Mỹ chẳng còn vội vã trong việc khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran, vì sao?
Đối ngoại - Ngày đăng : 15:42, 26/05/2022
Có lẽ với Mỹ, thỏa thuận hạt nhân Iran dù đã "nguội" nhưng vẫn tốt hơn bất kỳ phương án thay thế nào khác. (Nguồn: PBS) |
Trong nhiều tháng, chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden từng lập luận rằng sẽ đến lúc những lợi ích về phi hạt nhân hóa của một thỏa thuận (được khôi phục) sẽ bị lu mờ trước những tiến bộ trong chương trình nguyên tử vượt trội của Iran.
Theo thỏa thuận có tên gọi Kế hoạch Hành động Chung Toàn diện (JCPOA), được ký kết bởi Iran và 6 cường quốc thế giới, Tehran phải hạn chế chương trình hạt nhân của mình để kiềm chế năng lực sản xuất bom hạt nhân nhằm đổi lấy việc nới lỏng các biện pháp trừng phạt kinh tế.
Tehran lâu nay vẫn nói rằng chương trình của họ nhằm mục đích hòa bình. Tổng thống Mỹ khi đó là ông Donald Trump đã vi phạm thỏa thuận vào năm 2018 và tái áp đặt các lệnh trừng phạt khắc nghiệt của Mỹ, khiến Iran cũng bắt đầu vi phạm các lệnh hạn chế về hạt nhân. Tổng thống Mỹ đương nhiệm Joe Biden đã phải nỗ lực để khôi phục thỏa thuận thông qua các cuộc đối thoại gián tiếp tại Vienna (Áo) song đến nay vẫn chưa đạt được thành công.
Lợi ích được "đặt lên bàn cân"
Ngày 28/2 vừa qua, tức là 2 tuần trước khi các cuộc đối thoại sụp đổ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price cho biết: “Chúng ta sẽ cần phải có một sự minh bạch hơn nữa trong những ngày tới bởi chúng ta đang ở vào một thời điểm... quyết định, khi những tiến bộ về hạt nhân của Iran sẽ sớm khiến cho những lợi ích về phi hạt nhân hóa mà JCPOA mang lại về cơ bản sẽ trở nên vô nghĩa”.
Một số quan chức Mỹ khác cũng đưa ra những suy luận tương tự để mô tả tình huống khẩn cấp này, theo đó nói rằng những lựa chọn hiện rất hạn chế, thời gian không còn nhiều và cánh cửa cơ hội đang dần khép lại.
Tuy nhiên, ông Price và các quan chức khác của Mỹ kể từ đó cũng không còn chú trọng nhiều vào vấn đề thời gian, mà thay vào đó chỉ tập trung vào việc khôi phục thỏa thuận nếu như điều này phù hợp với những lợi ích an ninh quốc gia của Mỹ.
Ông Price phát biểu ngày 26/4: “Chúng ta sẽ thử nghiệm đề xuất về một sự cùng quay lại tuân thủ thỏa thuận JCPOA chừng nào việc làm này vẫn phù hợp với lợi ích của chúng ta".
Câu nói rằng chỉ "khôi phục thỏa thuận nếu điều đó phù hợp với lợi ích quốc gia của Mỹ" trước đây cũng từng được sử dụng, và chính ông Price cũng từng nói hôm 4/1, nhưng việc đặt ưu tiên lớn hơn vào nỗ lực khôi phục này và giảm bớt sự chú ý đến vấn đề thời gian chính là một sự thay đổi.
Những lựa chọn không mang lại giá trị
Bất chấp các cuộc thảo luận về những lựa chọn trong “Kế hoạch B” nhằm đối phó với chương trình hạt nhân Iran nếu như thỏa thuận này không thể khôi phục được, cũng chỉ có một số ít lựa chọn khả thi.
Ông Ross cho biết, các lựa chọn thay thế bao gồm tăng cường sức ép kinh tế lên Iran, hoặc Mỹ hay Israel sẽ triển khai hành động quân sự để tiêu hủy các cơ sở hạ tầng hạt nhân của Iran. Tuy nhiên, các lựa chọn này đều không làm hài lòng Washington, vì vậy họ đang nỗ lực để khôi phục thỏa thuận.
Ông Ross nói: “Kế hoạch B về cơ bản giống kế hoạch A trước đây”.
Ông lập luận rằng Washington hiện tin là việc khôi phục một vài trong số các giới hạn của thỏa thuận, chẳng hạn như mức tinh khiết tối đa 3,67% mà Iran có thể làm giàu urani và giới hạn 202,8 kg urani trong kho nhiên liệu của họ, vẫn tốt hơn so với những lựa chọn thay thế kia.
Theo một báo cáo của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) đưa ra ngày 3/3, Iran đã làm giàu urani ở mức tinh khiết lên tới 60% và kho urani của nước này đã đạt mức 43,2 tấn.
Lý do chủ yếu khiến các cuộc thảo luận đã sụp đổ vào tháng 3 vừa qua chính là việc Tehran yêu cầu Washington rút Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran (IRGC) ra khỏi danh sách khủng bố mà Mỹ lập ra và Mỹ thì không chấp nhận điều này với lập luận rằng nó nằm ngoài phạm vi của việc khôi phục thỏa thuận.
Người phụ trách chính sách ngoại giao của Liên minh châu Âu (EU) ngày 13/5 vừa qua cho biết, ông tin rằng đặc phái viên EU Enrique Mora, người điều phối các cuộc thảo luận nói trên, đã đạt được đủ những tiến triển trong chuyến thăm đến Iran trong tuần đó nhằm nối lại các cuộc đàm phán.
Ngoại trưởng Iran Hossein Amirabdollahian cho biết, chuyến thăm này là một cơ hội để xem xét một cách tỉ mỉ việc xử lý các vấn đề còn tồn đọng. Ông nói: “Một thỏa thuận tốt và đáng tin cậy vẫn có thể đạt được nếu như Mỹ đưa ra một quyết định chính trị và tuân thủ các bổn phận của họ”.
Sau chuyến thăm của đặc phái viên Mora, một nguồn tin ngoại giao của châu Âu cho biết, không bên nào đưa ra cam kết nối lại đối thoại và việc tìm kiếm một sự thỏa hiệp về vấn đề IRGC vẫn không có triển vọng, nếu không muốn nói là bất khả thi.
Nguồn tin nói: “Người Mỹ trong 2 tháng qua đã rất lớn tiếng nói rằng thời gian đang cạn kiệt và chúng ta phải có một thỏa thuận. Thế nhưng kể từ tháng 3 đến giờ, họ dường như chẳng còn vội vã nữa”.