Triều Tiên im lặng sau vụ phóng tên lửa, Mỹ tung 'bài tẩy', Trung Quốc không ngồi yên

Đối ngoại - Ngày đăng : 11:59, 26/05/2022

Ngày 26/5, các hãng truyền thông nhà nước Triều Tiên vẫn giữ im lặng về vụ thử ba tên lửa đạn đạo trước đó một ngày, trong đó có một quả nghi là tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM).
Triều Tiên im lặng sau vụ phóng tên lửa, Mỹ tung 'bài tẩy', Trung Quốc không ngồi yên. (Nguồn: KCNA)
Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un và các quan chức đi phía trước tên lửa đạn đạo liên lục địa Hwasong-17 trước khi nó được phóng vào ngày 24/3. (Nguồn: KCNA)

Tính tới 9 giờ sáng nay theo giờ địa phương, Hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA), Đài truyền hình Quốc gia Triều Tiên và tờ Rodong Sinmun - cơ quan ngôn luận của Đảng Lao động Triều Tiên - đã không đề cập vụ thử thứ 17 này của quốc gia Đông Bắc Á trong năm nay.

Ngày 25/5, Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc thông báo, Triều Tiên đã phóng thử một vật nghi là ICBM và 2 tên lửa đạn đạo tầm ngắn ra vùng biển phía đông sáng cùng ngày. Theo các nguồn tin, tên lửa đầu tiên trong số đó dường như là loại ICBM Hwasong-17 mới nhất của Triều Tiên.

Giới phân tích nhận định, việc Triều Tiên im lặng về các vụ thử dường như chứng tỏ nước này sẽ tiếp tục đẩy mạnh chương trình phát triển vũ khí bất chấp phản ứng ở cả trong và ngoài nước.

Theo các nhà phân tích, Bình Nhưỡng cũng có thể tìm cách biến những hành động tương tự thành như nỗ lực "phòng thủ".

KCNA, cơ quan ngôn luận chính thức của Triều Tiên, thường đưa tin vào buổi sáng về các sự kiện chính diễn ra một ngày trước đó, ví dụ như các hoạt động công khai của Chủ tịch Kim Jong-un hay các vụ thử vũ khí quy mô lớn. Đặc biệt, trong tháng này, Triều Tiên chưa công bố bất kỳ thông tin nào về các vụ thử vũ khí.

Trong khi đó, liên quan nghị quyết mà Mỹ đề xuất nhằm tăng cường trừng phạt Triều Tiên, theo các nguồn tin, Hội đồng bảo an (HĐBA) Liên hợp quốc sẽ bỏ phiếu vào chiều muộn 26/5.

Một quan chức cấp cao của Mỹ cho biết, Nghị quyết sẽ bao gồm việc hạn chế Triều Tiên nhập khẩu dầu mỏ, mặc dù các nhà ngoại giao cho rằng, Nga và Trung Quốc có thể thực hiện quyền phủ quyết của các nước này.

Quan chức này lưu ý rằng, Nghị quyết 2397 của HĐBA, đã được nhất trí thông qua năm 2017, kêu gọi tiến hành thêm các biện pháp trừng phạt trong trường hợp Triều Tiên phóng ICBM nữa.

Từ chối trả lời việc Nga và Trung Quốc có phủ quyết Nghị quyết này hay không, song quan chức này cho biết: “Chúng tôi nghĩ Nghị quyết sẽ nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ bởi đây là vấn đề có tầm quan trọng sâu sắc với chúng tôi cùng các đồng minh Nhật Bản và Hàn Quốc".

Dự thảo Nghị quyết kêu gọi giảm lượng dầu thô mà Triều Tiên có thể nhập khẩu hợp pháp mỗi năm cho các mục đích dân sự từ 4 triệu xuống 3 triệu thùng (525.000 xuống 393.750 tấn). Tương tự, Nghị quyết sẽ cắt giảm nhập khẩu xăng dầu (đã lọc) từ 500.000 xuống còn 375.000 thùng.

Nghị quyết cũng sẽ áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt đối với các mặt hàng xuất khẩu của Triều Tiên trong đó có đồng hồ treo tường, đồng hồ đeo tay và khoáng sản.

Liên quan văn kiện này, ngày 25/5, người phát ngôn của phái bộ Trung Quốc tại Liên hợp quốc cho rằng, Nghị quyết sẽ không giải quyết bất kỳ vấn đề nào.

Người phát ngôn trên nêu rõ: "Trung Quốc đã đề xuất việc xem xét một Tuyên bố của Chủ tịch HĐBA trong những tuần trước. Đề xuất của chúng tôi được nhiều phái đoàn ủng hộ nhưng đã bị phía Mỹ phớt lờ. Họ biết rõ cách thức tốt nhất để giảm leo thang căng thẳng nhưng lại hoàn toàn chối bỏ nó".

Bảo Hà