Tiền vào nhiều, cổ phiếu tăng vọt, buổi chiều hy vọng của chứng khoán
Tài chính ngân hàng - Ngày đăng : 15:41, 25/05/2022
Áp lực bán ngày càng giảm, trong khi sức cầu bắt đáy trên thị trường chứng khoán tăng dần đều, qua đó giúp đa số các cổ phiếu tăng giá và chỉ số VN-Index có thêm một phiên bứt phá. Rủi ro vẫn còn nhiều nhưng triển vọng kinh tế Việt Nam tốt.
Đồng loạt tăng mạnh
Dòng tiền bắt đáy đổ mạnh vào một số cổ phiếu chủ chốt trong đó có FPT của ông Trương Gia Bình, Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) của bà Cao Thị Ngọc Dung, Thế giới Di Động (MWG) của ông Nguyễn Đức Tài, Vinamilk (VNM) của bà Mai Kiều Liên và nhóm cổ phiếu ngân hàng.
Sức cầu không thực sự lớn nhưng áp lực bán ra khá thấp. Đây là yếu tố giúp nhiều cổ phiếu tăng mạnh.
Tính đến 14h12 phiên 25/5, cổ phiếu FPT tăng trần lên 105.000 đồng/cp với dư mua giá trần còn khá lớn. Trong khi đó, PNJ cũng tăng hết biên độ lên 115.400 đồng/cp. Cổ phiếu MWG của Thế Giới Di Động tăng 7.000 đồng lên 140.000 đồng/cp.
Cổ phiếu bán lẻ tiêu dùng Masan (MSN) của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang cũng tăng ấn tượng thêm 1.800 đồng lên 110.800 đồng/cp.
Trong nhóm VN-30, chỉ có 4 cổ phiếu giảm giá. Trong đó, Tập đoàn Hòa Phát (HPG) giảm nhẹ sau khi chủ tịch Trần Đình Long có những dự báo bi quan về lợi nhuận của doanh nghiệp đầu ngành thép Việt Nam trong các quý cuối năm. VietJet (VJC) của nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo và Sabeco SAB của người Thái giảm nhẹ. Cổ phiếu Bất động sản Phát Đạt (PDR) cũng giảm chút ít.
Chốt phiên 25/5, VN-Index tăng hơn 35 điểm lên gần 1.270 điểm.
Thị trường diễn biến khá tích cực khi thanh khoản tăng khá so với các phiên trước với riêng sàn HOSE đã đạt khoảng 16,6 nghìn tỷ đồng. Mốc tỷ USD cho cả thị trường vẫn còn xa nhưng dòng tiền đổ vào được cho là dòng tiền thật.
Thị trường cổ phiếu diễn biến tích cực phiên thứ 2 liên tiếp trong bối cảnh nhiều đánh giá cho rằng cổ phiếu Việt đã xuống mức hấp dẫn nhất trong nhiều năm qua và thuộc hàng thấp trong khu vực, trong khi nền tảng kinh tế Việt Nam được đánh giá vững chắc.
Theo Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) tại Việt Nam Andrew Jeffries, bất chấp những khó khăn, thách thức từ đại dịch Covid-19, thị trường tài chính của Việt Nam vẫn duy trì khả năng phục hồi trong năm 2021 và 2022 nhờ nền tảng kinh tế vững chắc.
Nền kinh tế Việt Nam dự kiến sẽ phục hồi mạnh mẽ vào năm 2022 và dự kiến sẽ tăng trưởng cao hơn nữa vào năm 2023. Trong năm 2022, tăng trưởng có thể đạt 5,5-6% (kịch bản cơ sở) và cao hơn trong năm 2023. Tuy nhiên, lạm phát tăng khá mạnh, có thể lên mức 3,8-4,2% năm 2022 và duy trì mức 4% năm 2023.
Cũng theo ADB, thị trường cổ phiếu dự báo sẽ có những điều chỉnh cần thiết, đi vào ổn định hơn, lành mạnh hơn, với VN-Index có thể tăng nhẹ (+ 8% đạt 1.610 điểm, theo kịch bản tích cực) hoặc giảm nhẹ (-4% về mức 1.440 điểm, theo kịch bản tiêu cực).
Chia sẻ trên trang cá nhân, ông Huỳnh Minh Tuấn - Founder FIDT, lượng margin ở các công ty chứng khoán đã giảm mạnh trong 2 tháng qua, hàng chục ngàn tỷ đồng vay margin đã được giải phóng.
Kinh tế tích cực, còn rủi ro tài chính
Gần đây, có nhiều đánh giá cho rằng cổ phiếu Việt hấp dẫn sau đợt giảm mạnh từ đầu tháng 4 với tổng mức giảm lên tới 21-22%.
Trong báo cáo mới đây, Chứng khoán FPTS cho biết định giá P/E của VNIndex đang ở mức 13,4x giảm mạnh so thời điểm cuối với quý 1/2022 (ngày 31/03/2022, P/E = 16,2x) . Định giá P/E hiện tại thấp hơn so với mức định giá trung bình 10 năm (15,0x) và đang tiệm cận đường P/E trung bình 10 năm trừ 1 độ lệch chuẩn (12,7x). Như vậy, so với các thị trường khu vực Đông Nam Á, mức định giá hiện tại của VNIndex đang thấp nhất.
Còn theo Dragon Capital, nền kinh tế vĩ mô Việt Nam vẫn ổn định, có tiềm năng tăng trưởng và định giá thị trường thấp. Định giá thị trường hiện ở mức 11.x lần, thấp hơn mức trung bình 12 năm.
Pyn Elite Fund cũng có những nhận định tương tự.
Ông Dương Văn Chung, Giám đốc Sở Giao dịch 1, Công ty Chứng khoán MB (MBS) chia sẽ trên trang cá nhân cho rằng, thị trường đã xác lập đáy đúng như dự báo ở mức 1160 +/- 5 và hiện tại đã lên trở lại ngưỡng 1.258 điểm. Chuyên gia này mạnh dạn dự báo đỉnh sóng hồi này vào khoảng 1.330 +/- 5 và khả năng cao là 1327. Trước 1327 sẽ có 1 cái đỉnh giả tại 1300, điều chỉnh khoảng 30 điểm rồi sau đó phi lên 1327 và tạo đỉnh tại đây trong 2 tuần đầu tháng 6.
Theo ADB, thị trường tài chính Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ sự phục hồi kinh tếi, cùng với tác động từ những chính sách, biện pháp chấn chỉnh thị trường của Chính phủ và các cơ quan chức năng, thị trường được kỳ vọng sẽ phát triển ổn định, lành mạnh và bền vững hơn.
Theo ADB, nhóm ngân hàng được kỳ vọng có lợi nhuận toàn ngành tăng trưởng bình quân khoảng 20-25% so với năm 2021 với tăng trưởng tín dụng dự kiến đạt mức 14-15%. Vấn đề hoàn thiện thể chế (gồm cả cơ chế xử lý nợ xấu, quản lý mô hình kinh doanh mới…), phối hợp chính sách kiểm soát ổn định vĩ mô (lạm phát, tỷ giá, mặt bằng lãi suất…), tăng vốn, chuyển đổi số và thực hiện Chương trình phục hồi của hệ thống ngân hàng sẽ tiếp tục được chú trọng.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng có diễn biến tích cực trong phiên sau khi Ủy ban Kinh tế Quốc hội cũng vừa thống nhất với Chính phủ kéo dài áp dụng Nghị quyết 42 về xử lý nợ xấu trong bối cảnh kinh tế thế giới giai đoạn 2021-2025 được dự báo diễn biến khó lường, lạm phát gia tăng, xung đột Nga-Ukraine, dịch COVID - 19 vẫn còn ảnh hưởng và tác động tới kinh tế thế giới và kinh tế Việt Nam.
Ủy ban Kinh tế thống nhất với đề xuất của Chính phủ kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết số 42 đến hết ngày 31/12/2023 và đưa nội dung này vào Nghị quyết chung của kỳ họp thứ 3.
Ở chiều ngược lại, thị trường còn ghi nhận nhiều nỗi lo, rủi ro từ những biến động khó lường trên thế giới.
Theo đại diện ADB, bối cảnh kinh tế toàn cầu và địa chính trị nhiều rủi ro và phức tạp hơn, giá cả hàng hóa và dịch vụ, đặc biệt là giá dầu toàn cầu tăng cao, sự gián đoạn của chuỗi giá trị toàn cầu, sự thu hẹp nhanh các chính sách tài khóa, tiền tệ của các nền kinh tế tiên tiến đã làm gia tăng áp lực lạm phát, khiến đà phục hồi kinh tế toàn cầu chậm lại và rủi ro tài chính - tiền tệ gia tăng.
Một số nền kinh tế lớn như Mỹ, châu Âu và Trung Quốc vẫn đang đối mặt với rủi ro suy thoái. Hàng loạt nước châu Âu ghi nhận lạm phát 2 chữ số, trong khi lạm phát tại Mỹ vẫn ở vùng cao nhất 40 năm. Trung Quốc chứng kiến sự suy giảm tăng trưởng nghiêm trọng và đang đẩy mạnh các biện pháp để vực dậy nền kinh tế.
M. Hà