Tin thế giới 26/5: Nga nói Ukraine nên nhận thức rõ tình hình; Chủ tịch Cuba ra tuyên bố cứng rắn; Trung Quốc thanh minh

Đối ngoại - Ngày đăng : 21:03, 26/05/2022

Diễn biến xung đột Nga-Ukraine, Ngoại trưởng Trung Quốc công du Nam Thái Bình Dương, tình hình Trung Đông, Hội nghị Tương lai châu Á... là một số sự kiện quốc tế nổi bật trong 24 giờ qua.
Tin thế giới 26/5: Gửi thông điệp, Nga nói Ukraine nên nhận thức rõ tình hình; Chủ tịch Cuba ra tuyên bố quyết tuyệt; Trung Quốc thanh minh
Ngày 26/5, Hội nghị quốc tế lần thứ 27 về Tương lai châu Á chính thức khai mạc ở Tokyo, Nhật Bản. (Nguồn: Bangkok Post)

Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày:

Nga-Ukraine

* Nga hy vọng Ukraine đáp ứng yêu cầu về hòa đàm: Ngày 26/5, Điện Kremlin nhấn mạnh, nước này hy vọng Ukraine sẽ đáp ứng yêu cầu của Moscow, đồng thời cho rằng, Kiev cần nhận thức rõ về tình hình để tiến hành đàm phán hòa bình.

Phát biểu trên nhằm phản hồi bình luận của cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger tại Diễn đàn Kinh tế thế giới ở Davos, Thụy Sỹ, rằng, Ukraine nên để Nga kiểm soát Crimea.

Kiev đã chỉ trích đề xuất của ông Kissinger là "cú đâm sau lưng Ukraine". Quốc gia Đông Âu luôn tuyên bố rằng sẽ không có những nhượng bộ về lãnh thổ trong đàm phán với Nga. (Reuters)

* Thủ tướng Đức Olaf Scholz nói Nga "sẽ không thắng" trong cuộc chiến ở Ukraine, đồng thời cho rằng, kế hoạch chiếm toàn bộ lãnh thổ quốc gia Đông Âu "hiện đi xa hơn so với kế hoạch lúc đầu" trong chiến dịch quân sự mà Moscow phát động ngày 24/2 do Kiev duy trì thế phòng thủ ấn tượng.

Ông nêu rõ: "Mục tiêu của chúng tôi rất rõ ràng - ông Putin không được giành chiến thắng trong cuộc chiến này. Và tôi tin chắc rằng ông ấy sẽ không thắng nổi".

Nga hiện chưa đưa ra phản ứng với các bình luận của Thủ tướng Đức. (AFP).

* Anh nói không nên xoa dịu Nga: Ngoại trưởng Anh Liz Truss khẳng định rằng, không nên "xoa dịu" Nga mà phản phản ứng "bằng sức mạnh".

Bà cũng lưu ý: "Không được để một cuộc xung đột kéo dài và ngày càng nhức nhối phát triển ở Ukraine. Chúng ta phải nỗ lực không ngừng trong việc đảm bảo Ukraine chiếm ưu thế thông qua viện trợ quân sự và các biện pháp trừng phạt. Chúng ta không thể rời chân ga bây giờ". (TASS)

* Hàn Quốc gửi lô viện trợ tiếp theo cho Ukraine trị giá 1,1 triệu USD gồm mặt nạ phòng độc và bộ lọc. Đây là những vật dụng cần thiết cho việc bảo vệ bức xạ, hóa học và sinh học và mặt nạ phòng độc, sẽ được chuyển tới Ukraine vào tháng tới. (Yonhap)

* Ukraine bác bỏ khả năng "đóng băng" xung đột hoặc nhượng bộ một phần lãnh thổ của mình, theo lời ông Mikhail Podolyak, Cố vấn Chánh văn phòng Tổng thống Ukraine.

Trước đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova khẳng định rằng, ngay từ đầu, Moscow đã ủng hộ tiến trình đàm phán với Ukraine, đồng thời cáo buộc Kiev đã "đóng băng" tiến trình này. (Interfax)

* Nga đơn giản hóa quy trình cấp hộ chiếu và quốc tịch cho các cư dân ở các khu vực Kherson và Zaporizhzhia của Ukraine hiện do Moscow kiểm soát, theo một sắc lệnh được Tổng thống Nga Vladimir Putin ký và công bố hôm 25/5. (AFP)

Châu Âu

* Nga cảnh báo trục xuất các nhà báo nước ngoài: Hãng thông tấn TASS đưa tin, nữ phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova ngày 26/5 tuyên bố, các phóng viên từ các quốc gia phương Tây sẽ bị trục xuất khỏi Nga nếu ứng dụng YouTube chặn quyền truy cập vào các cuộc họp báo của bà.

* Thủ tướng Italy Mario Draghi cảnh báo nguy cơ khuất phục Nga vì năng lượng. Ông nói: “Phản ứng trước mắt là chúng ta cần chuẩn bị một tương lai để không còn phụ thuộc vào Nga về khí đốt, sử dụng toàn cầu hóa và mua khí đốt ở các nước khác như ở châu Phi”.

Ông cũng cho rằng, châu Âu cần chủ nghĩa liên bang thực dụng, bao gồm việc "tìm kiếm giải pháp cho những câu hỏi thực tế phải đối mặt để hiểu rõ liệu châu Âu có muốn có một vai trò thực sự quan trọng hay không” nếu muốn thực hiện thành công quá trình chuyển đổi năng lượng, kinh tế và y tế. (ANSA)

* Quốc hội Slovenia phê chuẩn vị trí Thủ tướng của ông Robert Golob với 54 phiếu thuận và 30 phiếu chống.

Phát biểu tại Quốc hội, ông Robert Golob nói: "Chúng tôi muốn một xã hội đoàn kết và công bằng". Ngoài ra, ông cũng cam kết tăng cường hệ thống y tế công, thúc đẩy kỹ thuật số và giảm sử dụng nhiên liệu hóa thạch. (AP)

* Nga tố Mỹ muốn biến NATO thành "cảnh sát thế giới": Thứ trưởng Ngoại giao Nga Alexander Grushko ngày 26/5 cho biết, vì mục đích này, Washington sử dụng chủ đề "mối đe dọa của Nga" đối với châu Phi.

Trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Tây Ban Nha và Anh tuyên bố về mối đe dọa "đáng lo ngại" đối với an ninh của các nước NATO trong bối cảnh Nga đang mở rộng ảnh hưởng và hoạt động ở châu Phi. Theo họ, liên minh nên giải quyết vấn đề này.

Ông Grushko cho rằng, những tuyên bố như vậy cho thấy Washington đang cố gắng trao cho NATO "các chức năng của cảnh sát thế giới vượt xa phạm vi trách nhiệm ban đầu của liên minh".

Cũng theo Thứ trưởng Ngoại giao Nga, Washington chủ yếu quan tâm đến việc liên minh kiềm chế Trung Quốc. Đây là mục đích chính của các dự án khu vực do Mỹ thúc đẩy nhằm tăng cường an ninh trong không gian Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. (Sputnik)

* Đức điều tàu khu trục tăng cường sức mạnh cho sườn phía Bắc của NATO. Theo thông báo của Hải quân Đức, tàu chiến Mecklenburg-Vorpommern dài gần 140 mét, khởi hành từ cảng Wilhelmshaven ở miền Bắc nước này, sẽ trở thành một phần của lực lượng phản ứng nhanh của NATO trong những tháng tới.

Lực lượng trên tàu khoảng 220 người, trong đó có các thành viên từ Slovakia, bao gồm một nhóm chuyên gia y tế và không quân thuộc lực lượng hải quân. Tàu cũng được biên chế 2 máy bay trực thăng quân sự. (Daily News)

* Phần Lan, Thụy Điển nỗ lực thuyết phục Thổ Nhĩ Kỳ thay đổi quan điểm về kế hoạch gia nhập NATO của hai nước Bắc Âu. Hai phái đoàn của Phần Lan và Thụy Điển đã đến Ankara ngày 25/5 để tham gia các cuộc thảo luận.

Ông Ibrahim Kalin, người phát ngôn Phủ Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, cho biết, tiến trình xin gia nhập NATO của hai nước Bắc Âu "sẽ không thể cho tới khi những quan ngại an ninh của Ankara được giải quyết". (DW)

Châu Mỹ: Chủ tịch Cuba tuyên bố cứng rắn không dự Thượng đỉnh khu vực

Ngày 25/5, Chủ tịch Cuba Miguel Díaz-Canel tuyên bố, "trong bất kỳ trường hợp nào" ông cũng sẽ không tham dự Hội nghị thượng đỉnh châu Mỹ lần thứ 9, dự kiến sẽ diễn ra tại Los Angeles từ ngày 6-10/6.

Chủ tịch Díaz-Canel chỉ rõ ngay từ ban đầu, chính phủ Mỹ đã có ý định loại trừ một số quốc gia thành viên khỏi Hội nghị Thượng đỉnh châu lục.

Nhà lãnh đạo nhận thấy có những áp lực nhằm vô hiệu hóa các yêu cầu chính đáng và kiên quyết của các nước trong khu vực mong muốn Hội nghị thượng đỉnh ở Los Angeles diễn ra với đầy đủ các quốc gia thành viên.

Chủ tịch Cuba cảm ơn các nước đã có thái độ “dũng cảm và đúng đắn” lên tiếng phản đối việc loại trừ một số thành viên khỏi Hội nghị Thượng đỉnh châu Mỹ, đồng thời bày tỏ tin tưởng tiếng nói của Cuba, cũng như trước đây, sẽ được lắng nghe tại sự kiện này. (Cuba News)

Nam Thái Bình Dương

* Ngoại trưởng Trung Quốc bắt đầu công du Nam Thái Bình Dương, với điểm đến đầu tiên là quần đảo Solomon vào ngày 26/5.

Tại Solomon, ông Vương Nghị nhấn mạnh, Bắc Kinh hy vọng mối quan hệ với quốc đảo này có thể là hình mẫu cho các quốc đảo khác ở Thái Bình Dương.

Chuyến công du của ông Vương Nghị sẽ kéo dài 10 ngày tới 8 quốc đảo ở Thái Bình Dương, động thái được Australia và Mỹ theo dõi chặt chẽ và xem như dấu hiệu cho thấy sự gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực.

Các kế hoạch an ninh của Bắc Kinh ở Thái Bình Dương sẽ là chủ đề thảo luận trong chuyến công du các quốc gia ở khu vực này của Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị, bắt đầu vào ngày 26/5.

Theo dự thảo thỏa thuận đề xuất với 10 quốc đảo mà hãng tin AFP thu được, Trung Quốc muốn tham gia các công việc nhạy cảm cao như đào tạo cảnh sát địa phương, đảm bảo an ninh mạng và tiến hành lập bản đồ biển. (Reuters)

* Trung Quốc tuyên bố không có ý định lập căn cứ quân sự ở Solomon: Ngày 26/5, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tuyên bố, Bắc Kinh "không hề có ý định" xây dựng một căn cứ quân sự ở quần đảo Solomon.

Tuyên bố đưa ra nhằm đáp trả những đồn đoán về mục đích của thỏa thuận an ninh mà Bắc Kinh ký với Honiara vào tháng trước. (AFP, THX)

* Nam Thái Bình Dương có thể tự giải quyết các vấn đề an ninh, Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern khi xuất hiện chi tiết kế hoạch của Trung Quốc nhằm làm sâu sắc hơn nữa quan hệ với 10 quốc đảo ở khu vực này.

Bà Ardern phát biểu sau cuộc họp với các Thượng nghị sĩ Mỹ tại Washington: “Chúng tôi rất coi trọng quan điểm rằng chúng tôi có các phương tiện và khả năng ứng phó với bất kỳ thách thức an ninh nào đang tồn tại ở Thái Bình Dương và New Zealand sẵn sàng làm điều đó".

Theo bà, "chúng tôi coi Thái Bình Dương là gia đình của mình và vì vậy ở những nơi có nhu cầu đó, chúng tôi sẵn sàng và sẵn sàng đáp ứng lời kêu gọi". (AFP)

Đông Bắc Á

* Mỹ-Nhật thực hiện bay chung ở Biển Nhật Bản sau khi Triều Tiên phóng tên lửa để biểu dương sức mạnh, theo thông báo của quân đội Mỹ và Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản ngày 26/5.

Hoạt động bay chung của các tiêm kích Mỹ và Nhật Bản nhằm “thể hiện khả năng phối hợp ngăn chặn và chống lại các mối đe dọa trong khu vực” giữa 2 nước. Các quan chức giấu tên Mỹ nhấn mạnh Washington và Tokyo muốn thể hiện quyết tâm chung sau vụ phóng tên lửa mới nhất của Triều Tiên. (Reuters)

* Mỹ cam kết cung cấp khả năng răn đe mở rộng cho Nhật Bản và Hàn Quốc, theoPhó trợ lý Ngoại trưởng Mỹ về Các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương Mark Lambert.

Ông Mark Lambert lý giải rằng Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tham gia các cuộc thảo luận sâu rộng về khả năng răn đe mở rộng trong chuyến công du mới đây tới Tokyo và Seoul, nhấn mạnh Mỹ-Nhật Bản-Hàn Quốc cam kết phối hợp cùng nhau để đảm bảo rằng những lợi ích của họ được bảo vệ. (Reuters)

* Hội đồng Bảo an họp bỏ phiếu nghị quyết về Triều Tiên vào chiều 26/5 (giờ Mỹ). Nghị quyết sẽ bao gồm việc hạn chế Triều Tiên nhập khẩu dầu mỏ, mặc dù các nhà ngoại giao cho rằng, Nga và Trung Quốc có thể thực hiện quyền phủ quyết của các nước này. (Yonhap, AFP)

* Dấu hiệu Triều Tiên tiếp tục hoạt động tại khu phức hợp hạt nhân Yongbyon, theo các hình ảnh vệ tinh do chuyên trang theo dõi tình hình Triều Tiên 38 North công bố.

Các hình ảnh vệ tinh cho thấy dường như Triều Tiên đang tiếp tục các hoạt động ở khu phức hợp hạt nhân chính Yongbyon, với các dấu hiệu mở rộng một số cơ sở.

Tin đăng trên trang 38 North nhận định: “Những hoạt động này cho thấy một sự đầu tư dài hạn hơn vào việc phát triển hơn nữa chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên”. (Yonhap)

Hội nghị Tương lai châu Á

Ngày 26/5, Hội nghị quốc tế lần thứ 27 về Tương lai châu Á (FOA 2022) đã chính thức khai mạc ở Tokyo.

Nhiều nhà lãnh đạo châu Á tham dự hội nghị lên tiếng cảnh báo về các nguy cơ và thách thức mà châu Á nói riêng và thế giới nói chung đang phải đối mặt, đồng thời kêu gọi đoàn kết để vượt qua các thách thức này.

Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long cảnh báo về một cuộc chạy đua vũ trang nếu các nước ưu tiên an ninh quốc gia hơn sự ổn định của khu vực, trong bối cảnh các chính phủ đang tìm cách tăng cường năng lực quốc phòng sau khi nổ ra cuộc xung đột Nga-Ukraine.

Theo đó, nhà lãnh đạo Singapore nhấn mạnh "các nước cần phải hợp tác với nhau để tăng cường an ninh tập thể”.

Về phần mình, Thủ tướng Malaysia Ismail Sabri Yaakob cảnh báo các vấn đề liên quan chuỗi cung ứng do tác động của xung đột Nga-Ukraine và căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, đồng thời kêu gọi các nước tăng cường hợp tác kinh tế khu vực.

Ông Malaysia cũng cho rằng, Đông Nam Á là một trong những khu vực dễ bị tổn thương nhất trước sự ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.

Nhấn mạnh “không có quốc gia nào có thể giải quyết vấn đề này một mình”, ông kêu gọi châu Á và các đối tác toàn cầu cần hợp tác với nhau để giải quyết thách thức chung là biến đổi khí hậu.

Cũng tại hội nghị, Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha nhấn mạnh sự cần thiết phải duy trì thị trường mở và bao trùm để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Ông cũng kêu gọi tiếp tục “ủng hộ các hệ thống thương mại đa phương dựa trên luật lệ”.

Trong khi đó, Tổng thống Sri Lanka Gotabaya Rajapaksa lên tiếng kêu gọi thế giới giúp đỡ nước này vượt qua giai cuộc khủng hoảng kinh tế, giai đoạn “cực kỳ khó khăn” đối với quốc gia này. (TTXVN)

Trung Đông

* Tổng thống Israel đưa ra tầm nhìn về "Trung Đông tái tạo" với tham vọng "xây dựng không chỉ một Trung Đông mới mà còn một Trung Đông tái tạo: một liên minh khu vực mới vì tương lai ổn định và bền vững". (Times of Israel)

* Mỹ cảnh báo khả năng tăng cường trừng phạt đối với Iran: Đặc phái viên của Mỹ về Iran Rob Malley ngày 25/5 cho rằng, các cơ hội khôi phục thỏa thuận hạt nhân ký hồi năm 2015 đang bị lung lay.

Theo đó, Washington sẵn sàng thắt chặt các biện pháp trừng phạt đối với Tehran cũng như đáp trả "bất kỳ sự leo thang nào của Iran" nếu thỏa thuận không thể cứu vãn được. (Reuters)

* Palestine kêu gọi Israel ngăn chặn tuần hành ở Jerusalem, dự kiến diễn ra ngày 29/5 tới.

Theo ông Nabil Abu Rudeineh, người phát ngôn của Tổng thống Palestine, việc cho phép tuần hành mang theo cờ của Israel đi qua các khu dân cư Hồi giáo ở Đông Jerusalem "sẽ dẫn tới căng thẳng và bạo lực". (Times of Israel)

* Một quan chức cấp cao Iran bị sát hại: Quan chức thuộc Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC), đã bị các tay súng đi xe máy ám sát hôm 22/5 bên ngoài nhà riêng ở thủ đô Tehran. Iran tuyên bố sẽ trả thù vụ việc này.

Theo The New York Times, Israel đã thông báo với Mỹ nhận trách nhiệm về vụ việc, song chưa có bình luận chính thức từ phía Nhà nước Do Thái và Wahsington. (Times of Israel, IRNA)

Châu Phi

* EU phản đối leo thang bạo lực trong khu vực Hồ Lớn: Ngày 26/5, Cơ quan đối ngoại Liên minh châu Âu (EEAS) ra tuyên bố lên án các cuộc tấn công gần đây của nhóm phiến quân M23 nhằm vào Phái bộ gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc ở Congo và các lực lượng vũ trang của quốc gia châu Phi.

EU cực lực lên án các cuộc tấn công cố tình nhắm vào dân thường hoặc lực lượng gìn giữ hòa bình là trái với luật pháp quốc tế, đồng thời kêu gọi các bên tránh leo thang và giải quyết tranh chấp hiện có.

Tiến trình chính trị được khởi động gần đây ở Nairobi vẫn phải tiếp tục. EU kêu gọi tất cả các nhóm vũ trang tham gia tiến trình này mà không kèm theo bất cứ điều kiện gì.

* Tổng thống Tunisia Kais Saied ra sắc lệnh tổ chức trưng cầu ý dân về hiến pháp mới vào ngày 25/7 tới, bất chấp yêu cầu của phe đối lập kêu gọi đảo ngược quyết định gây tranh cãi này.

Tuần trước ông Saied đã bổ nhiệm giáo sư luật Sadok Belaid đứng đầu một ủy ban tư vấn có trách nhiệm soạn thảo hiến pháp mới cho một “nước cộng hòa mới”, qua đó loại bỏ các đảng phái chính trị khỏi quy trình tái cơ cấu hệ thống chính trị.

Các đảng chủ chốt của Tunisia đã tuyên bố sẽ tẩy chay việc đơn phương điều chỉnh nền chính trị tại nước này. (AFP)

Hoàng Hà