Sửa đổi Luật Đất đai năm 2013 sẽ giúp Phú Yên phát huy tốt nguồn lực đất đai
Kinh doanh - Ngày đăng : 06:09, 26/05/2022
Phóng viên Báo TN&MT đã có cuộc phỏng vấn ông Đặng Ngọc Anh - Giám đốc Sở TN&MT Phú Yên về vấn đề này.
PV: Ông có thể cho biết những tiềm năng và lợi thế về đất đai của tỉnh Phú Yên trong giai đoạn hiện nay?
Ông Đặng Ngọc Anh:
Qua kết quả thống kê đất đai năm 2020, tổng diện tích tự nhiên toàn tỉnh Phú Yên là 502.596ha. Trong đó, diện tích đất nông nghiệp là 428.213ha, chiếm 85,20% diện tích tự nhiên; đất phi nông nghiệp là 56.601ha, chiếm 11,26% diện tích tự nhiên; đất chưa sử dụng là 17.782ha, chiếm 3,54% diện tích tự nhiên, chủ yếu là đất đồi chưa sử dụng và có 2.216,7ha đất có mặt nước biển đang được sử dụng vào mục đích nuôi trồng thủy sản và mục đích khác.
Nhìn chung tình hình quản lý, sử dụng đất trên địa bàn tỉnh Phú Yên ổn định, đúng theo quy định của pháp luật về đất đai và đảm bảo các chỉ tiêu sử dụng đất đến năm 2020 được Chính phủ phân bổ. Đặc biệt đối với đất trồng lúa đảm bảo an ninh lương thực; đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng, đảm bảo an ninh, quốc phòng, bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu.
PV: Thời gian qua, tỉnh Phú Yên đã thực hiện quản lý đất đai theo quy định Luật Đất đai năm 2013 như thế nào? Ông có thể cho biết những khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý đất đai tại địa phương?
Ông Đặng Ngọc Anh:
Thực hiện Nghị quyết số 19 và thi hành Luật Đất đai năm 2013, tỉnh Phú Yên đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp, tạo tác động mạnh mẽ đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội của tỉnh. Hiệu quả sử dụng các loại đất được nâng cao, quản lý Nhà nước về đất đai dần trở thành công cụ điều hành, định hướng và có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Thực hiện triển khai thi hành Luật Đất đai năm 2013, UBND tỉnh Phú Yên đã xây dựng Chỉ thị, Kế hoạch triển khai thi hành Luật Đất đai, chương trình hành động, chỉ thị thực hiện, tăng cường công tác quản lý đất đai trên địa bản tỉnh, như: Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, cải cách thủ tục hành chính và tổng kết thi hành Luật Đất đai, đánh giá mặt được, mặt hạn chế, có giải pháp chỉ đạo thực hiện tốt hơn nhằm khai thác nguồn lực đất đai cho việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Tuy nhiên, vẫn còn có nhiều hạn chế, khó khăn, bất cập, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện Nghị quyết 19 cũng như thi hành Luật Đất đai năm 2013 của tỉnh Phú Yên như: Công tác quản lý địa phương còn chưa chặt chẽ, buông lỏng, chưa quyết liệt, chưa tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra kịp thời phát hiện, xử lý các vi phạm về sử dụng đất sai mục đích, tự ý xây dựng nhà ở, công trình, sử dụng đất không đúng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, tự ý chuyển nhượng, chuyển quyền không đủ điều kiện chuyển nhượng, chuyển quyền làm cho thị trường bất động sản tăng cao, giá ảo, đầu cơ gây khó khăn trong công tác quản lý Nhà nước về đất đai, giá đất, bồi thường và điều tiết thị trường.
PV: Sở TN&MT tham mưu với UBND tỉnh Phú Yên về việc sửa đổi Luật Đất đai năm 2013 như thế nào để phù hợp với điều kiện thực tế tại dịa phương, thưa ông?
Ông Đặng Ngọc Anh:
Sở cũng đã tham mưu UBND tỉnh kiến nghị sửa đổi, điều chỉnh, bổ sung chính sách, pháp luật liên quan, thủ tục hành chính đồng bộ, tinh gọn, xử lý một số phát sinh, bất cập trong thực tiễn, để giải quyết đảm bảo quy định pháp luật. Chỉ đạo tăng cường công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra kịp thời đôn đốc, hướng dẫn hoặc xử lý nghiêm các vi phạm, khắc phục (nếu có), đảm bảo việc quản lý chặt chẽ, triển khai dự án góp phần phát triển kinh tế - xã hội.
Kiến nghị Trung ương xem xét, có cơ chế sửa đổi, điều chỉnh, bổ sung chính sách, pháp luật đất đai, pháp luật khác có liên quan, thủ tục hành chính đồng bộ, xử lý một số phát sinh, bất cập trong thực tiễn, để giải quyết đảm bảo quy định pháp luật. Phân cấp cho UBND cấp tỉnh xử lý, giải quyết các vi phạm sau Kết luận thanh tra, kiểm tra để đảm bảo phù hợp tình hình thực tế địa phương, hài hòa, tránh thất thoát ngân sách Nhà nước. Trong quá trình thực hiện thực tiễn, có vướng mắc, bất cập đề nghị Bộ TN&MT quan tâm, hướng dẫn, tháo gỡ để thực hiện theo quy định.
PV: Theo ông, việc sửa đổi Luật Đất đai năm 2013 sẽ tạo sự thay đổi cũng như động lực phát huy tối đa nguồn lực từ đất cho tỉnh Phú Yên phát triển trong thời kỳ mới như thế nào?
Ông Đặng Ngọc Anh:
Việc sửa đổi Luật Đất đai năm 2013 sẽ tạo điều kiện cho tỉnh Phú Yên phát huy tốt hơn nguồn lực đất đai cho phát triển kinh tế, góp phần ổn định chính trị - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh; bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu; bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, người sử dụng đất, nhà đầu tư; đẩy mạnh sử dụng có hiệu quả các công cụ về kinh tế, tài chính trong quản lý đất đai; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về đất đai; hoàn thiện, nâng cao chất lượng quy hoạch sử dụng đất của các cấp; củng cố, hoàn thiện hệ thống tổ chức bộ máy quản lý đất đai tập trung, đồng bộ, thống nhất; ưu tiên đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu, hạ tầng thông tin đất đai hiện đại; tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước, hệ thống chính trị, các hội, đoàn thể cùng toàn dân trong thực hiện chính sách, pháp luật về đất đai.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!