Vì sao giá trứng bất ngờ tăng mạnh?
Chuyển động Thị trường - Ngày đăng : 11:11, 26/05/2022
Giá trứng đồng loạt tăng
Trong điều kiện bình thường, giá trứng gần như chỉ giảm chứ không sốt, tuy nhiên những ngày gần đây, giá trứng bất ngờ đồng loạt tăng mạnh.
Khảo sát của Báo Giao thông tại các chợ truyền thống cho thấy, giá các loại trứng đều tăng cao so với năm ngoái. Tăng cao nhất là trứng gà công nghiệp và ở khu vực TP. HCM.
Cụ thể, tại TP. HCM, giá trứng gà hiện tại ở ngưỡng 40-45 nghìn đồng một chục, tăng khoảng 10-15 nghìn đồng (khoảng 30-50%) so với cuối năm ngoái.
Riêng trứng gà công nghiệp tăng gần gấp đôi, lên ngưỡng 35-40 nghìn đồng một chục.
Trứng vịt cũng tăng khoảng 5-7 nghìn đồng một chục, lên 37-38 nghìn đồng/chục.
Giá trứng tăng mạnh, do thiếu cung và giá thức ăn chăn nuôi tăng phi mã
Bà Thuận, một tiểu thương kinh doanh lâu năm mặt hàng này tại chợ Tân Mỹ (TP.HCM) cho biết, giá trứng là mặt hàng ổn định nhiều năm nay, gần như không tăng, chỉ có giảm. Đây là lần đầu tiên giá tăng cao như vậy.
Dẫn chứng, bà Thuận cho biết, giá trứng gà công nghiệp nhiều năm ở ngưỡng 22-28 nghìn đồng một chục; Năm ngoái có thời điểm rớt xuống mức 15-19 nghìn đồng, nay lên ngưỡng trung bình 35 nghìn đồng một chục.
Ông Tuấn, một lái buôn cho biết, tại các tỉnh Hậu Giang, An Giang, Vĩnh Long…, giá trứng gà công nghiệp và trứng vịt đang được nông dân bán cho thương lái mức 21-24 đồng một chục. Và giá bán lẻ tại nhiều nơi từ 30-36 nghìn đồng một chục.
Còn tại các cửa hàng tạp hóa, giá bán lẻ trứng cỡ lớn ở mức 35-40 nghìn đồng một chục, trứng cỡ nhỏ hơn cũng quanh mức 30 nghìn đồng một chục. Mức giá này đã tăng đến hơn 50% so với thời điểm cuối năm 2021.
Tại siêu thị MM Mega Market An Phú (TP.HCM), mặc dù có chương trình khuyến mãi, giá trứng gà vẫn đứng ở mức cao.
Cụ thể, trứng gà sạch TAFA có giá 32,5 nghìn đồng một chục, sau khi giảm giá vẫn còn 28,5 nghìn đồng một chục, trứng gà Ba Huân vẫn ở mức giá 33 nghìn đồng một chục dù đang áp dụng chương trình giảm giá sốc cuối tuần, trứng gà Happy 31,5 nghìn đồng một chục.
Tương tự, tại các chợ dân sinh ở Hà Nội cũng ghi nhận giá trứng gà ta và công nghiệp tăng vọt.
Đơn cử, tại chợ Nghĩa Tân, giá trứng gà ta có giá từ 40-45 nghìn đồng/chục, tăng khoảng 5-10 nghìn đồng một chục. Còn trứng gà công nghiệp loại màu trắng và vàng đều có mức giá 35-37 nghìn đồng một chục. Chị lý, một tiểu thương giải thích, giá bán lẻ tăng do mua từ mối buôn tăng...
Nguyên nhân do đâu?
"Cơn sốt giá mặt hàng phổ thông, loại thực phẩm cơ bản nhất trong bữa cơm này đang như một chỉ dấu về sự bất ổn" là nhận định của TS Trần Toàn Thắng - Trung tâm Thông tin và dự báo kinh tế xã hội quốc gia khi cảnh báo về “căng thẳng của lạm phát”.
Là doanh nghiệp cung ứng lớn, ông Trương Chí Thiện, Tổng giám đốc Công ty thực phẩm Vĩnh Thành Đạt cho biết, hiện nay nguyên nhân khiến giá trứng gà tăng mạnh là do cung không đáp ứng đủ cầu.
Theo ông Thiện, sở dĩ xẩy ra trường hợp này là do người nuôi thua lỗ nặng vào thời điểm rớt giá thảm năm ngoái, họ bỏ chuồng, dẫn đến cung thiếu hụt.
“Nguồn cung trứng từ các hộ nuôi đang giảm 40-50%”, ông Thiện nói và bày tỏ, để đảm bảo giá trứng gà bình ổn thấp công ty không thể thu gom với giá cao. Giá thị trường tăng cao khiến cho đơn vị thực hiện bình ổn như ông cũng áp lực.
Các hộ nuôi còn cho biết, ngoài vấn đề nguồn cung giảm, việc chi phí vận chuyển, thức ăn chăn nuôi tăng 30-40% cũng góp phần đẩy giá trứng tăng mạnh, bởi giá thức ăn chiếm tới 65-70% giá thành trong chăn nuôi.
Thực tế, đại diện Hiệp hội chăn nuôi gia cầm cho biết, năm 2020 giá cám chỉ 7 nghìn đồng/kg thì nay lên 11 nghìn đồng/kg và xu hướng tiếp tục tăng khiến giá trứng tăng cao.
Bên cạnh đó, giá thức ăn chăn nuôi tăng cao thời gian qua nên nhiều người dân không dám tái đàn, khiến nguồn cung bị sụt giảm.
Trao đổi với Báo Giao thông, đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, việc nhập khẩu tới 70% nhiều loại nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi làm cho ngành chăn nuôi rủi ro hơn khi giá nguyên liệu tăng kỷ lục bởi tác động của cuộc chiến Nga - Ukraine.
Tuy nhiên, trong đề án phát triển công nghiệp chế biến thức ăn đang được Bộ xây dựng sẽ hướng tới tăng sử dụng nguyên liệu ở địa phương, đồng thời chuyển một số diện tích đất trồng trọt không hiệu quả sang trồng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi...
(Theo Báo Giao Thông)