Việt Nam dự lễ công bố khởi động thảo luận về IPEF

Xã hội - Ngày đăng : 18:48, 26/05/2022

Bà Lê Thị Thu Hằng cho biết, Việt Nam cùng với các nước ASEAN và các đối tác liên quan trao đổi làm rõ các nội hàm của Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (IPEF).

Chiều 26/5, tại cuộc họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao, thông tin Việt Nam tham dự lễ công bố lễ khởi động thảo luận về Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương vì thịnh vượng (IPEF) được báo giới quan tâm.

Trả lời về việc này, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết, chiều 23/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự lễ công bố lễ khởi động thảo luận về IPEF. Đây là sự kiện khởi động cho quá trình thảo luận.

Theo bà Hằng, trong quá trình thảo luận, Việt Nam sẽ cùng với các nước ASEAN và các đối tác liên quan trao đổi làm rõ các nội hàm của IPEF, tập trung vào 4 trụ cột gồm thương mại; chuỗi cung ứng; năng lượng sạch, phi carbon hóa và cơ sở hạ tầng; thuế và chống tham nhũng, nhằm đem lại chương trình nghị sự kinh tế tích cực, hiệu quả, khả thi cho khu vực và cho mỗi nước, hướng tới một khuôn khổ hợp tác mang lại lợi ích thiết thực cho người dân, vì hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển và thịnh vượng trong khu vực và cho toàn thế giới.

Việt Nam dự lễ công bố khởi động thảo luận về IPEF - 1

Bà Lê Thị Thu Hằng tại cuộc họp báo (Ảnh: Minh Nhật).

"Việt Nam cho rằng, IPEF cần dựa trên các nguyên tắc mở bao trùm minh bạch phù hợp với luật pháp quốc tế vai trò trung tâm của ASEAN và bổ sung cho các liên kết kinh tế đã có" - bà Hằng nêu quan điểm.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao khẳng định, với chủ trương xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ, chủ động tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng thực chất và hiệu quả, Việt Nam đã tham gia một số sáng kiến liên kết kinh tế quốc tế, qua đó phát huy tối đa các nguồn lực trong và ngoài nước phục vụ cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.

Trả lời câu hỏi Việt Nam có tham gia vào khuôn khổ IPEF hay không và kế hoạch tham gia như thế nào, bà Hằng nói rõ: "Đây mới là quá trình khởi động cho tiến trình thảo luận và việc tham gia của mỗi nước, trong đó có Việt Nam phụ thuộc vào kết quả của quá trình thảo luận".

Trước đó, chiều 23/5, tại Tokyo (Nhật Bản) đã diễn ra lễ công bố khởi động thảo luận về IPEF. Sự kiện có Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, Tổng thống Hoa Kỳ Joseph Biden, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol, Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern, Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long và Bộ trưởng Kinh tế các nước Brunei, Indoneia, Malaysia, Philippines và lãnh đạo Bộ Ngoại giao Australia. Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính tham dự và phát biểu tại sự kiện theo hình thức trực tuyến.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, sự kiện này sẽ khởi động và thúc đẩy các nước cùng nhau tích cực trao đổi, thảo luận nghiêm túc, chung tay xử lý các vấn đề quan trọng có tính khu vực, toàn cầu như đa dạng và bền vững chuỗi cung ứng, đổi mới công nghệ, chuyển đổi số, thương mại điện tử, chống biến đổi khí hậu, giảm phát thải, phát triển xanh, các vấn đề về thuế và chống tham nhũng, tiêu cực…

"Việt Nam kiên định đường lối và đang đẩy mạnh xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả. Việt Nam cũng tham gia nhiều sáng kiến liên kết kinh tế quốc tế, tích cực đóng góp có trách nhiệm vào nỗ lực chung đẩy nhanh phục hồi kinh tế và phát triển bền vững ở khu vực và trên thế giới" - Thủ tướng khẳng định.

Châu Như Quỳnh