Hút mỡ làm đẹp, chị em có thể trả giá bằng tính mạng

Tin Y tế - Ngày đăng : 21:02, 01/05/2019

Thấy mình quá béo nhiều phụ nữ đã đi hút mỡ làm đẹp nhưng không biết loại phẫu thuật cũng ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng.

Hút mỡ chống chỉ định với nhiều người

Thực tế không ít người nhầm tưởng rằng, cứ thừa mỡ, thừa cân là có thể đi hút mỡ làm đẹp. Tuy nhiên, theo bác sĩ chuyên khoa rất nhiều người chống chỉ định với việc hút mỡ. Hút mỡ để phục hồi dáng là phương pháp tốt cho những ai có thân hình đẫy đà nhưng phần lớn những người này sau khi thực hiện hút mỡ lại không đủ kiên nhẫn tập luyện, ăn kiêng.

Hút mỡ được xem là giải pháp tối ưu với tình trạng thừa cân nhưng không là phương pháp dành cho tất cả mọi người. Đặc biệt, chống chỉ định với những người thừa cân, lượng mỡ toàn thân quá nhiều; Người bị tiểu đường, tim mạch, máu khó đông; Người có cơ địa da bị rạn nứt quá nhiều, khi thực hiên hút mỡ càng khiến da biến dạng chảy xệ hơn; Phụ nữ sau sinh 12 tháng mới được hút mỡ bụng.

Nhiều người nghiến răng làm đẹp nhưng hiệu quả không đượcnhư mong muốn.Ảnh minh họa

Nhiều người nghiến răng làm đẹp nhưng hiệu quả không được như mong muốn.Ảnh minh họa

Căn cứ vào từng trường hợp cụ thể để bác sĩ quyết định hút mỡ bao nhiêu. Hút mỡ quá nhiều, vùng da đó sẽ bị lồi lõm, mất tự nhiên. Thậm chí, có thể bị hạ huyết áp, hạ đường huyết, nguy hại đến tính mạng do mất mỡ quá nhiều.

Hút mỡ cần đến kỹ thuật gây mê hoặc gây tê nên theo quy định của Bộ Y tế hút mỡ phải được thực hiện ở bệnh viện đạt chuẩn y tế về vô khuẩn, vô trùng, có các phương tiện hỗ trợ hồi sức cấp cứu khi xảy ra tai biến. Bệnh nhân phải được phải kiểm tra sức khỏe tổng quát trước khi bác sĩ quyết định có hút mỡ được hay không?

Có thể xảy ra biến chứng chảy máu, tắc mạch phổi, suy hô hấp

Chị Nguyễn Thị Bình (phố hàng Bông, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) chia sẻ: “Tôi bị phá dáng sau sinh, nặng tời 80kg trong khi trước sinh chỉ 50- 55kg. Sinh con hơn 3 năm vẫn khó lấy lại dáng nên tôi quyết định đi hút mỡ, bóc tách mỡ ở địa chỉ cũng được coi là uy tín tại Hà Nội nhưng sau đó tôi liên tục bị hạ huyết áp, người rất yếu. Có lần suýt chết vì ở nhà một mình bị tụt huyết áp đột ngột không kịp xử lý. Đi khám bác sĩ cho biết, tôi bị lấy quá nhiều mỡ, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe”.

Cũng muốn đẹp nhanh bà Lê Hồng Thoan (phố Đào Tấn, quận Cầu Giấy, Hà Nội) cũng đi hút mỡ làm đẹp tuy nhiên sau đó béo vẫn hoàn béo. Bà Thoan chia sẻ: “Tôi khá lười tập thể dục, ăn uống cũng không kiêng được nhưng lại muốn đẹp nhanh đi hút mỡ bụng nhưng sau đó lại đâu vào đấy. Thậm chí, xấu đi vì bụng bụng bị lồi lõm, nổi cục và vòng hai bây giờ có khi còn to hơn lúc chưa đi hút mỡ”.

ThS, BS Trần Thị Nga, Giảng viên Bộ môn Tạo hình thẩm mỹ, ĐH Y dược Tp. Hồ Chí Minh cho rằng, hút mỡ không phải là phương pháp để giảm cân. Hút mỡ chỉ đạt kết quả tốt nhất khi bệnh nhân có cân nặng ổn định gần với mức cân nặng lý tưởng và được thực hiện với mục đích chỉnh sửa các đường cong cơ thể.

Trong cơ thể người trưởng thành lượng mỡ là cố định. Hút mỡ là phương pháp bỏ bớt mỡ thừa nhưng tế bào mỡ tích trữ tối đa phồng to gấp 50 lần so với thể tích tế bào ở trạng thái bình thường. Do vậy, sau khi hút mỡ, nếu bệnh nhân tăng cân thì các tế bào mỡ sẽ phồng to hơn nữa, làm chiều dày lớp mỡ tăng trở lại. Tổ chức xơ sẹo chỗ hút mỡ, làm da đàn hồi kém sẽ gây hiện tượng lồi lõm, rất mất thẩm mỹ, BS Nga khuyến cáo.

Trong khi đó, người quá béo thường mắc các bệnh tăng mỡ máu, huyết áp, suy tim, suy hô hấp, giãn, tắc tĩnh mạch... Nếu hút mỡ nguy cơ mắc các biến chứng sẽ khá nặng, chẳng hạn như biến chứng chảy máu, tắc mạch phổi, suy hô hấp sau mổ...

Muốn cải thiện vóc dáng cơ thể, cần thực hiện chế độ ăn hợp lý, tập luyện đúng cách. Khi cân nặng đã ổn định, sức khỏe tốt mới nên tiến hành hút mỡ. Ngược lại nếu không đủ quyết tâm thực hiện giảm cân mà chỉ muốn can thiệp phẫu thuật để giảm cân tức thời thì nên từ bỏ ý định. Vì việc lấy lại vóc dáng bằng cách bóc tách mỡ không bền nếu chủ nhân sau phẫu thuật buông xuôi ăn uống, tập luyện.

Theo Kỳ Anh