Điện Biên: Khó khăn khi triển khai tiêm vaccine mũi 3, mũi 4 phòng COVID-19
Tin Y tế - Ngày đăng : 18:06, 26/05/2022
Khi người dân không còn sợ dịch COVID-19
Theo kế hoạch, Sở Y tế tỉnh Điện Biên đang tiếp tục triển khai chiến dịch tiêm vaccine phòng COVID -19 đợt 29 trên địa bàn toàn tỉnh. Tuy nhiên, đa số người dân có tâm lý chủ quan và không mấy mặn mà vì dịch COVID-19 đã được kiểm soát. Toàn tỉnh Điện Biên hiện mỗi ngày chỉ có hơn chục ca mắc COVID-19 và hầu hết ở thể nhẹ.
Theo chia sẻ của những cán bộ y tế đang trực tiếp triển khai tiêm vaccine tại huyện biên giới Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên, bên cạnh tâm lý chủ quan khi dịch COVID-19 đã được kiểm soát cũng có nhiều người dân cho rằng “cả nhà tôi đã bị và khỏi bệnh rồi nên không tiêm nữa” hoặc “con nhà tôi tiêm 2 mũi rồi vẫn bị COVID-19 nên không tiêm nữa”.
Ông Thào A Nhè ở bản Nâm Chua, xã Nậm Chua, huyện Nậm Pồ - nơi đang triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 cũng không muốn cho con mình tiêm bởi lý do đã tiêm 2 mũi và đã bị COVID-19.
“Lúc đầu thì bảo tiêm 2 mũi là xong, thế nhưng nó vẫn bị COVID-19, giờ lại bảo tiêm nữa thì không tiêm đâu…” - ông Nhè nói.
Trước thực trạng đó, lực lượng y tế lại phải phối hợp chặt chẽ với các cấp chính quyền địa phương để làm công tác tuyên truyền, vận động người dân. Khó khăn đang đặt ra như những ngày đầu triển khai tiêm mũi 1.
Trao đổi với PV Báo Lao Động, ông Nguyễn Xuân Thuận – Phó Chủ tịch UBND huyện Nậm Pồ cho biết: “Để đảm bảo tỉ lệ tiêm vaccine theo kế hoạch, huyện Nậm Pồ đã thành lập nhiều tổ công tác để đồng hành cùng các tổ tiêm chủng cùng tuyên truyền, vận động người dân. Ở những địa bàn khó khăn, lãnh đạo huyện cũng trực tiếp đi cùng để phối hợp với địa phương và giải thích cho người dân hiểu ý nghĩa của việc tiêm vaccine".
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Nậm Pồ, điều lo lắng nhất lúc này là các học sinh chuẩn bị nghỉ hè nên nếu không khẩn trương triển khai theo kế hoạch thì sẽ phải đi từng bản vùng cao vô cùng khó khăn. Nhất là trong điều kiện thời tiết mưa gió đang diễn biến phức tạp.
Khó khăn chồng khó khăn
Trong mấy ngày qua, hàng chục cán bộ viên chức Trung tâm Y tế huyện Nậm Pồ đã tăng cường hỗ trợ các Trạm Y tế triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 tại các bản. Trong điều kiện trời mưa liên tục trong nhiều ngày nên đường đến các bản vô cùng khó khăn, trơn trượt lầy lội.
Bên cạnh đó, người dân không đến các điểm tiêm chủng cố định tại Trạm Y tế xã để tiêm nên các tổ tiêm chủng đã phải đem theo trang thiết bị cấp cứu, vaccine và vật tư đến tiêm chủng lưu động tại các bản.
Một thành viên trong tổ lưu động cho biết: “Để đến được các bản, nhiều đoạn chúng tôi phải bỏ lại xe máy để vác bình oxy, phích vaccine và các vật tư y tế đi qua những con đường trơn trượt rất nguy hiểm. Có những bản phải đi mất 5 giờ đồng hồ mới tiếp cận người dân để tuyên truyền, vận động tiêm vaccine".
Chiều 26.5, trao đổi với PV. Báo Lao Động, ông Phạm Giang Nam – Giám đốc Sở Y tế Điện Biên cũng khẳng định, việc triển khai tiêm vaccine hiện nay đang gặp rất nhiều khó khăn. Bên cạnh việc thời tiết đang diễn biến phức tạp thì việc người dân không mặn mà với việc tiêm là trở ngại lớn nhất.
“Kế hoạch thì ban hành rồi, vaccine cũng được Bộ Y tế cấp về rồi, nếu không triển khai kịp thời thì vaccine sẽ hết hạn. Bây giờ tiêm mũi 3 đã gặp khó khăn, thời gian tới triển khai tiêm mũi 4 cũng sẽ vô cùng khó khăn. Hiện Sở Y tế đã chỉ đạo trong toàn ngành phải nỗ lực, khắc phục khó khăn để hoàn thành kế hoạch” – Giám đốc Sở Y tế Điện Biên cho hay.
Cũng theo ông Phạm Giang Nam, để công tác tiêm phòng vaccine COVID-19 đạt tỉ lệ bao phủ theo kế hoạch, bên cạnh sự nỗ lực của ngành y tế và sự quan tâm, chỉ đạo của các các địa phương thì rất cần có sự đồng thuận, ủng hộ của người dân.
“Tiêm vaccine phòng COVID-19 vẫn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, trước hết là để bảo vệ bản thân, giảm nguy cơ mắc COVID-19, đồng thời hạn chế sự lây lan trong gia đình, trong cộng đồng khi có biến chủng mới xuất hiện” – Ông Nam cho biết thêm.