Đại biểu Quốc hội đề nghị quy định cụ thể hơn quyền hạn của cảnh sát cơ động

Xã hội - Ngày đăng : 11:54, 26/05/2022

Cho ý kiến về dự án Luật Cảnh sát cơ động, các ĐBQH cho rằng, quyền hạn của cảnh sát cơ động quá rộng, cần quy định cụ thể hơn, tránh chồng chéo với lực lượng khác.

Sáng 26/5, Quốc hội thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Cảnh sát cơ động.

Trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Cảnh sát cơ động, ông Lê Tấn Tới (Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội) cho biết, dự thảo luật nhận được nhiều ý kiến của đại biểu Quốc hội cho rằng, quyền hạn của cảnh sát cơ động quá rộng, cần có quy định cụ thể hơn, để tránh chồng chéo với các lực lượng khác.

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, nội dung này đã được xây dựng căn cứ vào các quy định của pháp luật có liên quan, kế thừa pháp lệnh hiện hành.

Bên cạnh đó, dự thảo luật cũng chỉ quy định các quyền hạn cơ bản, nhằm bảo đảm cho cảnh sát cơ động hoàn thành tốt nhiệm vụ thường xuyên và đột xuất.

Đại biểu Quốc hội đề nghị quy định cụ thể hơn quyền hạn của cảnh sát cơ động - 1

Ông Lê Tấn Tới, Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội.

Về đề nghị quy định trình tự, thủ tục thực hiện các quyền của cảnh sát cơ động, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, nhiệm vụ, quyền hạn của cảnh sát cơ động liên quan đến nhiều luật. Các luật đã quy định hoặc giao cơ quan có thẩm quyền quy định về trình tự, thủ tục thực hiện một số hoạt động liên quan đến việc hạn chế quyền con người, quyền công dân. Do đó, cơ quan này đề nghị không quy định lại các nội dung trên.

Giải trình về việc cân nhắc thẩm quyền của cán bộ, chiến sĩ cảnh sát cơ động khi thực hiện nhiệm vụ độc lập, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho biết, phần lớn nhiệm vụ của cảnh sát cơ động được tổ chức theo đội hình tập thể, nhưng có một số nhiệm vụ do cán bộ, chiến sĩ cảnh sát cơ động thực hiện độc lập.

Trong trường hợp cần thiết, để bảo đảm thực thi nhiệm vụ, cán bộ, chiến sĩ cảnh sát cơ động cần được cho phép huy động người, phương tiện, thiết bị dân sự. Vì vậy, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho giữ nội dung này.

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề nghị làm rõ quy định về thẩm quyền huy động người, phương tiện, thiết bị dân sự nhằm bảo đảm các điều kiện để cảnh sát cơ động hoàn thành nhiệm vụ được giao trong các trường hợp cấp bách.

Do đó, dự thảo luật chỉ quy định cảnh sát cơ động được huy động khi thực hiện các nhiệm vụ do cảnh sát cơ động chủ trì thực hiện quy định tại khoản 2, khoản 3 điều 9 dự thảo luật. Đối với nhiệm vụ tham gia, phối hợp phòng, chống, khắc phục thảm họa, thiên tai, dịch bệnh thì việc huy động người, phương tiện, thiết bị sẽ do lực lượng chủ trì quyết định.

Đối với nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát bảo đảm an ninh, trật tự, trong quá trình tuần tra, kiểm soát, nếu phát hiện trường hợp vi phạm pháp luật nghiêm trọng đe dọa đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội cần có biện pháp ngăn chặn, xử lý, trấn áp kịp thời mà lực lượng tuần tra, kiểm soát không đủ điều kiện xử lý hiệu quả thì được phép huy động người, phương tiện, thiết bị dân sự để hỗ trợ thực hiện nhiệm vụ.

Do đó, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho giữ nội dung này như dự thảo luật trình Quốc hội.

Quang Tuyền

Quang Tuyền