Cả loạt lãnh đạo bị xử lý, HOSE siết chặt quản lý cổ phiếu trên sàn

Tài chính ngân hàng - Ngày đăng : 09:39, 26/05/2022

Các cơ quan quản lý siết chặt việc giám sát và xử phạt các doanh nghiệp/cổ phiếu trên thị trường chứng khoán sau những sai phạm của các lãnh đạo sở ban ngành và lãnh đạo các doanh nghiệp niêm yết.

Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) hôm 25/5 công bố quyết định về việc quy định thời gian giao dịch đối với chứng khoán niêm yết thuộc diện bị hạn chế giao dịch tại HOSE. Theo đó, chứng khoán niêm yết thuộc diện bị hạn chế giao dịch tại HOSE chỉ được giao dịch phiên chiều của ngày giao dịch theo phương thức khớp lệnh tập trung và phương thức giao dịch thỏa thuận...

Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký (25/5) và việc sửa đổi, bổ sung Quyết định này do Tổng Giám đốc Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM quyết định sau khi được Chủ tịch Công ty Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM chấp thuận.

Cùng ngày, HOSE cũng thông báo chuyển 3 cổ phiếu “họ FLC” gồm Tập đoàn FLC, Xây dựng ROS và Nông dược HAI từ diện kiểm soát sang diện hạn chế giao dịch kể từ ngày 1/6.

Nguyên nhân khiến 3 cổ phiếu trên bị đưa vào diện hạn chế giao dịch là do tổ chức niêm yết chậm nộp báo cáo tài chính năm 2021 đã được kiêm toán quá 45 ngày so với thời hạn quy định.

Có nhiều sai phạm trên thị trường chứng khoán.

Trong những phiên gần đây, thanh khoán của nhóm cổ phiếu “họ FLC” giảm mạnh cùng với đà đi xuống của giá cổ phiếu. Thanh khoản của FLC chỉ đạt 5-7 triệu đơn vị/ngày, thay vì vài chục triệu cho tới cả trăm triệu đơn vị được chuyển nhượng/phiên thời kỳ sôi động.

Giá cổ phiếu FLC đã giảm khoảng 3 lần kể từ đầu năm xuống 6.600 đồng sau những thông tin về việc bán chui cổ phiếu và sau đó là vụ việc chủ tịch Trịnh Văn Quyết bị khởi tố với cáo buộc "thao túng" và "che giấu thông tin chứng khoán".

Các cổ phiếu HAI và ROS cũng giảm ở mức tương tự, mất 3-4 lần.

Thông báo của FLC cho biết, dự kiến trong phiên họp cổ đông bất thường sắp tới, doanh nghiệp này sẽ trình cổ đông thông qua việc miễn nhiệm chức vụ thành viên hội đồng quản trị (HĐQT) đối với ông Trịnh Văn Quyết và bà Hương Trần Kiều Dung.

Trước đó, bộ 3 cổ phiếu này cũng bị HOSE đưa vào danh sách chứng khoán không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ (margin), đồng thời các công ty chứng khoán cũng bị yêu cầu báo cáo dư nợ vay margin đối với các cổ phiếu thuộc hệ sinh thái FLC Group.

Cũng trong ngày, HOSE thông báo đưa cổ phiếu của CTCP Khai thác và Chế biến Khoáng sản Lào Cai (LCM) vào diện hạn chế giao dịch kể từ ngày 25/5/2022 do chậm nộp báo cáo tài chính năm 2021 đã được kiểm toán quá 45 ngày so với thời hạn quy định.

Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) cũng vừa đưa ra quyết định hạn chế giao dịch trên hệ thống UPCOM đối với 60 cổ phiếu của các tổ chức đăng ký giao dịch chậm công bố Báo cáo tài chính 2021 đã được kiểm toán quá 45 ngày so với thời hạn quy định chung và không có biện pháp khắc phục. Trong đó, có những cái tên như Beton 6, Thủy sản Cadovimex, Đầu tư và Thương mại DIC, Dệt may Vĩnh Phúc, Cơ khí lắp máy Sông Đà, Xây lắp dầu khí Sài Gòn, Xây lắp dầu khí Nghệ An, Xi măng Sông Lam 2, Dầu thực vật Sài Gòn…

HOSE cũng công bố việc hủy niêm yết 60 triệu cổ phiếu PXS của CTCP Kết câu Kim loại và Lắp máy Dầu Khí vì tổ chức kiếm toán có ý kiến kiểm toán ngoại trừ với báo cáo tài chính năm 2019, 2020 và 2021.

Trước đó, HoSE cũng đã đưa ra quyết định hủy niêm yết thêm 4 mã cổ phiếu Quốc tế Hoàng Gia (RIC), Xây dựng Công nghiệp và Dân dụng Dầu khí PVC - IC (PXI), Đầu từ và Phát triển Đức Quân (FTM), Victory Capital (PTL).

Trong đó, RIC, PXI và FTM bị hủy niêm yết vì đã ghi nhận lỗ trong 3 năm liên tiếp 2019-2021 theo báo cáo kiểm toán. Còn RIC đã ghi nhận lỗ trong 3 năm 2019, 2020, 2021.

Các quyết định của HOSE do bà Trần Anh Đào ký. Bà Đào là Phó TGĐ HOSE và được cử phụ trách điều hành HOSE từ 20/5, thay cho Tổng Giám đốc Lê Hải Trà mới bị kỷ luật, khai trừ khỏi Đảng.

Trước đó, trong ngày 19/5, Ủy ban Kiểm tra Trung ương quyết định cảnh cáo Đảng ủy Cơ quan Ủy ban Chứng khoán Nhà nước các nhiệm kỳ 2015 - 2020, 2020 – 2025; Cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng đối với ông Trần Văn Dũng, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Bộ Tài chính, Bí thư Đảng ủy Cơ quan, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.

Cảnh cáo các ông: Vũ Bằng, nguyên Bí thư Đảng ủy Cơ quan, nguyên Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước; Nguyễn Thành Long, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Bộ Tài chính, Bí thư Đảng ủy Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam; Nguyễn Sơn, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam.

Sáng 20/5, Bộ Tài chính cũng đã giao Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi trực tiếp phụ trách, chỉ đạo, điều hành Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sau khi Bộ trưởng ký quyết định cách chức Chủ tịch đối với ông Trần Văn Dũng do đã có vi phạm, khuyết điểm nghiêm trọng trong công tác.

Tạo đáy ngắn hạn

Theo MBS, thị trường có phiên tăng thứ 2 liên tiếp trong chuỗi tăng 5/7 phiên gần nhất, kể từ mức đáy ngày 17/5 Vn-Index đã tăng hơn 109 điểm, tương đương tăng 9,46%, đây đang là nhịp phục hồi tốt nhất kể từ đầu tháng 4. Qua đó củng cố khả năng tạo đáy ngắn hạn, thậm chí có thể thị trường đã tạo đáy thứ 2 thành công ở vùng 1.210 -1.250 điểm. Đà phục hồi của thị trường đang được hỗ trợ bởi dòng tiền đã lên mức cao nhất trong 8 phiên vừa qua, bên cạnh đó dẫn dắt thị trường đi lên là nhóm cổ phiếu ngân hàng.

Theo VDSC, sau nhiều phiên diễn biến với thanh khoản thấp kết hợp với tín hiệu hồi phục nhanh vào cuối phiên trước, thị trường đã phá vỡ trạng thái giằng co và vụt tăng. Thanh khoản tăng so với các phiên trước, cho thấy dòng tiền có động thái gia tăng mức độ tham gia và thị trường xuất hiện tín hiệu bùng nổ theo đà. Với tín hiệu này, nhịp sóng hồi phục từ vùng 1.157 điểm của VN-Index đã được củng cố. Dự kiến nhịp hồi phục này sẽ tiếp diễn trong ngắn hạn, nhưng tạm thời có thể thị trường sẽ tranh chấp mạnh khi bước vào vùng cản gần là 1.280 – 1.300 điểm.

Chốt phiên giao dịch chiều 25/5, chỉ số VN-Index tăng 35,05 điểm lên 1.268,43 điểm. Chỉ số HNX-Index của sàn Hà Nội tăng 8,96 điểm lên 314,91 điểm. Upcom-Index tăng 1,66 điểm lên 94,78 điểm. Thanh khoản đạt tổng cộng 19,4 nghìn tỷ đồng, trong đó có 16,6 nghìn tỷ đông trên sàn HOSE.

V. Hà