Rút tiền bằng căn cước công dân: Cần thêm tiện ích, đảm bảo an toàn
Tài chính ngân hàng - Ngày đăng : 11:41, 25/05/2022
Tiện lợi, nhanh chóng
Việc sử dụng thẻ CCCD gắn chip điện tử có thể thực hiện các giao dịch ngân hàng với nhiều tiện ích như nộp, rút tiền tại máy ATM và chuyển tiền một cách dễ dàng, nhanh chóng.
Người dân rút tiền bằng CCCD phải đặt mặt sau của thẻ (nơi tích hợp chip bảo mật) lên "mắt đọc" tại cây ATM. Sau đó, thiết bị này thu thập ảnh chân dung, vân tay của công dân rồi đối sánh dữ liệu sinh trắc đã lưu trên chip. Cuối cùng, nếu 2 trường dữ liệu trùng khớp thì người dân thực hiện các thao tác như sử dụng thẻ ATM truyền thống để rút tiền.
BIDV là 1 trong 5 ngân hàng đang triển khai thí điểm chương trình. Ngân hàng này cho biết hiện triển khai chấp nhận CCCD chip trên kênh giao dịch tự động tại 9 điểm trên địa bàn Hà Nội, Quảng Ninh. Trong thời gian tới, BIDV sẽ triển khai mở rộng trên toàn hệ thống và trên ứng dụng BIDV SmartBanking để gia tăng trải nghiệm của khách hàng khi sử dụng CCCD chip trong giao dịch ngân hàng.
Theo Vietinbank, các khách hàng mới chuyển đổi từ chứng minh nhân dân sang CCCD có gắn chip, nhưng chưa cập nhật thông tin với ngân hàng vẫn có thể thực hiện giao dịch rút tiền bình thường.
Ngân hàng TMCP Bản Việt (Viet Capital Bank) cũng cho biết triển khai nộp, rút tiền mặt bằng CCCD tại hệ thống ngân hàng tự động Digimi+. Theo đó, khách hàng của Bản Việt hoàn toàn có thể nộp/rút tiền mặt bằng CCCD hoặc thẻ (ATM/tín dụng) tại hệ thống ngân hàng tự động Digimi+ của Bản Việt. Đối với rút tiền mặt, hạn mức là 10 triệu đồng/giao dịch và tối đa 100 triệu đồng/ngày.
"Sử dụng CCCD gắn chip để xác thực thông tin trên máy giao dịch tự động BIDV, giao dịch nộp, rút tiền không cần sử dụng thẻ, chuyển khoản chỉ trong thời gian 2 phút. Việc rút tiền bằng CCCD gắn chip không phát sinh chi phí mới so với rút tiền bằng thẻ ATM" - một người dân được trải nghiệm dịch vụ cho biết.
Mở rộng phạm vi, tiện ích
Trung tá Nguyễn Thành Vĩnh - Phó Giám đốc Trung tâm Dữ liệu quốc gia về dân cư thuộc Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06 - Bộ Công an) cho biết, những ngày qua, nhiều người dân có tài khoản tại ngân hàng thí điểm đã sử dụng CCCD để rút tiền mặt thay vì dùng thẻ ATM truyền thống.
Dù vậy, trong thời gian đầu mới triển khai, người dùng vẫn còn khá băn khoăn về độ bảo mật khi sử dụng. Trung tá Nguyễn Thành Vĩnh cho hay, thẻ ATM sử dụng nhiều phương thức bảo mật, trong đó chủ tài khoản phải sử dụng mật khẩu do ngân hàng cấp để giao dịch tiền mặt. Ngoài ra, mức độ bảo mật tăng lên nhiều lần, bởi thẻ khi sử dụng tại ATM là thẻ chip, đồng thời, các thông tin nhân khẩu học, sinh trắc học như dấu vân tay cũng được lưu trữ trên hệ thống bảo mật. Do đó, tội phạm công nghệ cao nếu muốn can thiệp lấy thông tin như các thẻ từ trước đây rất khó, rủi ro hiện rất thấp.
Bên cạnh đó, trong trường hợp người dùng bỏ quên căn cước công dân khi rút tiền tại ATM, thì người khác nhặt được muốn rút tiền cũng không được vì cần bước xác thực, khớp giữa thông tin sinh trắc học của người dùng với thông tin gắn trên chip thẻ.
Một số ý kiến cho rằng, việc rút tiền bằng thẻ CCCD gắn chíp sẽ chịu sự “giám sát, quản lý, theo dõi” của công an. Về điều này, trung tá Nguyễn Thành Vĩnh cho hay, riêng trong giao dịch ngân hàng, thiết bị đọc chip căn cước công dân không lưu giữ thông tin của công dân. Như vậy, việc rút tiền sẽ đảm bảo tính bảo mật, bảo vệ dữ liệu cá nhân, không bị thất thoát.
“NHNN đang phối hợp chặt với C06 để dữ liệu của công dân được khai thác an toàn, hiệu quả, có trách nhiệm” - Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Thanh toán (NHNN) cho biết. NHNN mong muốn mở rộng phạm vi cho thiết bị chấp nhận thẻ công dân gắn chip tại quầy giao dịch của hệ thống các ngân hàng để giảm thời gian chờ đợi giao dịch, phòng ngừa giả mạo.
Đánh giá cao việc triển khai ứng dụng CCCD gắn chip trên các giao dịch, PGS.TS Ngô Trí Long cho rằng thẻ CCCD gắn chip tích hợp nhiều công dụng, rất tiện ích, nên tiến tới người dân sẽ không còn phải mang rất nhiều thẻ trong ví. Ngoài việc 5 ngân hàng tham gia thí điểm chương trình tại 2 địa phương triển khai thí điểm trong giai đoạn đầu là Hà Nội và Quảng Ninh, cần nhanh chóng triển khai mở rộng với nhiều ngân hàng và nhiều tỉnh thành trên cả nước. Ngoài ra, cũng phải thêm nhiều tiện ích sử dụng, như được thanh toán tại các máy POS ở các cửa hàng hay siêu thị và được rút tiền ở bất cứ máy ATM nào của bất kỳ ngân hàng nào...
“Hiện nay tại Việt Nam có hơn 90 triệu thẻ ATM đang lưu hành. Mỗi năm lại có thêm khoảng 5 triệu chiếc thẻ mới, với chi phí phát hành khoảng 250 tỷ đồng. Con số này hoàn toàn có thể giảm đáng kể khi nhu cầu mở thẻ giảm xuống vì đã có căn cước công dân gắn chip” - PGS.TS Ngô Trí Long đánh giá.
Luật sư Hà Huy Phong - Giám đốc điều hành Công ty Luật Inteco thì cho rằng, hiện nay, việc rút tiền mặt qua máy ATM bằng CCCD gắn chip đang dừng ở mức độ thí điểm, chưa có khung pháp lý cụ thể để xử lý trách nhiệm của người có CCCD gắn chip, trách nhiệm của ngân hàng cũng như các đơn vị liên quan. Theo ông, cần hình thành một khung pháp lý khi triển khai đại trà để đảm bảo an toàn giao dịch, đồng thời đảm bảo trách nhiệm của các bên liên quan về sau. Trên thực tế, đã có nhiều vụ việc tiền trong tài khoản ngân hàng bất ngờ bị "bốc hơi", đặt ra vấn đề trách nhiệm xem xét xử lý vấn đề này của các bên liên quan, đặc biệt khi triển khai rút tiền bằng thẻ CCCD gắn chip.
(Theo Kinh Tế Đô Thị)