Các trường lo thiếu giáo viên khi triển khai chương trình mới lớp 10

Xã hội - Ngày đăng : 17:50, 26/05/2022

Khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới lớp 10, nhiều trường THPT thiếu giáo viên Âm nhạc, Mỹ thuật.

Năm học tới, chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ được triển khai ở lớp 3, lớp 7 và lớp 10. Đáng chú ý, học sinh lớp 10 sẽ được chọn các môn học trong đó có môn âm nhạc và mỹ thuật.

Một trong những khó khăn của trường THPT hiện nay là việc sắp xếp đội ngũ giáo viên, đặc biệt đối với các môn học mới như Âm nhạc, Mỹ thuật bởi lâu nay với hai bộ môn này chỉ được dạy ở chương trình tiểu học và THCS.

Môn nghệ thuật ở chương trình giáo dục phổ thông mới bậc THPT là môn học đặc thù. Nhưng hiện nay chưa có trường THPT nào có biên chế chính thức cho giáo viên bộ môn Âm nhạc và Mỹ thuật. Vì thiếu giáo viên lẫn cơ sở vật chất "đủ chuẩn", nhiều trường đành chấp nhận chưa mở tổ hợp dạy các môn nghệ thuật.

hoc-dan.jpeg
Nhiều trường không kịp triển khai dạy môn nghệ thuật trong năm học tới vì thiếu giáo viên

Cô Nguyễn Bội Quỳnh - Hiệu trưởng Trường THPT Việt Đức (Hà Nội) thừa nhận hiện nay nhà trường cũng chưa có giáo viên giảng dạy âm nhạc và mỹ thuật.

“Phòng học đạt tiêu chuẩn để giảng dạy môn nghệ thuật cũng chưa có nên năm học 2022-2023 nhà trường chưa triển khai dạy môn âm nhac và mỹ thuật.

Có thể, năm học 2023-2024 khi có hướng dẫn của Sở GD&ĐT Hà Nội cũng như sắp xếp được giáo viên và cơ sở vật chất thì nhà trường sẽ cho học sinh đăng ký học môn nghệ thuật.

Hiện nay, tại trường vẫn có các câu lạc bộ âm nhạc, mỹ thuật nên học sinh nào đam mê có thể chọn tham gia dưới hình thức câu lạc bộ”, cô Quỳnh nói.

Thầy Nguyễn Công Sở - Hiệu trưởng THPT Lê Văn Thiêm (Hà Nội) cho rằng việc triển khai dạy chương trình nghệ thuật đã có sự chuẩn bị cách đây 3 - 4 năm nên không thể nói là không có giáo viên, không chuẩn bị kịp nên không triển khai.

“Với môn âm nhạc và mỹ thuật, tôi thấy các trường sư phạm đi tắt đón đầu, đào tạo với 2 ngành này khá đông.

Nếu chưa tìm được giáo viên, tôi nghĩ các trường THPT có thể liên hệ với các giáo viên nghệ thuật ở bậc THCS để ký hợp đồng tham gia giảng dạy tại trường mình thay vì bỏ trống và không triển khai dạy môn nghệ thuật”, thầy Sở nói.

Về cách làm của trường THPT Lê Văn Thiêm thì ngay năm học tới nhà trường sẽ triển khai dạy môn âm nhạc và mỹ thuật theo hình thức kết hợp với trung tâm đào tạo nghệ thuât theo xã hội hóa.

“Các trung tâm nghệ thuật sẽ cung cấp phòng cách âm theo tiêu chuẩn và cung cấp 6 đàn piano để đào tạo môn âm nhạc.

Ngoài giờ học chính khóa, học sinh nào có đam mê có thể học nâng cao trong câu lạc bộ ở trường vào các buổi chiều tối.

Tất nhiên học sinh học nghệ thuật theo chương trình chính khóa nằm trong khung học phí nên nhà trường không thu riêng khoản nào, trừ khi liên quan đến bút cũng như giấy vẽ thì học sinh tự trang bị.

Với các trường công lập, tôi nghĩ không khó để kết hợp với trung tâm trong đào tạo môn nghệ thuật vì trường có quyền được kết hợp với trung tâm có chuyên môn, ví như kết hợp trung tâm anh ngữ nâng cao bổ trợ tiếng anh lâu nay chúng ta vẫn làm và với âm nhạc cũng thế”, thầy Sở nói.

Cũng theo hiệu trưởng trường THPT Lê Văn Thiêm thì khi kết hợp với trung tâm nghệ thuật bên ngoài, ngoài đầu tư về cơ sở vật chất họ còn giải quyết cho trường bài toán thiếu giáo viên.

Hơn nữa, giáo viên ở trung tâm cũng có chuyên môn sâu có khả năng đào tạo, thôi thúc đam mê, định hướng nghề nghiệp cho học sinh.

MINH AN