp tính như sốt, sốc nhiệt. Chính các bệnh lý này sẽ ảnh hưởng đến việc dùng thuốc phòng ngừa đột quỵ, đơn cử như việc quên dùng thuốc chống cao huyết áp. Rất nhiều ca đột quỵ tại bệnh viện ghi nhận do bỏ thuốc chống cao huyết áp”, BS Uyên thông tin.

Bác sĩ Tạ Vương Khoa - Phó trưởng Khoa Nội thần kinh, Bệnh viện Quân y 175 (TPHCM) cho biết thêm, thời tiết quá lạnh hay quá nóng là yếu tố khiến đột quỵ tăng.

“Tại bệnh viện, không có thống kê riêng người nhập viện do thời tiết. Tuy nhiên, mỗi khi thời tiết thay đổi thất thường, số bệnh nhân nhập viện điều trị tăng 30-50% so với thời tiết ổn định. Nắng nóng gây ra nhiều bệnh khác nhau, trong đó có các bệnh về hô hấp, da, tiêu hóa, tim mạch, đột quỵ… Tuy nhiên, các bệnh liên quan đến mạch máu (đột quỵ, tim mạch) thường rất nặng nên được quan tâm nhiều hơn các bệnh lý khác” – bác sĩ Khoa nói.

Theo bác sĩ Khoa, một số dấu hiệu nhận biết sớm của đột quỵ như méo miệng; yếu liệt tay chân, nửa người; giọng nói thay đổi, nói đớ… Khi xuất hiện đột ngột các biểu hiện trên người nhà nên chú ý đến bệnh nhân tránh tình trạng té ngã. “Đặc biệt, khi đột quỵ bệnh nhân có nguy cơ nuốt sặc nên người nhà lúc này không nên nặn chanh, nặn cam hoặc cho bệnh nhân uống nước. Bên cạnh đó, không cạo gió. Việc cần làm là đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất hoặc bệnh viện có khả năng điều trị đột quỵ cấp” – bác sĩ Khoa nhấn mạnh.

HƯƠNG SƠN