SEA Games 31 có là cú hích hồi sinh bóng đá Quảng Ninh?

Bóng đá Việt Nam - Ngày đăng : 17:35, 26/05/2022

Có nhiều tín hiệu cho rằng SEA Games 31 sẽ là chất xúc tác quan trọng cho việc đưa bóng đá Quảng Ninh trở lại sân chơi chuyên nghiệp trong tương lai.

1 năm không bóng đá

Sau khi V.League 2021 phải tạm dừng ở vòng 12 vì dịch bệnh, câu lạc bộ Than Quảng Ninh cũng chính thức dừng hoạt động và sau đó là giải thể bởi vấn đề tài chính đã tồn đọng từ lâu. Hàng chục tỉ đồng tiền lương, thưởng, phí “lót tay” của các cầu thủ bị nợ đọng và chưa có phương án giải quyết.

Điều may mắn hiếm hoi trong chuỗi ngày đen tối ấy chính là việc các cầu thủ của đội bóng này đều đã tìm được bến đỗ phù hợp. Một số cầu thủ như Bùi Ngọc Long, Vũ Hồng Quân được câu lạc bộ Sài Gòn hỗ trợ để sang Nhật Bản thi đấu. Ngôi sao sáng là Hai Long gia nhập câu lạc bộ Hà Nội và được xem là tương lai của đội bóng Thủ đô.

Ngoài ra, những cựu binh kỳ cựu như Nguyên Sa, Xuân Tú, Hồng Quân, Hoa Hùng, Hải Huy, Trần Trung Hiếu… được săn đón trên thị trường chuyển nhượng.

Nếu như bộ đôi Xuân Tú, Hồng Quân đầu quân cho Bình Định thì Nguyên Sa khoác áo SHB Đà Nẵng, còn Hải Huy, Hoa Hùng đến thi đấu cho Hải Phòng. Số cầu thủ trẻ khác như Anh Tuấn về Sài Gòn, Anh Việt và Minh Thành đến Bình Dương,...

Câu lạc bộ Than Quảng Ninh giải thể sau khi V.League 2021 bị huỷ vì dịch COVID-19. Ảnh: CLB TQN
Câu lạc bộ Than Quảng Ninh giải thể sau khi V.League 2021 bị huỷ vì dịch COVID-19. Ảnh: CLB TQN

Nhưng thực tế, họ cũng đã trải qua rất nhiều khó khăn, nhất là thời điểm dịch bệnh bùng phát trên cả nước. Người đi làm shipper, người bán phở, người kinh doanh hải sản hay có cầu thủ còn đi làm công nhân kiếm kế sinh nhai tạm thời.

“Sau cơn mưa, trời lại sáng”, bóng đá trở lại và họ quay về với nghiệp quần đùi áo số dẫu vẫn còn nhiều lo toan.

Than Quảng Ninh là đội bóng được xây dựng với nền tảng tốt. Có những mẩu chuyện nhỏ nhưng minh chứng rằng, nhiều cầu thủ đã coi sân Cẩm Phả là “nhà” và có ý định kết thúc sự nghiệp ở đây.

Mạc Hồng Quân, Nghiêm Xuân Tú chi nhiều tiền để sửa lại căn phòng tại "đại bản doanh" theo ý thích bởi họ tin mình đang hạnh phúc. Số khác mua nhà, an cư lạc nghiệp tại Quảng Ninh dù không phải người địa phương, nhưng biến cố ập đến và thay đổi tất cả.

SEA Games 31 là động lực để bóng đá Quảng Ninh trở lại

Ngay trước thềm trận chung kết môn bóng đá nữ SEA Games 31, tiền vệ Hải Huy trao đổi với Lao Động: “Nhìn sân Cẩm Phả đầy ắp khán giả trong các trận bóng đá nữ tại SEA Games 31, tôi cũng rất nhớ cảm giác được thi đấu tại đây, nhớ khán giả, nhớ anh em đồng đội. Hy vọng trong một vài năm tới câu lạc bộ Quảng Ninh sẽ quay trở lại bóng đá Việt Nam ở sân chơi cao nhất”.

Không phải chỉ Hải Huy mà nhiều cầu thủ, cổ động viên của đội bóng này đều trông chờ một ngày bóng đá Quảng Ninh trở lại.

Hội cổ động viên bóng đá Than Quảng Ninh đồng hành cùng đội tuyển nữ Việt Nam tại SEA Games 31. Ảnh: Thanh Vũ
Hội cổ động viên bóng đá Than Quảng Ninh đồng hành cùng đội tuyển nữ Việt Nam tại SEA Games 31. Ảnh: Thanh Vũ

Gần đây, Sở Văn hoá Thể thao tỉnh Quảng Ninh vừa có đề án tái thành lập đội bóng đá nam tỉnh Quảng Ninh và sẽ sớm trình lên UBND tỉnh ngay trong tháng 6.

Về cơ bản, mục tiêu của đề án là đưa câu lạc bộ Quảng Ninh trở lại sân chơi đỉnh cao trước năm 2026. Tuy cách làm vẫn là hướng đến nguồn lực xã hội hoá nhưng kế hoạch tài chính sẽ có sự ổn định, chắc chắn và tránh phụ thuộc vào 1 nguồn lực duy nhất như thời gian trước đây.

Ngoài ra, tình yêu bóng đá của người Quảng Ninh thông qua các trận đấu môn bóng đá nữ tại SEA Games 31 đã được thể hiện. Sân Cẩm Phả là một trong những địa điểm thi đấu có lượng người hâm mộ đến sân đông đảo nhất, tạo ra hình ảnh đẹp nhất tại kỳ Đại hội lần này.

Đây là căn cứ vô cùng quan trọng để các nhà đầu tư bóng đá xác định tiềm năng phát triển, mức độ lan tỏa nếu câu lạc bộ Quảng Ninh xuất hiện trở lại trên bản đồ bóng đá Việt Nam.

AN NGUYÊN