Trầm cảm ở trẻ: Cha mẹ cần 'gỡ rối' cho con thế nào?

Xã hội - Ngày đăng : 22:52, 24/05/2022

Để nhận biết và phòng ngừa trầm cảm ở trẻ, Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Hiền, chuyên gia tâm lý học lâm sàng cho rằng, cha mẹ hãy lắng nghe và thực hiện cách nuôi dạy con cái tích cực để tạo ra sự ấm áp.
Trầm cảm ở trẻ: Cha mẹ cần “gỡ rối” cho con thế nào?
Chuyên gia tâm lý học lâm sàng Nguyễn Thị Thu Hiền cho rằng, cha mẹ cần nhận biết các dấu hiệu trầm cảm ở trẻ. (Ảnh: NVCC)

Ở lứa tuổi vị thành niên, trẻ có xu hướng bắt chước theo các xu hướng “độc, lạ”. Vậy mạng xã hội và Internet đã ảnh hưởng thế nào tới các hành động tiêu cực ở trẻ, theo bà?

Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy Internet và mạng xã hội có thể ảnh hưởng đến hành vi liên quan đến việc tự kết thúc cuộc sống của bản thân. Có khoảng gần một triệu ca tử vong do tự sát trên toàn thế giới xảy ra hằng năm.

Sự gia tăng gần đây các trường hợp tự tử được công bố rộng rãi liên quan đến mạng xã hội đã thu hút sự chú ý của quốc gia đến chủ đề này. Rất khó để đánh giá mức độ ảnh hưởng của Internet đối với hành vi này vì mối liên hệ gián tiếp và phức tạp giữa việc sử dụng Internet và hành vi.

Tuy nhiên, có thể nói, mạng xã hội làm tăng nguy cơ đối với hành vi tiêu cực của trẻ như bắt nạt và quấy rối trên mạng - những vấn đề nghiêm trọng và phổ biến.

Mặc dù đe dọa trực tuyến không thể được xác định là một yếu tố dự báo duy nhất cho những hành vi tiêu cực ở thanh thiếu niên nhưng nó có thể làm tăng nguy cơ trầm cảm bằng cách khuếch đại cảm giác cô lập, bất ổn và tuyệt vọng đối với những người có sẵn các yếu tố gây căng thẳng về cảm xúc, tâm lý hoặc môi trường.

"Khi truyền thông đưa tin hoặc bản thân trẻ có đề cập hành động tiêu cực làm hại bản thân thì các bậc phụ huynh không nên tránh né theo kiểu phớt lờ hay cấm trẻ nhắc đến câu chuyện này. Thẳng thắn và cởi mở nói chuyện chính là một trong những việc cần làm để phòng ngừa hành vi tiêu cực của một cá nhân".

Một xu hướng cũng đang nổi lên, trong đó mọi người sử dụng mạng xã hội để lại thư tuyệt mệnh. Những hình ảnh, những lời viết trong thư tuyệt mệnh để lại qua mạng xã hội được chia sẻ với công chúng ngay lập tức có thể ảnh hưởng đến quyết định của những người dễ bị tổn thương khác.

Tóm lại, ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy mạng xã hội có thể ảnh hưởng đến hành vi tự sát. Bởi vì Internet loại bỏ các rào cản địa lý đối với giao tiếp giữa mọi người, hiệu ứng truyền thông rất lớn, có thể dẫn đến những nguy cơ cho những người dễ bị tổn thương.

Thực trạng học sinh trầm cảm trong thời gian vừa qua khiến không ít phụ huynh hoang mang, lo lắng. Theo bà, những áp lực đến từ học tập hay còn lý do nào khiến trẻ dễ có suy nghĩ, hành động tiêu cực?

Theo tôi, trầm cảm hay các rối loạn tâm thần khác thường được gây ra bởi nhiều nguyên nhân.

Thứ nhất, có thể trẻ đã trải nghiệm các sự việc căng thẳng trong cuộc sống và bị căng thẳng về cảm xúc như thời thơ ấu gặp nhiều bất lợi, chẳng hạn như bị lạm dụng, bị bỏ rơi, bị cô lập xã hội, bị phân biệt đối xử và kỳ thị, bị bắt nạt.

Thứ hai, trẻ gặp phải các bất lợi xã hội và gia đình như nghèo đói, bạo lực gia đình, bị bỏ bê, không nhận được sự chăm sóc, cha mẹ thực hành nuôi dạy con cái tiêu cực. Hoặc trẻ gặp bất ổn trong các mối quan hệ như không hoà nhập được, không có bạn bè đồng trang lứa, “đứt gãy” mối quan hệ bạn bè thân thiết.

Bên cạnh đó, nguyên nhân có thể liên quan đến văn hóa và sự kỳ vọng như áp lực học tập, kỳ vọng của cha mẹ, xã hội, văn hóa trọng bằng cấp.

Ngoài ra, có thể trẻ duy trì các thói quen sinh hoạt, hành vi không lạnh mạnh trong thời gian dài như nghiện mạng xã hội, Internet, không ngủ hoặc ngủ ít vào ban đêm.

Theo bà, có nên né tránh trò chuyện với con mỗi khi báo đài đưa tin về một vụ trẻ tự tử hay không?

Khi truyền thông đưa tin hoặc bản thân trẻ có đề cập vấn đề tự tử thì các bậc phụ huynh không nên tránh né theo kiểu phớt lờ hay cấm trẻ nhắc đến câu chuyện này. Né tránh không phải là cách thức để giúp chúng ta hay xã hội ngăn ngừa.

Theo tôi, thẳng thắn và cởi mở nói chuyện về chủ đề này chính là một trong những việc cần làm để phòng ngừa hành vi tiêu cực của một cá nhân.

Khi một nam sinh trường chuyên nổi tiếng chọn tự kết thúc cuộc sống, tôi cũng hỏi con trai mình rằng, đã bao giờ con có suy nghĩ như nam sinh kia chưa? Khi con bắt đầu trải lòng, hãy lắng nghe chứ không chỉ là nghe cho biết.

Ngoài ra, cha mẹ tuyệt đối không nên đưa ra những lời đánh giá và phán xét rằng hành vi đó là ngu xuẩn hay làm khổ gia đình. Người nói vô tình, người nghe hữu ý, biết đâu bạn đang phán xét chính con của mình.

Trầm cảm ở trẻ: Cha mẹ cần “gỡ rối” cho con thế nào?
Áp lực học tập, kỳ vọng của cha mẹ là một trong những nguyên nhân khiến trẻ trầm cảm. (Nguồn: Internet)

Cha mẹ cần làm gì để cùng trẻ phòng ngừa bệnh trầm cảm cũng như nhận biết các dấu hiệu rối loạn ở trẻ để có thể can thiệp kịp thời?

Cha mẹ cần hiểu biết cơ bản về lĩnh vực sức khỏe tâm thần, để tăng khả năng thực hiện các cách duy trì một đời sống lành mạnh, nhận diện được các vấn đề sức khỏe tâm thần cơ bản, giảm sự kỳ thị và tìm kiếm sự trợ giúp chuyên nghiệp.

Thực hiện cách nuôi dạy con cái tích cực để tạo ra sự ấm áp, quan tâm và hỗ trợ liên tục đối với con cái, dạy và làm mẫu các kỹ năng xã hội.

Nếu môi trường có nhiều bất lợi, cha mẹ hãy giúp trẻ thay đổi. Đặc biệt, giúp trẻ thay đổi các hành vi không phù hợp bằng các hành vi thích nghi.

Khuyến khích các mối quan hệ đồng đẳng tích cực. Nên khuyến khích thanh thiếu niên tìm kiếm mục đích sống, tìm kiếm sự hỗ trợ chuyên nghiệp bởi bác sĩ tâm thần và nhà tâm lý lâm sàng.

Cha mẹ hãy làm một tấm gương tốt về hành vi cho các con, đừng gây áp lực quá lớn lên các con.

Theo bà, có cách nào để tăng khả năng vượt qua mọi khó khăn trong học tập cũng như cuộc sống?

Trò chuyện về những tình huống căng thẳng với một người lớn đáng tin cậy có thể giúp trẻ em và thanh thiếu niên nhìn nhận mọi thứ và tìm ra giải pháp.

Cũng giống như người lớn, trẻ em và thanh thiếu niên cần thời gian để làm những việc mang lại niềm vui cho họ, cho dù đó là thời gian để chơi với những viên gạch xây dựng hay những giờ liên tục luyện tập âm nhạc hoặc nghệ thuật.

Trong khi một số trẻ phát triển vượt bậc từ hoạt động này sang hoạt động khác, những trẻ khác cần nhiều thời gian hơn. Do đó, trẻ cần tìm sự cân bằng lành mạnh giữa các hoạt động yêu thích và thời gian rảnh rỗi.

Dành thời gian trong thiên nhiên là một cách hiệu quả để giảm căng thẳng và cải thiện sức khỏe tổng thể. Các nhà nghiên cứu đã phát hiện rằng, những người sống ở khu vực có nhiều không gian xanh sẽ ít bị trầm cảm, lo lắng và căng thẳng hơn.

Đặc biệt, việc thể hiện bản thân bằng văn bản có thể giúp giảm bớt sự đau khổ về tinh thần và cải thiện sức khỏe. Ví dụ, viết về những cảm xúc tích cực, như những điều bạn biết ơn hoặc tự hào, có thể làm giảm các triệu chứng lo âu và trầm cảm.

Áp lực học tập, thành tích, điểm số dường như vẫn đang “bủa vây” trẻ khiến nhiều em cảm thấy mình vô dụng, thất bại và suy nghĩ tiêu cực nếu lỡ may thi trượt, cần gỡ rối thế nào?

Đây thực sự là một thách thức rất lớn đối với nhiều trẻ em, sự ảnh hưởng trong quan niệm của người lớn về điểm số học tập. Thế nên theo tôi, muốn thay đổi thực trạng này trước hết phải từ người lớn.

Xin cảm ơn Tiến sĩ!

Nguyệt Anh