Châu Âu bắt đầu tích trữ lượng lớn khí đốt

Đối ngoại - Ngày đăng : 21:47, 24/05/2022

Theo Kommersant, mặc dù nguồn cung của Gazprom (Nga) sang châu Âu giảm, nhưng khu vực này bắt đầu tăng tốc độ bơm khí đốt vào các cơ sở lưu trữ dưới lòng đất (UGS).

Nền tảng AGSi+ cho hay, vào hôm 21/5, các hồ chứa ở châu Âu đã được lấp đầy 42,6%, có nghĩa là nếu duy trì tốc độ bơm ở mức năm 2021, các cơ sở của UGS sẽ được lấp đầy 90% vào ngày 1/11 tới.

Vào đầu tháng 3, Ủy ban châu Âu khuyến nghị các nước trong khối đạt được mức tăng dự trữ lên đến 80% vào ngày 1/11 trong bối cảnh quan hệ với Nga đang căng thẳng.

Các quốc gia Liên minh châu Âu (EU) đã làm theo khuyến nghị này, mặc dù Gazprom bắt đầu cung cấp ít hơn khoảng 40% khí đốt hàng năm vào tháng 4-5 do Ba Lan từ chối khí đốt của Nga và nguồn cung cấp qua Ukraine giảm mạnh.

Châu Âu bắt đầu tích trữ lượng lớn khí đốt
Châu Âu khẩn trương bổ sung cho kho dự trữ năng lượng trước khi Nga cắt hoàn toàn khí đốt. (Ảnh: RIA)

Gần đây, Gazprom đã ngừng công bố số liệu thống kê hàng tháng về xuất khẩu sang châu Âu, nhưng trong tháng 4-5/2022 việc giao hàng đến các nước ngoài Cộng đồng các Quốc gia Độc lập (SNG) bao gồm cả xuất khẩu ngày càng tăng sang Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ đã giảm 26,5%.

Trong khi đó, châu Âu đã bù đắp cho lượng sụt giảm nguồn cung cấp nhiên liệu của Nga bằng việc nhập khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) bằng đường biển - trong tháng 4, khu vực này nhận được hơn 47,7% LNG so với cùng kỳ và 20% so với tháng 3. Các nhà cung cấp lớn nhất cho châu Âu là Mỹ (7,5 tỉ mét khối) và Qatar (2,55 tỉ mét khối).

Các nhà phân tích của Platts nhận định, mức cung cấp LNG hiện tại cho châu Âu có thể được duy trì ít nhất cho đến đầu mùa hè, với mức phí cao liên tục so với giá ở châu Á.

Vào thời điểm sau khi bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine, khối lượng khí đốt đang tích trữ trong các cơ sở của UGS ở châu Âu là 29,5%. Vào thời điểm đó, khu vực này đã sử dụng hết lượng khí đốt đã được bơm vào các cơ sở lưu trữ dưới lòng đất trong suốt mùa hè.

Trước đó, EU cam kết giảm 2/3 lượng khí đốt nhập khẩu của Nga trước năm sau và loại bỏ hoàn toàn sự phụ thuộc vào khí đốt Nga trước năm 2030. Việc thúc đẩy thoát khỏi năng lượng Nga của châu Âu diễn ra trong bối cảnh nhu cầu toàn cầu đang tăng lên và giá LNG cao. Nga là nhà cung cấp năng lượng chính cho EU, đáp ứng khoảng 40% nhu cầu khí đốt của khối.

Theo đó, để thực hiện được kế hoạch trên, hiện châu Âu đang nỗ lực thoát khỏi sự phụ thuộc vào khí đốt của Nga, với các kế hoạch xây dựng các tuyến đường ống nối các nước trong châu lục, các nhà ga khí đốt tự nhiên hóa lỏng ở miền Bắc nước Đức, Phần Lan và Pháp, đến các tuyến đường mới tiềm năng qua Tây Ban Nha và Địa Trung Hải.

Thanh Bình (lược dịch)