“Xóm Nhà giàu”, tình gia tộc cũng giàu

Hồ sơ - nhân vật - Ngày đăng : 10:57, 26/05/2022

Xóm nhà giàu Thanh Phú Long là cụm di tích lịch sử của Long An được quy hoạch bảo tồn. Trong đó, ngôi nhà từng được TFS mượn quay phim "Nàng Hương" là nhà ông Nguyễn Hữu Hoanh, ông cố - ba của bà nội - tôi. Dù chỉ cách nhà ông gần 4km nhưng hơn 60 năm qua, số lần tôi về đó chỉ đếm trên đầu ngón tay. Bởi gia tộc đó quá giàu.

Thật ra nhà tôi cũng không nghèo. Ngôi nhà gỗ lợp ngói bề thế nhất xóm do bà nội tôi tạo dựng nay cũng gần trăm tuổi. Tôi sinh và lớn lên ở đó mà không thắc mắc bà nội lấy đâu ra tiền xây nhà vì ông nội tôi suốt đời chỉ là thầy lang bắt mạch, ra toa thuốc miễn phí. Do nhiều nguồn tác động chừng như trong tôi định hình tạp niệm, kẻ giàu đến thiên đường khó như lạc đà chui qua lỗ kim.

Năm rồi, có người nhờ hướng dẫn đến Xóm nhà giàu tham quan, chụp ảnh. Bối rối vì không rành rẽ, tôi nhờ cháu Nguyễn Hữu Phong, "người chép sử” của tộc dẫn đường. Cháu vui mừng tặng tôi quyển gia phả và hào hứng kể chuyện thâm cung về dòng tộc.

Ba anh em Nguyễn Hữu khởi phát xóm Nhà giàu

Xóm nhà giàu xưa thuộc làng Thanh Thủy, nay nhập với làng Tân Long, Phú Tây thành xã Thanh Phú Long, Châu Thành - Long An. Xóm có hơn 10 ngôi nhà cổ của gia tộc Nguyễn Hữu, trong đó bề thế nhất là nhà ba anh em ông Cai Hiệp, Hội đồng Hoanh và Phủ Hùng. Cai Tổng là chức danh hành chính thật, điều hành Tổng Thạnh Mục Hạ, gồm phân nửa huyện Châu Thành ngày nay. Chức hội đồng địa hạt và đốc phủ của hai ông em là chức hàm, chức danh dự (honor) do chính quyền thuộc địa bán cho những người giàu có để trang trải ngân sách của Pháp sau Thế chiến thứ hai.

Đất đai dòng tộc Nguyễn Hữu có đến hàng ngàn mẫu, gồm trọn Xóm nhà giàu và có ở nhiều tỉnh khác từ Tân An, Gò Công, Mỹ Tho xuống tận Cà Mau. Kiến trúc nhà cửa của họ chẳng đáng giá gì so với phủ đệ của đại gia thời nay về quy mô, sự xa xỉ nhưng cung cách cư xử trong tộc và với chòm xóm cộng đồng của họ có nhiều chuyện đáng ghi. Cả xóm nay đã phá vườn trồng thanh long nên tầm nhìn thoáng đãng, lộ rõ lên trong quần thể ấy, nhà ông cố tôi và con trai cả (Hội đồng Quyền) là to nhất. Hơn 100 tuổi, nhà chỉ hư tường, mái do bom đạn, nền móng, cấu trúc không hề suy suyển.

1(1).jpg

Ba anh em (từ trái): Nguyễn Hữu Hiệp, Nguyễn Hữu Hoanh, Nguyễn Hữu Hùng.

Hồi nhỏ, vài lần nội dắt tôi về ăn giỗ. Ngôi nhà quá lớn so với kích cỡ trí óc và hình thể của đứa bé mới hơn 10 tuổi. Nền nhà cẩn đá xanh cao quá đầu. Gian trước cao, rộng mênh mông. Mỗi cột nhà vòng tay người ôm không hết. Người ta thường ví cái gì to nhất với cột đình, nhưng so với cột nhà ông cố thì cột đình thấp hơn nhiều. Bên mỗi chân cột có lục bình bằng sứ đặt trên đôn sứ cao quá đầu người lớn.

Kết cấu ngôi nhà cũng đặc biệt: phần chính gồm hai khối nhà ba căn hai chái, ở giữa là khoảng sân thiên tỉnh đặt lu chứa nước mưa. Hai khu nhà nối liền nhau bởi hai nhà cầu (lối đi có mái che bằng ngói). Kết cấu này có ưu điểm là nhà rộng, an toàn mà chỗ nào không gian cũng sáng sủa thoáng mát, không bị tối, ẩm thấp như những ngôi nhà chữ đinh theo truyền thống Việt Nam.

Nhà ông cố xây ròng rã hơn ba năm trời. Mua cây súc ở Campuchia chở bằng bè theo đường sông về đây đẽo gọt. Thợ thầy rước từ miền Bắc, Trung vô làm. Một số người thợ xây nhà đã cưới vợ và an cư lạc nghiệp tại đây. Phong nhấn nhá với tôi: “Tuổi trẻ sớm tạo tác nhà bề thế, chuẩn mực nhất định trong ứng xử, ba anh em ông cố đã tạo ra tiếng tăm và càng giàu có hơn”. Tôi giật mình hiểu ra ngôi nhà mình ở chắc hẳn là từ khoản tiền hồi môn của ông cố. Chuyến đi ấy giúp tôi làm cuộc hành trình trong tâm thức về Xóm nhà giàu, tìm hiểu quá khứ thăng trầm.

Tính từ vị thủy tổ rời Thanh Hóa vào đây khẩn hoang, ông cố thuộc đời thứ tư. Từ thế hệ này họ Nguyễn Văn đổi thành Nguyễn Hữu. Năm 1900, ba anh em Nguyễn Hữu Hiệp, Nguyễn Hữu Hoanh, Nguyễn Hữu Hùng làm tờ tương phân chia di sản là 63 ha đất ruộng và hơn 2 ha đất thổ. Theo đó ông Hiệp, trưởng nam hưởng 13 ha ruộng và toàn bộ đất thổ làm hương hỏa, 50 ha ruộng còn lại chia đều cho ba người. Ở miền Nam thời đó có 50 ha chưa gọi là nhiều nhưng chỉ 25 năm sau, ba anh em ông cố đã nhân số ruộng lên hàng chục lần. Có ý chí, cần cù, giỏi tính toán nhưng cũng có phần quan trọng là từ hôn nhân. Trong dòng tộc đã có hai cuộc hôn nhân làm nhân đôi tài sản.

Giàu nhanh, suýt chết cũng vì “môn đăng hộ đối”

Bà cố tôi mất sớm lúc mới 23 tuổi, ông cố vừa nuôi con vừa xây nhà, khi ngấp nghé 30 ông tục huyền với con gái vị điền chủ lớn ở Tiền Giang. Thời ấy hầu hết hôn nhân đều là mai mối và môn đăng hộ đối. Gia sản ông cố tôi lép vế so với phía nhà gái, lại góa vợ có con riêng, nhưng bù lại chí thú làm ăn tạo lập nhà cửa.

Vị nhạc gia hỏi chàng rể thật nhẹ nhàng: “Mày có hết thảy bao nhiêu mẫu ruộng?”. Ông cố tình thiệt trả lời: “Nhờ trời nên ngoài phần cha mẹ để lại có mua thêm ba bốn trăm mẫu”. Ông cha vợ cười hớn hở: “Được! Cha sẽ cho con số ruộng y như vậy!”. Tài sản của ông cố đã nhân đôi sau cuộc hôn nhân và dù mãn phần khá trẻ (chỉ hưởng dương 54 tuổi), ông kịp để lại di sản hơn 1.000 ha ruộng.

2(1).jpg
Mặt tiền nhà ông Nguyễn Hữu Trà vừa được con cháu phục dựng.

Cuộc hôn nhân thứ hai còn thú vị hơn. Gia đình họ Huỳnh Đình ở Gò Công, rất giàu nhưng không có con trai nối dõi, đánh tiếng gả con gái cho nhà họ Nguyễn. Chú rể đầu tiên được giao kết là Nguyễn Hữu Tân, con ông Cai Hiệp. Chẳng may, chưa đến ngày cưới thì ông Tân bị bệnh qua đời. Hai họ thu xếp để người em chú bác là Nguyễn Hữu Đỏ thay thế. Bên gái xin bắt rể, cải họ cho chú rể sang Huỳnh Đình Đỏ và hai con ông Đỏ (Châu, Khôi) lúc nhỏ cũng lấy họ Huỳnh Đình, khi trưởng thành mới lấy lại họ gốc. Một trong hai người chính là luật sư Nguyễn Hữu Châu, Tổng trưởng Nội Vụ kiêm Đổng lý văn phòng Tổng thống Ngô Đình Diệm, là anh em cột chèo (đồng hao) với cố vấn Ngô Đình Nhu.

Ông nhạc Huỳnh Đình không chỉ cho con rể ruộng đất mà còn giúp vốn liếng, phương tiện để ba anh em họ Nguyễn sui gia cùng làm ăn phát triển. Chính nhờ vậy, gia tộc Nguyễn có hàng trăm héc-ta ruộng ở Gò Công.

3(1).jpg
Sân thiên tỉnh giữa hai nhà ông Nguyễn Hữu Hoanh.

Thời ấy phương tiện giao thông chủ yếu là đường thủy, tất cả các ngôi nhà đều cất dọc theo sông. Khi chính quyền Pháp mở ra con lộ Tân An đi Rạch Lá thì nhà của gia tộc Nguyễn cách đường này hơn 2km mà không có đường ra. Bên sui gia Huỳnh Đình đã cho họ Nguyễn mượn tiền mua cả dãy ruộng để mở đường ra lộ cái. Ngay đầu ngõ vô xóm nhà họ Nguyễn là một đoạn đường cong, người Pháp gọi là La cua (la courbe) và khu vực này là “Quartier de riche” có nghĩa là Xóm nhà giàu. La Cua, Xóm nhà giàu thành địa danh dân gian cho tới ngày nay.

Cuộc hôn nhân cũng rất môn đăng hộ đối của ông Nguyễn Hữu Châu và bà Trần Lệ Chi không được may mắn như thế hệ trước. Bà Chi yêu một người Pháp, ông Châu muốn ly dị. Bà Trần Lệ Xuân đã đưa ra Luật Gia đình có những quy định rất nghiệt ngã là cấm ly hôn, mỗi cặp hôn nhân phải đăng ký nơi ở chung và không được đi khỏi nơi này quá 6 tháng…. mà dư luận thời ấy cho rằng luật này nhằm ngăn ông Châu không được ly hôn.

4.jpg
Gian trước nhà ông Nguyễn Hữu Hoanh.

Ông Châu phải từ chức tổng trưởng và trốn qua Campuchia. Quốc vương Sihanouk là bạn học đã giúp ông Châu bay qua Pháp để tránh sự truy đuổi của chính quyền Ngô Đình Diệm. Ông Châu đã định cư suốt đời ở Pháp. Khi Bác Hồ qua đời, ông Nguyễn Hữu Châu đã dẫn đầu một phái đoàn nhân sĩ Việt Nam tại Pháp đến sứ quán Việt Nam Dân chủ Cộng hòa viếng tang.

Nếp gia phong

Trở lại với ba anh em ông cố Nguyễn Hữu, điều đáng trân trọng không là sự giàu có mà là sự đoàn kết yêu thương giúp đỡ từ trong gia đình ra cả ngoài cộng đồng. Trường hợp ông Nguyễn Hữu Trà, con trai cả của ông Nguyễn Hữu Hiệp là điển hình.

Do lý do nào đó, bà mẹ ông Trà thôi chồng, ôm con về nhà cha mẹ đẻ. Một thời gian sau, bà tái hôn, ông Hiệp cũng tái hôn. Chú bé Trà có đủ mẹ cha nhưng lại sống với ngoại như trẻ mồ côi. Hai ông Hoanh và Hùng bàn nhau “cháu mình thì mình phải lo, lá rụng phải về cội”. Hai ông cùng đi tìm và đích thân cõng bé Trà về với tộc Nguyễn nuôi dạy đến trưởng thành. Khi ông Hiệp qua đời, bà vợ sau dù có nhiều con vẫn chủ động làm giấy sang tên cho ông Trà 12 ha ruộng ở Gò Công.

5.jpg
Ông Nguyễn Hữu Trà. Ảnh tư liệu gia phả

Ông Trà làm thôn trưởng làng Thanh Thủy và tạo lập nhà cửa khang trang, chi tộc của ông con cái đều thành đạt và đầm ấm thương yêu với các chi tộc Nguyễn Hữu anh em. Mới đây, con cháu của ông đã trùng tu phục chế nhà từ đường khang trang bề thế không kém nhà ông Hội đồng. Không biết theo quy ước từ bao giờ, các thế hệ con cháu xưng hô với các ông bà theo thứ hoặc theo chức danh chứ không phân biệt trực hệ hay bàng hệ. Tất cả các cháu ngang hàng dù thuộc chi nào cũng đều gọi ông Cố Hai (Cai Hiệp), Cố Năm (Hội đồng Hoanh), Cố Bảy (Phủ Hùng).

Chính nhờ vậy, tình thân thành viên đại gia đình rất bền chặt dù xa nhau về trực hệ mà theo luật pháp đã có thể kết hôn từ tám hoánh. Một thí dụ là tôi (cháu ông cố Năm) với bác sĩ Nguyễn Hữu Phước (nguyên trưởng khoa ICU bệnh viện Chợ Rẫy) cháu ông cố Hai trực hệ cách nhau đến năm đời, xa đến mấy tầm đại bác. Thế nhưng ba tôi cần khám bệnh, tôi gọi điện nhờ giúp cách thức sao đỡ phải chờ đợi, anh trả lời gọn lỏn: “Khi nào chú Bảy đi khám, em gọi điện báo trước một ngày”. Tôi làm theo, không dám hỏi lý do. Hóa ra hôm ấy anh xin nghỉ phép năm và trực tiếp đưa ba tôi đi từng phòng khám, xét nghiệm. Khi ba tôi nằm viện, anh đến thăm, chỉ thấy đám cháu mà không có tôi, anh ra lệnh: “Tụi con về kêu ba và bác Ba vô đây! Tụi nó phải trực tiếp chăm sóc ông nội chứ không thể giao cho tụi con!”. Thân mật trách nhiệm và nghiêm khắc đến như vậy.

Truyền thống gia đình quý báu đó theo tôi là di sản lớn hơn cả tiền bạc.

Trách nhiệm của người giàu với cộng đồng

Thanh Phú Long gần biển nên mùa khô nước sông bị mặn, thiếu nước uống. Ông Nguyễn Hữu Hoanh khi xây nhà đã có ý làm một hồ chứa nước mưa rất lớn, dân nghèo làng Thanh Thủy đã sống nhờ hồ nước mùa này gần trăm năm qua, gần đây có nước giếng khoan mới thôi.

Đối với con lộ từ xóm ra đường cái, ba anh em không chỉ vay tiền mua đất làm đường mà còn tự lãnh trách nhiệm duy tu. Trong di ngôn, ông cố Năm tôi lập một phần hương hỏa 4 ha ruộng để con trai là Nguyễn Hữu Vĩnh trích huê lợi bảo dưỡng, duy tu. Hiện nay con lộ ấy đã được cư dân địa phương, mà đa phần là con cháu họ Nguyễn Hữu, bỏ tiền đổ bê tông rộng 4 m và các đường nhánh rộng 2m tỏa khắp làng.

6.jpg

Các cháu của ông Nguyễn Hữu Trà (ông Nguyễn Hữu Phong ngồi bìa phải) tự đóng góp phục dựng nhà thờ.

Năm 1909 ba anh em ông cố hùn nhau xây chùa Tam Khánh trên phần đất của gia đình khá khang trang, cột gỗ, mái ngói trên khuôn viên rộng hơn 5.000m2 và cắt ra một phần đất ruộng lập hương hỏa để chi dụng cho công việc của chùa, sinh hoạt của sư trụ trì. Sau năm 1975, chính sách đất đai không còn chế độ đất hương hỏa thừa tự, các hậu duệ của tộc Nguyễn Hữu từ trong ngoài nước vẫn đóng góp công đức, tiền của cho chùa.

Năm 2007, đại đức Thích Huệ Nghiêm, Viện chủ chùa Tam Khánh làm tờ cẩn bạch kêu gọi đóng góp xây dựng lại chùa đã ghi rõ công đức tạo tác của ba anh em Nguyễn Hữu. Ba anh em ông cố cũng đã góp tiền lập đình Thanh Thủy, hiện nay là đình chính của xã Thanh Phú Long.

Sau hơn trăm năm biến thiên của lịch sử, tài sản, ruộng đất của dòng tộc Nguyễn Hữu còn lại không đến 1% thời hưng thịnh, chủ yếu là di sản kiến trúc, nhưng tại Xóm nhà giàu giá trị sống về tình tương thân gia tộc và trách nhiệm với cộng đồng xã hội vẫn sinh sôi phát triển trong các thế hệ cháu con.

Đọc lại gia phả và những câu chuyện sống về tộc Nguyễn Hữu, tôi nhận ra giàu không  phải xấu, nghèo không phải hay. Xấu tốt hay dở là do cách đối nhân xử thế.

Bài và ảnh: Lê Đại Anh Kiệt