Người vùng cao băng rừng, vượt suối gùi mùa vàng về bản
Dòng chảy - Ngày đăng : 01:12, 27/05/2022
Những ngày này, những cánh đồng trải khắp vùng núi phía Tây tỉnh Thanh Hóa đã phủ kín màu vàng lúa chín.
Tại xã Ban Công, huyện miền núi Bá Thước, người dân nhộn nhịp đi gặt từ sáng sớm để tránh cái nắng oi ả đầu hè hay những cơn mưa chiều như trút nước. Không khí hối hả, tiếng cười nói vang vọng trên các cánh đồng.
Gặt lúa đến nay vẫn là công đoạn nặng nhọc với đồng bào vùng cao vì nơi đây chủ yếu là ruộng bậc thang, ở những địa hình không thuận lợi cho việc cơ giới hóa. Người nông dân chủ yếu dùng liềm gặt thủ công, không có sự hỗ trợ nào của máy móc.
Dưới cái nắng oi nồng đầu hè, suốt buổi gặt, bà Hà Thị Thương (75 tuổi, thôn Chiềng Lau, xã Ban Công) nghỉ ngơi tại chỗ, giải khát bằng bình nước chè xanh tự chuẩn bị ở nhà, mang ra ruộng.
Để kịp thu hoạch lúa chín vào độ, các nông dân thường huy động toàn bộ gia đình, người thân cùng ra đồng.
Nhiều người rất phấn khởi vì vụ lúa này bội thu.
Lúa được gom, buộc thành từng bó nhỏ sau khi gặt.
Từng bó lúa nhỏ gặt xong, buộc gọn thường được gác lên phần gốc rạ, phơi luôn trên cánh đồng trong khoảng 1-2 ngày.
Lúa sau khi gặt xong hoặc phơi khô tại ruộng, bà con dùng gùi mang lúa về nhà. Để cho gùi chứa lúa nặng khoảng 30-50kg lên lưng cõng về nhà, những người phụ nữ phải hỗ trợ lẫn nhau.
Người phụ nữ gùi lúa băng qua con đường nhỏ uốn theo bìa ruộng để lên con đường chính chạy qua thôn bản. Ở miền Tây xứ Thanh, có những nơi, người dân phải gùi lúa lội qua suối hay băng rừng... để mang được thành quả lao động về nhà.