Học sinh thi khoa học kỹ thuật: Đề tài “cao siêu” như tiến sĩ

Xã hội - Ngày đăng : 10:43, 26/05/2022

Cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh có những đề tài đoạt giải do học sinh THPT nghiên cứu lại ngang tầm… tiến sĩ.

Người có chuyên môn cũng “choáng” 

Những ngày này, dư luận đang ồn ào về dự án “Phân lập, đánh giá khả năng nhắm đích tế bào gốc ung thư dạ dày của phân đoạn chứa hợp chất saponin và bào chế sản phẩm từ cây lá khôi (Ardisia gigantifolia)” của học sinh Đào Xuân Minh và Nguyễn Lê Cường (Trường THPT chuyên Thái Nguyên). Dự án này giành giải nhất Cuộc thi khoa học kỹ thuật (KHKT) cấp quốc gia và là một trong bảy dự án của học sinh Việt Nam tham gia hội thi Khoa học kỹ thuật quốc tế (ISEF) 2022. Khi có kết quả Cuộc thi KHKT cấp quốc gia năm học 2021 - 2022, đề tài trên được công bố là do cô giáo Trương Thị Thanh, Trường THPT chuyên Thái Nguyên, hướng dẫn. Thế nhưng, trong hồ sơ tham gia ISEF 2022, tên người hướng dẫn dự án này lại là tiến sĩ Nguyễn Phú Hùng, Trưởng khoa Công nghệ sinh học Trường đại học Khoa học - Đại học Thái Nguyên.

Một ồn ào nữa được dư luận đưa ra, tiến sĩ Nguyễn Phú Hùng là chủ nhiệm một đề tài rất giống với dự án do hai học sinh trên thực hiện: “Nghiên cứu sự ức chế tế bào gốc ung thư dạ dày của các hợp chất triterpenoid saponin từ cây lá khôi Ardisia gigantifolia thông qua sự điều hòa con đường tín hiệu Notch” (do Quỹ NAFOSTED tài trợ). Cũng ở Khoa Công nghệ sinh học còn có một luận văn thạc sĩ sinh học ứng dụng (năm 2019) cùng chung nội dung: “Nghiên cứu tác động của dịch chiết lá khôi lên sự biểu hiện của các gen kiểm soát chu kỳ tế bào của tế bào gốc ung thư dạ dày” của Nguyễn Thị Hải Hồng. Việc dự án thay tên người hướng dẫn khi tham gia ISEF và việc ở một địa phương mà có đến ba dự án, đề tài, luận văn cùng chung một nội dung nghiên cứu càng khiến dư luận “tô đậm” thêm nghi vấn đã được đặt ra từ nhiều năm nay: Có bao nhiêu dự án, đề tài đoạt giải trong cuộc thi nghiên cứu KHKT thực sự do học sinh thực hiện?

Nhiều năm trước, mỗi khi danh sách đoạt giải nhất của cuộc thi này được công bố, không ít chuyên gia, người có chuyên môn đã “choáng” khi đọc đến những tên dự án như: “Nghiên cứu chỉ số hóa sinh NT-proBNP trong chẩn đoán và tiên lượng sớm suy tim trên bệnh nhân tăng huyết áp nguyên phát theo phân độ của Hội Tim mạch Hoa Kỳ”, “Tổng hợp các dẫn xuất ester mới của 3-HYDROXY-1-AZOALKENE và đánh giá tiềm năng điều trị ung thư”; “Cải tiến peptit polybia-mpl để ứng dụng trong điều trị ung thư”…

Dự án “Thiết kế, chế tạo máy hút dịch chanh dây bán tự động” của hai học sinh Đắk Lắk là một trong bảy dự án của học sinh Việt Nam tham gia hội thi Khoa học kỹ thuật quốc tế 2022 - ẢNH: ĐÔNG DU
Dự án “Thiết kế, chế tạo máy hút dịch chanh dây bán tự động” của hai học sinh Đắk Lắk là một trong bảy dự án của học sinh Việt Nam tham gia hội thi Khoa học kỹ thuật quốc tế 2022 - ẢNH: ĐÔNG DU
Dự án giành giải nhất Cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia của hai học sinh Trường THPT chuyên Thái Nguyên rất giống với đề tài nghiên cứu của tiến sĩ Nguyễn Phú Hùng và luận văn thạc sĩ của Nguyễn Thị Hải Hồng (ảnh chụp màn hình website Đại học Thái Nguyên)
Dự án giành giải nhất Cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia của hai học sinh Trường THPT chuyên Thái Nguyên rất giống với đề tài nghiên cứu của tiến sĩ Nguyễn Phú Hùng và luận văn thạc sĩ của Nguyễn Thị Hải Hồng (ảnh chụp màn hình website Đại học Thái Nguyên)

Không để con sâu làm rầu nồi canh

Theo tiến sĩ vật lý Nguyễn Thành Nam (giảng viên Học viện Kỹ thuật quân sự), đã phân tích, nghiên cứu về suy tim hay điều trị ung thư thì ít nhất người nghiên cứu phải hiểu về tim mạch và ung thư như một bác sĩ. Tương tự, anh L.K.Q. - người có kinh nghiệm năm năm làm việc về sắc ký - nhận định: Để vận hành thành thạo một hệ thống sắc ký lỏng hiệu năng cao (HPLC), sinh viên mới ra trường cần ít nhất hai tháng. Xử lý số liệu và phương pháp thì còn lâu hơn. Nên với nhận thức, kiến thức và quỹ thời gian ở trường, anh cho rằng rất khó để học sinh phổ thông có thể làm được.

Về dự án đang gây ồn ào, Q.M. - một sinh viên ngành dược - cho biết một lần chị được tham gia một nghiên cứu nhỏ ở trường. Để được tham gia, M. đã phải vượt qua rất nhiều bạn và phải đọc rất nhiều tài liệu. Theo M. để nghiên cứu thuốc thì phải học chuyên sâu. Là một sinh viên dược, M. đánh giá dự án đó không hề dễ. M. ái ngại: “Tôi biết học sinh THPT hiện nay rất giỏi, nhưng không thể nào có thể hiểu rõ về bào chế thuốc được như vậy”. Một học sinh (xin giấu tên) chia sẻ: “Em tham gia cuộc thi trong hai năm, nhưng năm nào cũng vậy, em bị đánh bại bởi những đề tài mang tầm vóc… tiến sĩ”.

Công bằng mà nói, vẫn có không ít dự án vừa thiết thực vừa đúng với tinh thần và lứa tuổi của các em. Ví dụ: “Nghiên cứu điều chế chế phẩm thảo mộc phòng trừ sâu hại rau họ hoa thập tự (Brassicaceae) từ hợp chất cinnamyl acetate trong vỏ cây quế”, “Thiết kế, chế tạo máy hút dịch chanh dây bán tự động”, “Lò hun lá nón an toàn, hiệu quả và thân thiện với môi trường”…

Chính Vũ Hoàng Long - tác giả dự án giành giải nhất cấp quốc gia năm 2018 - 2019 và giải ba tại ISEF 2019 - chia sẻ: “Em đã rất ngạc nhiên về cách tổ chức cuộc thi ISEF - họ không đặt nặng thành tích, dự án của học sinh là những thứ gần gũi, đơn giản chứ không phải là những vấn đề to tát, quá sức học sinh”.

Cuộc thi KHKT để khuyến khích học sinh có đam mê với nghiên cứu, sáng tạo. Nhưng có lẽ bệnh thành tích đã khiến không ít cá nhân, tập thể, địa phương đẩy nó ngày càng xa mục đích ban đầu. Người lớn, cũng vì suất tuyển thẳng những học sinh đoạt giải quốc gia KHKT vào đại học mà biến sự vô tư với KHKT của con em mình thành cuộc chạy đua. Chỉ khi nào cuộc thi không còn mục đích báo cáo thành tích, xét thi đua hay giành vé vào thẳng đại học; khi đó nó mới thực sự là của học sinh, để các em sáng tạo, khám phá cũng như phát triển năng lực.

Theo www.phunuonline.com.vn