"Taxi chặt chém hành khách chỉ là con sâu làm rầu nồi canh"

Xã hội - Ngày đăng : 07:00, 26/05/2022

Ông Nguyễn Công Hùng - Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội cho rằng, những trường hợp taxi "chặt chém" hành khách trong thời gian vừa qua đều là taxi dù và đây chỉ là "con sâu làm rầu nồi canh".

"Con sâu làm rầu nồi canh"

Thời gian vừa qua, tại Hà Nội liên tục xảy ra những trường hợp tài xế taxi gây bão mạng, bức xúc trong dư luận vì những hành vi vi phạm pháp luật, kém đạo đức như "chặt chém" hành khách, "nhảy đồ" của khách....

Đơn cử trong ngày 19/5, tại Hà Nội xảy ra liên tiếp 2 vụ taxi "chặt chém" hành khách, sự việc sau đó đều được người dân đăng tải lên mạng xã hội. Điều đáng nói là trong cả 2 vụ này, hành khách bị "chặt chém" đều là những người đang gặp hoàn cảnh éo le, đang đưa người thân đi khám chữa bệnh. Như cặp vợ chồng nghèo ở Sơn La, gom góp, vay mượn mãi mới 1 triệu đồng làm lộ phí đưa con trai xuống Hà Nội khám mắt thì đã bị lái xe taxi "chặt chém" mất 500.000 đồng.

Trước đó, ngày 5/5, hai nữ du khách người Nga sang Việt Nam du lịch cũng đã bị một lái xe taxi chiếm đoạt 2 chiếc điện thoại.

Trao đổi với PV Dân trí về luồng quan điểm "taxi làm xấu mặt Hà Nội", ông Nguyễn Công Hùng - Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội - khẳng định, thời gian qua liên tiếp xuất hiện những trường hợp lái xe taxi có hành vi "chặt chém" hay thậm chí là "nhảy đồ" của hành khách, đây đều là những trường hợp taxi dù và là những trường hợp "con sâu làm rầu nồi canh".

Nói về vụ việc một lái xe taxi được cho là của hãng taxi Thanh Nhàn, có hành vi chặt chém khách số tiền 500.000 đồng cho 14km ở Hà Nội, sau đó lái xe này đã bị hãng đuổi việc..., ông Hùng cho hãng taxi Thanh Nhàn không phải thành viên của Hiệp hội Taxi Hà Nội.

Theo ông Hùng, trước đây Hiệp hội Taxi Hà Nội có 114 doanh nghiệp kinh doanh vận tải taxi và có 17.260 xe nhưng sau 2 năm đại dịch Covid-19 bùng phát, hiện chỉ còn khoảng 61 doanh nghiệp và 9.000 xe.

Ngoài ra, Hiệp hội Taxi Hà Nội chỉ có vai trò kết nối các doanh nghiệp kinh doanh vận tải taxi để họ cùng nhau phổ biến các hình thức kinh doanh tuân thủ theo luật pháp, cùng nhau hướng dẫn việc kinh doanh vận tải... chứ đơn vị không có thẩm quyền và chế tài xử lý các trường hợp lái xe hoặc thành viên vi phạm.

"Chúng tôi chỉ là đơn vị kết nối các doanh nghiệp kinh doanh vận tải, việc quản lý, xử lý các trường hợp taxi dù hay thậm chí là các đơn vị kinh doanh vận tải thì phải nói đến vai trò quản lý của nhà nước. Trong đó có vai trò quản lý của các cơ quan địa phương để giám sát các thủ tục hành chính, các văn bản quy phạm pháp luật", ông Hùng nói.

Taxi chặt chém hành khách chỉ là con sâu làm rầu nồi canh - 1

Ông Nguyễn Công Hùng - Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội (Ảnh: Đại Đoàn Kết).

Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội cho biết thêm, về trách nhiệm thì cơ quan quản lý nhà nước phải có quá trình hậu kiểm đối với các doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh vận tải taxi. Cụ thể đối với doanh nghiệp kinh doanh vận tải khách bằng taxi thì phải có bảng giá cước để niêm yết, đồng hồ tính tiền phải được kiểm định, dán tem niêm phong.

Cũng theo ông Hùng, tình trạng taxi dù "chặt chém" hành khách không mới, trước đây đã từng diễn ra. Sau khi nhận được thông tin phản ánh, Hiệp hội Taxi Hà Nội đã có rất nhiều văn bản gửi cơ quan quản lý nhà nước, Sở Giao thông vận tải Hà Nội và các hội viên yêu cầu các thành viên trong hội chấp hành tuân thủ thật tốt các quy định của nhà nước về giá cước taxi.

Khi các đơn vị kinh doanh vận tải taxi trong hội muốn điều chỉnh giá cước, phải xin phép, báo cáo với các cơ quan quản lý tại địa phương, cơ quan quản lý đơn vị mình. Tiếp đó, phải có đơn vị kiểm định đồng hồ tính cước và bảng giá cước phải được niêm yết công khai.

Cách tránh taxi dù

Để giúp người dân có thể dễ dàng nhận biết các loại taxi công nghệ, taxi truyền thống chính hãng, tránh nhầm lẫn với các loại taxi dù, ông Hùng gợi ý, người dân nên chú ý quan sát trước khi lên xe. Ví dụ, với taxi công nghệ thì mặt trước, mặt sau xe phải dán chữ xe taxi bằng chất liệu phản quang và khi tính tiền cước thì tính bằng phần mềm dựa trên quãng đường, số km lăn bánh trên bản đồ số. Ngoài ra, xe taxi công nghệ phải dán cố định phù hiệu do Sở Giao thông vận tải địa phương cấp.

Đối với loại xe taxi chính hãng, ông Hùng gợi ý người dân nên chọn xe có gắn hộp đèn trên nóc và có bảng giá cước niêm yết bên ngoài xe theo kích thước quy định. Đặc biệt hiện nay các doanh nghiệp kinh doanh taxi đều có màu sơn đặc trưng riêng và cũng phải dán phù hiệu do Sở Giao thông vận tải cấp, được cố định phía trước xe. Ngoài ra, mỗi xe taxi đều có tổng đài điều hành kiểm soát hàng ngày để giải quyết các công việc phát sinh.

Theo ông Hùng, người chạy taxi dù thường tập trung tại các bến tàu, bến xe, trước cổng bệnh viện, tụ điểm vui chơi giải trí...

"Trong đồng hồ tính cước trên taxi dù có lắp cả chip làm thay đổi giá cước xe, khi tài xế đạp mạnh chân ga hay đi quãng đường gồ ghề... giá cước cũng có thể nhảy vọt", ông Hùng chia sẻ.

Taxi chặt chém hành khách chỉ là con sâu làm rầu nồi canh - 2

Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội cho rằng, cơ quan quản lý nhà nước cần xử lý nghiêm vấn nạn taxi dù để không làm ảnh hưởng đến an ninh trật tự xã hội, làm mất quyền lợi của khách hàng, các các hãng xe taxi khác (Tranh minh họa ItPark).

Ông Hùng lấy dẫn chứng, hiện nay các loại taxi dù rất dễ nhái thương hiệu của taxi chính hãng. Ví dụ một hãng taxi khi thanh lý xe cũ vẫn giữ nguyên màu sơn đặc trưng của hãng. Các cá nhân mua lại xe cố tình nhập nhèm để gây hiểu lầm cho hành khách. Khi có chuyện xảy ra thì chính hãng taxi bị nhái lại mang tiếng xấu.

Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội cho rằng, trong giai đoạn sắp tới, các cơ quan quản lý nhà nước cần làm chặt chẽ hơn trong việc quản lý taxi.

"Hiện nay các đơn vị kinh doanh vận tải đã có biển số màu vàng, nhưng vẫn có một số cá nhân, đơn vị không chịu đổi sang biển màu vàng thì đơn vị quản lý sẽ xử lý ra sao? Thiết nghĩ chúng ta phải áp dụng chế tài xử lý thật nghiêm khắc, không thể để những trường hợp này làm ảnh hưởng đến an ninh trật tự xã hội, làm mất quyền lợi của khách hàng và của các hãng xe taxi làm ăn chân chính", ông Hùng nhấn mạnh.

Trần Thanh