"Rót" hơn 99.000 tỷ đồng kết nối thông suốt đường Hồ Chí Minh

Xã hội - Ngày đăng : 16:14, 24/05/2022

Tổng mức đầu tư các dự án thành phần để nối thông tuyến đường Hồ Chí Minh (giai đoạn 2 làn xe) là hơn 99.000 tỷ đồng. Các dự án thành phần đã và đang đầu tư có tổng mức đầu tư 88.400 tỷ đồng.

Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết, theo Nghị quyết số 66/2013 của Quốc hội đến năm 2020 hoàn thành nối thông tuyến đường Hồ Chí Minh từ Pác Bó (Cao Bằng) đến Đất Mũi (Cà Mau) quy mô tối thiểu 2 làn xe với chiều dài khoảng 2.744 km. Đến nay, đã hoàn thành 2.362 km đạt hơn 86% và khoảng 258 km tuyến nhánh; đang triển khai 211 km, còn lại khoảng 171 km chưa bố trí được vốn để triển khai thực hiện.

"Tổng mức đầu tư các dự án thành phần để nối thông tuyến đường Hồ Chí Minh (giai đoạn 2 làn xe) là hơn 99.000 tỷ đồng. Các dự án thành phần đã và đang đầu tư có tổng mức đầu tư 88.400 tỷ đồng. Căn cứ vào nhu cầu, nguồn vốn đã bố trí để đầu tư các dự án thành phần là hơn 79.000 tỷ đồng" - ông Thể thông tin và nêu rõ giai đoạn đến năm 2020 đã bố trí hơn 62.300 tỷ đồng; giai đoạn 2021 - 2025 đã cân đối bố trí hơn 16.700 tỷ đồng vốn ngân sách nhà nước phân bổ cho Bộ GTVT và 1.600 tỷ đồng ngân sách trung ương hỗ trợ địa phương thực hiện đoạn Đoan Hùng - Phú Thọ.

Rót hơn 99.000 tỷ đồng kết nối thông suốt đường Hồ Chí Minh - 1

Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể (Ảnh: Quốc Chính).

Theo Bộ trưởng GTVT, trong giai đoạn từ năm 2000-2011, dự án triển khai cơ bản đáp ứng tiến độ yêu cầu. Tuy nhiên, do chịu ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 11/2011 nên nhiều dự án phải dừng giãn tiến độ trong đó có các dự án thành phần thuộc đường Hồ Chí Minh. Giai đoạn từ năm 2011-2015, mặc dù đã được phê duyệt dự án đầu tư nhưng có rất ít các dự án giao thông nói chung và các dự án thành phần đường Hồ Chí Minh nói riêng được triển khai đầu tư.

Trong bối cảnh khó khăn về nguồn lực, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, Bộ GTVT đã nghiên cứu chuyển đổi hình thức đầu tư đoạn Chơn Thành - Đức Hòa từ sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ đã đầu tư một phần phải đình hoãn từ năm 2011 sang đầu tư theo hình thức PPP.

Tuy nhiên, do quy định của pháp luật thay đổi nên việc triển khai đoạn Chơn Thành - Đức Hòa theo hình thức PPP vướng mắc. Trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 đã dự kiến bố trí 2.785 tỷ đồng để đầu tư với quy mô 2 làn xe.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, Chính phủ đề xuất mục tiêu đầu tư đường Hồ Chí Minh giai đoạn đến năm 2025 sẽ tiếp tục đầu tư hoàn thành các đoạn đang triển khai; cân đối bố trí nguồn lực để đầu tư 2 dự án thành phần đoạn Chợ Chu - Ngã Ba Trung Sơn và đoạn Rạch Sỏi - Bến Nhất, Gò Quao - Vĩnh Thuận; đối với đoạn Cổ Tiết - Chợ Bến chỉ chuẩn bị đầu tư, tận dụng quốc lộ 32, quốc lộ 21 để nối thông đường Hồ Chí Minh theo quy mô 2 làn xe. Tập trung nguồn lực hoàn thành khoảng 287km thuộc dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông đi trùng với đường Hồ Chí Minh.

Giai đoạn sau năm 2025, trên cơ sở nhu cầu, hiệu quả đầu tư, quy hoạch và khả năng cân đối nguồn lực của từng thời kỳ, đầu tư khoảng 634 km đường Hồ Chí Minh theo tiêu chuẩn cao tốc.

Rót hơn 99.000 tỷ đồng kết nối thông suốt đường Hồ Chí Minh - 2

Đường Hồ Chí Minh giai đoạn 1 (Ảnh: NQ).

Về kế hoạch triển khai và nhu cầu vốn đầu tư, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, giai đoạn 2021 - 2025 triển khai hoàn thành các dự án đang đầu tư và khởi công mới 2 dự án thành phần nối thông tuyến quy mô 2 làn xe với tổng mức đầu tư 22.276 tỷ đồng, hiện đã bố trí được hơn 16.700 tỷ đồng.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho hay, đối với các dự án đang triển khai, Chính phủ chỉ đạo Bộ GTVT và các địa phương có liên quan tập trung nhân lực thiết bị để sớm hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng. Xây dựng kế hoạch triển khai bám sát quy hoạch và nguồn lực được duyệt để đảm bảo phù hợp từng giai đoạn cụ thể, có tính khả thi.

Bộ GTVT sẽ ưu tiên tập trung nguồn lực nhà nước đầu tư tuyến đường theo quy hoạch, đây là tuyến đường đi qua vùng khó khăn, vùng sâu vùng xa có nhiều đồng bào dân tộc sinh sống, liên quan đến quốc phòng - an ninh, việc huy động các nguồn vốn khác hiệu quả thấp, do đó Chính phủ xác định nguồn vốn đầu tư công là chủ đạo.

Châu Như Quỳnh