Sen Tịnh Đế trắng siêu hiếm, bằng lăng 'khổng lồ' độc nhất Bình Thuận

Chuyển động Thị trường - Ngày đăng : 19:36, 24/05/2022

Hai búp sen Tịnh Đế trắng siêu hiếm vừa được phát hiện ở Nghệ An. Cây bằng lăng 'khổng lồ' như quả cầu tím ở Bình Thuận khiến nhiều người ngỡ ngàng, thích thú.

Búp sen Tịnh Đế trắng siêu hiếm ở Nghệ An

Anh Phạm Kim Tiến - Chủ nhiệm Hợp tác xã Sen Quê Bác (xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, Nghệ An) - cho biết, sen Tịnh Đế là một bông sen rất đặc biệt, hiếm gặp. Có hàng nghìn bông sen nở rộ giữa đầm nhưng không phải đầm nào cũng có sen Tịnh Đế. Vào sáng 19/5, đúng dịp kỷ niệm 132 năm ngày sinh của Bác, nhân viên hợp tác xã phát hiện 2 búp sen Tịnh Đế màu trắng.

Búp sen Tịnh Đế được phát hiện ở đầm thuộc Hợp tác xã Sen Quê Bác (Ảnh: Quốc Đàn)

Thông thường, những bông sen Tịnh Đế to đều và cân bằng nhau, màu sắc như nhau và nở cùng nhau là rất hiếm. Ngoài ra, hương sen Tịnh Đế cũng đượm và giữ được mùi thơm lâu hơn sen bình thường nên loại hoa này được nhiều người săn lùng

Bằng lăng 'khổng lồ' như quả cầu tím

Vài ngày qua, cây bằng lăng trước cổng nhà ông Võ Văn Ban (62 tuổi, nằm trên Quốc lộ 1, huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận) bung nở rực rỡ. Hoa nở trĩu bông, che lấp cả phần lá xanh, tạo thành một "quả cầu tím" ấn tượng.

Cây hoa bằng lăng nở trĩu bông được ưu ái mệnh danh là "cây bằng lăng đẹp nhất Bình Thuận". Mỗi ngày, hàng chục khách tới ghé thăm, chiêm ngưỡng và chụp ảnh cùng cây bằng lăng "khổng lồ". Có người yêu thích nên ngã giá, hỏi mua cây với giá 30 triệu nhưng gia đình ông Ban không bán.

Người đầu tiên nuôi thành công loài cá quý hiếm ở TP. Cần Thơ

Cá dầy (hay cá dày) là cá nước ngọt, có hình dáng giống cá lóc nhưng ngắn, tròn hơn, thịt thơm ngon, bổ dưỡng, được nhiều người ưa chuộng. Cá dầy trở nên khan hiếm. Thấy cá dầy là đặc sản của miền Tây, nhưng tìm mua rất khó, lại không ai nhân giống nuôi, nguy cơ tiệt chủng rất lớn nên anh Phạm Văn Phúc (35 tuổi, ở huyện Thới Lai, TP. Cần Thơ) nảy ra ý tưởng nuôi cá dầy trong bể bạt.

Anh Phúc nuôi và nhân giống thành công giống cá dầy (Ảnh: H.Thanh)

Năm 2017, anh Phúc mua 11 con cá dầy về làm giống, giá 110.000 đồng/kg. Từ một người làm dịch vụ xe du lịch, anh Phúc chuyển sang nuôi cá dầy là điều khó. Song, với quyết tâm, học hỏi, tìm tòi, đến nay, anh Phúc đã cho sinh sản khoảng 30.000 con cá giống. Cá dầy giống có giá 4.000-7.000 đồng/con; cá dầy thịt có giá 200.000 đồng/kg.

Tuyệt chiêu mắc màn nuôi lợn của nông dân Thái Nguyên

Dù không xây chuồng trại khép kín nhưng đàn lợn của gia đình ông Nguyễn Văn Toản (xã Vạn Phái, TP.Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên) vẫn phát triển tốt, ít bị dịch bệnh. Đó là nhờ tuyệt chiêu "mắc màn" cho lợn.

Ông Toản chia sẻ trên Báo Dân Việt, mỗi năm, gia đình ông nuôi 3 lứa lợn, mỗi lứa cho khoảng 25-30 tấn. Theo ông Toản, để đạt hiệu quả cao, người nông dân cần lưu ý lựa chọn con giống tốt, vệ sinh chuồng trại thường xuyên, lựa chọn loại thức ăn chăn nuôi đảm bảo chất lượng và tiêm phòng đầy đủ cho vật nuôi. Đặc biệt, chuồng trại của gia đình ông khác so với nhiều hộ chăn nuôi khác. Ông Toản không xây chuồng lợn khép kín mà "mắc màn" cho lợn để tránh chuột bọ và ruồi muỗi vào khu vực chuồng trại gây bệnh cho lợn.

Độc đáo nghề ép đậu phộng chảy ra... "vàng"

Đậu phộng còn gọi là lạc hay đậu phụng, là loại nông sản quen thuộc ở Việt Nam cũng như thế giới. Không chỉ được dùng để chế biến thành món ăn, theo báo Dân Trí, ở Quảng Nam, có một nghề độc đáo là ép đậu phộng ra dầu ăn.

Với người dân Quảng Nam, dầu đậu phộng được xem là "vàng".

Đầu tháng 5, mùa thu hoạch đậu phộng, các lò ép dầu tại Quảng Nam cũng đỏ lửa suốt ngày đêm. Đây là một "lệ làng" đã có từ lâu đời. Với người dân Quảng Nam, dầu đậu phộng được xem là "vàng" và là sản phẩm mang giá trị tinh hoa của miền quê, vừa ngon lại không có chất bảo quản nên có thể để cả năm cũng không hư hỏng.

“Gà nước mặn”, đặc sản quý hiếm, giá 2,5 triệu đồng/kg

Cá bò hòm tươi sống, còn gọi là “cá thiết giáp” hay “gà nước mặn”, được coi là một trong những loại cá hiếm ở Phú Yên. Chị Phương Anh, chủ nhà bè tại Bãi Hương, Vũng Rô (Đông Hoà, Phú Yên) cho biết trên Dân Việt, loại cá này có bộ xương cứng chắc dưới lớp da lốm đốm đen; sống trong các vùng biển lặng nên rất khó câu và đánh bắt bằng lưới. Chúng sinh trưởng rất chậm, số lượng rất ít. Đặc biệt, thịt cá bò hòm không tanh mà rất chắc và ngọt, thớ thịt vừa dai vừa béo nên được coi là loại cá thượng phẩm.

Cá bò hòm giá khá đắt đỏ. Giá bán tại bè là 1,3 triệu đồng/kg loại từ 0,4-1 kg/con. Nếu cá loại to, còn sống, vận chuyển đến Hà Nội hoặc TP.HCM, giá lên tới 2-2,5 triệu đồng/kg.

Người đàn ông Gia Lai sở hữu "kho báu" cổ vật quý giá

Anh Nguyễn Tấn Khoang (43 tuổi,ở xã A Dơk, huyện Đăk Đoa, tỉnh Gia Lai) đang sở hữu "kho báu" với hơn 18.000 cổ vật giá trị. Để có được những cổ vật này, anh Khoang đã đi khắp vùng Tây Nguyên nhằm tìm kiếm, mua từ người dân bản địa.

Anh Khoang sở hữu hơn 18 nghìn cổ vật quý giá (Ảnh: Dân Trí)

"Nhiều người dân bản địa Gia Lai thường lưu giữ những cổ vật từ thời ông, cha để lại. Có những cổ vật còn y nguyên mà chưa bị mài mòn đi nhiều. Trong đó, những ghè, chum, chiêng… có tuổi đời hàng trăm năm được người dân Jrai bảo vệ và giữ gìn", anh Khoang chia sẻ.

Lọ hoa độc lạ đẹp mê li giá chỉ trăm nghìn đồng

Lần đầu xuất hiện trên thị trường hoa tươi ở Hà Nội, hoa riềng, cành hoa hồng cù là những cái tên lạ khiến nhiều người chơi hoa thích các loại hoa độc lạ tò mò đặt mua.

Cây riềng thường được trồng l để lấy củ. Tuy nhiên, cắt hoa riềng để bán, để cắm thì không phải ai cũng nghĩ ra. Hoa riềng đang được bán trên thị trường Hà Nội với giá 80.000 đồng/bó 5 cành và 150.000 đồng/bó 10 cành.

Bên cạnh hoa riềng, nhiều tiểu thương đang bán một loại cành hoa với tên rất lạ lẫm, đó là cành hồng cù. Hồng cù là loại hoa mọc hoang dại trên rừng, mới xuất hiện trên thị trường. Hoa hồng cù có màu vàng tươi, bông nhỏ... Mỗi sét hồng cù gồm 5-7 cành, tùy cành to nhỏ đang được bán trên thị trường với giá 170.000 đồng.

Hạnh Nguyên(Tổng hợp)