Thượng đỉnh nhóm Bộ tứ: Trật tự quốc tế là luật pháp quốc tế, tranh chấp phải được giải quyết hòa bình

Đối ngoại - Ngày đăng : 19:20, 25/05/2022

Các nước thành viên nhóm Bộ tứ đã thể hiện được tiếng nói chung trong nhiều vấn đề khu vực và quốc tế, cho thấy những lộ trình thể chế hóa đầu tiên diễn ra suôn sẻ.
kết quả quan trọng của Hội nghị thượng đỉnh nhóm Bộ tứ
Lãnh đạo các nước thành viên đã có nhiều điểm đồng tại Thượng đỉnh nhóm Bộ tứ tại Tokyo ngày 24/5. (Nguồn: AP)

Lập trường được thống nhất

Thông cáo báo chí của Nhà Trắng ngày 24/5 về Tuyên bố chung của Hội nghị thượng đỉnh nhóm Bộ tứ được tổ chức tại Tokyo (Nhật Bản) đã nêu bật sự thống nhất lập trường của các nước thành viên Mỹ, Nhật Bản, Australia và Ấn Độ về hàng loạt vấn đề quốc tế và khu vực, cũng như khẳng định cam kết đối với một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở.

Theo thông cáo, các nhà lãnh đạo nhóm Bộ tứ khẳng định, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn đang gây thiệt hại về con người và kinh tế trên toàn thế giới, cuộc xung đột Nga-Ukraine và xu hướng hành động đơn phương của các quốc gia, nhóm Bộ tứ duy trì sự ủng hộ mạnh mẽ đối với những nguyên tắc tự do, pháp quyền, các giá trị dân chủ, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, giải quyết tranh chấp một cách hòa bình mà không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực, không có các nỗ lực đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng cũng như tự do hàng hải và hàng không.

Nhóm Bộ tứ nhấn mạnh những yếu tố này rất cần thiết cho hòa bình, ổn định và sự thịnh vượng của khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và thế giới. Nhóm Bộ Tứ sẽ tiếp tục hành động cùng nhau một cách quyết đoán để thúc đẩy các nguyên tắc này trong và ngoài khu vực. Các nhà lãnh đạo tái khẳng định quyết tâm duy trì trật tự quốc tế dựa trên luật lệ.

Tuyên bố chung có đoạn: “Các nhà lãnh đạo nhóm Bộ tứ nhắc lại quyết tâm mạnh mẽ trong việc duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực. Chúng tôi nhấn mạnh một cách dứt khoát rằng, trọng tâm của trật tự quốc tế là luật pháp quốc tế, bao gồm cả Hiến chương Liên hợp quốc, tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của tất cả các quốc gia. Chúng tôi cũng nhấn mạnh rằng tất cả các nước phải tìm cách giải quyết hòa bình những tranh chấp phù hợp với luật pháp quốc tế”.

Theo Tuyên bố chung, nhóm Bộ tứ cam kết hợp tác với các đối tác trong khu vực có chung tầm nhìn về một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở và tái khẳng định sự ủng hộ vững chắc đối với sự thống nhất và vai trò trung tâm của ASEAN cũng như việc triển khai thực tế Tầm nhìn ASEAN về khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Nhóm Bộ tứ cũng ủng hộ việc tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt là những luật lệ được quy định trong Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 và việc duy trì tự do hàng hải và hàng không để giải quyết những thách thức đối với trật tự hàng hải dựa trên luật lệ, bao gồm cả ở Biển Hoa Đông và Biển Đông.

Bên cạnh đó, nhóm Bộ tứ cực lực phản đối bất kỳ hành động ép buộc, khiêu khích hoặc đơn phương nào nhằm thay đổi hiện trạng và gia tăng căng thẳng trong khu vực.

Về đại dịch Covid-19 và vấn đề an ninh y tế toàn cầu, nhóm Bộ tứ đã và sẽ tiếp tục dẫn đầu các nỗ lực toàn cầu về ứng phó với Covid-19 nhằm xây dựng an ninh y tế tốt hơn và tăng cường hệ thống y tế.

Về vấn đề cơ sở hạ tầng, nhóm Bộ tứ khẳng định cam kết chung trong việc tăng cường hợp tác trong lĩnh vực này, vốn là yếu tố quan trọng để thúc đẩy năng suất và sự thịnh vượng ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Đối với vấn đề khí hậu, tuyên bố chung khẳng định: “Nhận thức được nhu cầu cấp thiết trong việc giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, như đã nhấn mạnh trong các báo cáo mới nhất của Ủy ban Liên chính phủ Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (IPCC), chúng tôi sẽ kiên định thực hiện Thỏa thuận Paris 2015 về chống biến đổi khí hậu và thực hiện các kết quả của Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26)".

Ngoài ra, Tuyên bố chung cũng đề cập một số vấn đề khác và kết luận rằng, với tầm nhìn chung về một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở, nhóm Bộ tứ tiếp tục nhấn mạnh tầm quan trọng của các giá trị và nguyên tắc cơ bản, đồng thời cam kết nỗ lực không ngừng để mang lại kết quả hữu hình cho khu vực.

Thể chế hóa, chương trình làm việc mở rộng

Quan sát Hội nghị thượng đỉnh nhóm Bộ tứ lần này, Giáo sư Carl Thayer, thuộc Học viện Quốc phòng Australia, Đại học New South Wales đã nêu bật 5 kết quả quan trọng mà hội nghị đạt được.

Kết quả đầu tiên là nhóm Bộ tứ đã được thể chế hóa với hội nghị thượng đỉnh lần thứ tư này và cũng là cuộc họp trực tiếp lần thứ hai của các nhà lãnh đạo 4 nước thành viên. Hai nhà lãnh đạo mới, Thủ tướng Kishida Fumio của Nhật Bản và Thủ tướng Anthony Albanese của Australia, đều tuyên bố tiếp tục ủng hộ nhóm. Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 5 sẽ được tổ chức tại Australia vào năm tới.

Kết quả thứ hai là chương trình làm việc ban đầu của nhóm Bộ tứ đã được mở rộng và đi sâu hơn. Điều này được phản ánh trong Tuyên bố chung của lãnh đạo nhóm, bao gồm 9 lĩnh vực chính để thúc đẩy hợp tác.

Kết quả thứ ba là các nhà lãnh đạo nhóm Bộ tứ đã xem xét nhiều vấn đề khác nhau vốn đang làm ảnh hưởng đến hòa bình và an ninh khu vực, đặc biệt là thảo luận về cách phản ứng khác nhau của các nước thành viên trong nhóm đối với cuộc xung đột ở Ukraine và tác động đối với khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Kết quả thứ tư là các nhà lãnh đạo nhóm Bộ tứ tuyên bố rõ hơn về sự ủng hộ của họ đối với chủ nghĩa đa phương bằng cách tái khẳng định “sự ủng hộ vững chắc đối với sự đoàn kết và trung tâm của ASEAN, cũng như việc thực hiện Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương”.

Kết quả thứ năm là ngoài việc tăng cường hợp tác trong 9 lĩnh vực được nêu trong Tuyên bố chung, các nhà lãnh đạo của nhóm đã đưa ra 4 sáng kiến mới: Đối tác Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương về Nhận thức Hàng hải (IPMDA); Gói Thích ứng và giảm nhẹ biến đổi khí hậu (Q-CHAMP); Quan hệ đối tác về Hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương,...

Giáo sư Thayer lưu ý rằng, sáng kiến IPMDA có ý nghĩa an ninh hàng hải sâu rộng vì nó cung cấp thông tin gần thời gian thực từ nhiều cảm biến về hoạt động của tàu hải quân ở Ấn Độ Dương, Đông Nam Á và Thái Bình Dương. Điều này sẽ giúp tăng cường năng lực cho các trung tâm tổng hợp trong khu vực và cho phép theo dõi sự “di chuyển đen" của các tàu tắt Hệ thống nhận dạng tự động và theo dõi các tàu đánh bắt cá bất hợp pháp, không được báo cáo và không được kiểm soát.

Sáng kiến IPMDA cũng sẽ cung cấp một bức tranh đáng tin cậy về các tàu dân quân biển của Trung Quốc và các hạm đội của nước này tham gia đánh bắt cá trái phép trong các Vùng đặc quyền Kinh tế của các quốc gia ven biển.

Hà Phương (tổng hợp)