Bình Định quản lý đất phạm vi dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam: Hiệu quả, công khai, minh bạch

Kinh doanh - Ngày đăng : 10:37, 24/05/2022

Để tránh tình trạng các tổ chức cá nhân lợi dụng việc bồi thường giải phóng mặt bằng về đất đai, cây trồng, hoa màu liên quan đến phạm vi dự án Đường bộ cao tốc Bắc - Nam đoạn đi qua tỉnh Bình Định, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định chỉ đạo quyết liệt về việc tăng cường công tác quản lý đất đai, tạm dừng giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến đất xây dựng nằm trong phạm vi dự án.

Công khai thu hồi đất, giải phóng mặt bằng

Dự án Đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 được Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 44, ngày 11/1/2022 gồm 12 dự án thành phần với tổng kinh phí đầu tư khoảng 146.900 tỷ đồng/729km.

Đoạn đi qua tỉnh Bình Định có tổng chiều dài khoảng 118,8km, nằm trên địa bàn 8 huyện, thị xã, thành phố chiếm khoảng 16,3% trên tổng chiều dài của dự án với mức đầu tư khoảng 23.000 tỷ đồng. Đây là dự án trọng điểm quốc gia, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng tạo động lực phát triển kinh tế của cả nước nói chung và các địa phương có tuyến cao tốc đi qua nói riêng.

h1-1-.jpg

Lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải cùng Ban quản lý dự án 2 và Ban quản lý dự án 85 và lãnh đạo tỉnh Bình Định kiểm tra hiện trường dự án Đường bộ cao tốc Bắc - Nam đoạn đi qua tỉnh Bình Định.

Để triển khai thực hiện dự án Đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 đoạn đi qua tỉnh Bình Định, UBND tỉnh Bình Định phải thực hiện thu hồi 1.674,04ha đất, bao gồm: Dự án thành phần Quảng Ngãi - Hoài Nhơn thu hồi 370,84ha; dự án thành phần Hoài Nhơn - Quy Nhơn thu hồi 992,93ha; dự án thành phần Quy Nhơn - Chí Thạnh 310,27ha. Trong đó, diện tích đất lúa thu hồi 437,63ha; diện tích đất rừng phòng hộ thu hồi 32,6ha; diện tích dất rừng sản xuất thu hồi 679,81ha; diện tích các loại đất khác 524ha.

Với số lượng diện tích đất thu hồi để thực hiện dự án Đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 đoạn đi qua tỉnh Bình Định rất lớn như trên, việc các tổ chức, cá nhân trục lợi chính sách bồi thường hỗ trợ giải phóng mặt bằng do lợi dụng từ việc bồi thường giải phóng mặt bằng là điều khó tránh khỏi.

Trao đổi với phóng viên về vấn đề này, ông Nguyễn Phi Long - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết: Để ngăn chặn phòng ngừa những sự việc như vậy, với tư cách là Trưởng ban Ban Chỉ đạo giải phóng mặt bằng đường bộ cao tốc tỉnh, tôi đã chỉ đạo quyết liệt và giao Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố có dự án đi qua phải tăng cường công tác quản lý đất đai trên địa bàn, thường xuyên kiểm tra, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm lấn chiếm đất đai, sử dụng đất không đúng mục đích, xây dựng trái phép, trồng cây trái phép; Đồng thời, GPMB phải công khai, minh bạch trước người dân.

Tạm dừng giải quyết các thủ tục hành chính về đất đai

Không chỉ tăng cường công tác quản lý đất đai mà UBND tỉnh Bình Định còn chỉ đạo việc tạm dừng giải quyết các thủ tục hành chính (TTHC) liên quan đến đất xây dựng nằm trong phạm vi dự án Đường bộ cao tốc Bắc - Nam đoạn đi qua tỉnh Bình Định.

Mỗi đơn vị cấp xã có tuyến cao tốc đi qua thành lập một đội phản ứng nhanh để kịp thời xử lý các vi phạm về đất đai liên quan đến dự án đường cao tốc. Chủ tịch cấp huyện phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh nếu để xảy ra tình trạng vi phạm trong công tác quản lý đất đai trên địa bàn gây ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án.

Ông Nguyễn Phi Long - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định

Chia sẻ với phóng viên Báo TN&MT, ông Trần Kỳ Quang - Phó Giám đốc Sở TN&MT Bình Định cho hay: Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025, đoạn qua địa phận tỉnh Bình Định đang được các Ban quản lý dự án 2 và Ban quản lý dự án 85 cùng các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố phối hợp để xác định ranh mốc giới và diện tích đất bị ảnh hưởng bởi dự án.

Để tránh tình trạng các tổ chức, cá nhân lợi dụng việc bồi thường giải phóng mặt bằng về đất đai, tài sản, cây trồng, hoa màu liên quan phạm vi dự án, Sở TN&MT tham mưu đề nghị UBND tỉnh giao UBND các huyện, thị xã, thành phố có tuyến đường cao tốc đi qua tạm dừng thực hiện TTHC như: chuyển nhượng quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất; mua bán nhà, công trình xây dựng, vật kiến trúc, cây cối hoa màu gắn liền với đất; không cho phép chia tách thửa, nhập thửa đất, quy hoạch xây dựng các công trình, dự án liên quan đến việc xây dựng đường bộ cao tốc Bắc - Nam (kể cả xây dựng đường cao tốc, đường công vụ, bãi thải, khu tái định cư, mỏ vật liệu xây dựng) - Ông Trần Kỳ Quang cho biết thêm.

Đồng thời, quản lý chặt chẽ diện tích trong các hợp phần xây dựng dự án đường cao tốc đi qua; chỉ đạo UBND cấp xã phối hợp với các cơ quan chức năng của huyện tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thường xuyên, không để xảy ra lấn, chiếm đất đai, xây dựng trái phép; phải thường xuyên kiểm tra (kể cả ngoài giờ hành chính). Khi phát hiện sai phạm, phải tiến hành tháo dỡ công trình và chịu trách nhiệm về việc để xảy ra sai phạm trên địa bàn quản lý.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định ông Nguyễn Tự Công Hoàng cho biết: Sau khi có văn bản đề nghị của Sở TN&MT, UBND tỉnh cũng đã có văn bản chỉ đạo theo như đề nghị của Sở tham mưu. UBND tỉnh giao UBND các huyện, thị xã, thành phố có tuyến đường cao tốc đi qua chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh nếu để xảy ra sai phạm trong công tác quản lý đất đai, xây dựng công trình trái phép trên địa bàn quản lý, gây ảnh hưởng đến việc triển khai dự án Đường bộ cao tốc Bắc - Nam. Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có vướng mắc phát sinh phải kịp thời báo cáo, đề xuất gửi Sở TN&MT để tổng hợp báo cáo, đề xuất UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo giải phóng mặt bằng đường bộ cao tốc tỉnh xem xét, chỉ đạo thực hiện.

Mỹ Bình