Dự án đường Hồ Chí Minh giai đoạn 2022-2025 đã hoàn thành 2.362 km/2.744 km
Xã hội - Ngày đăng : 09:53, 24/05/2022
Theo Tờ trình của Chính phủ, đến hết năm 2020 còn 6 đoạn với tổng chiều dài khoảng 279 km chưa triển khai, trong đó mới cân đối bố trí vốn cho 3 đoạn với tổng chiều dài 108 km, dự kiến hoàn thành trong giai đoạn 2021-2025.
Dự án đã triển khai hoàn thành khoảng 2.362 km/2.744 km, đạt 86,1% và khoảng 258 km tuyến nhánh; đang thực hiện 211 km; chưa bố trí vốn để triển khai thực hiện 171 km còn lại nhằm nối thông toàn tuyến đường Hồ Chí Minh theo 3 đoạn: (1) Chợ Chu-Ngã ba Trung Sơn (thuộc dự án thành phần Chợ Mới - Ngã ba Trung Sơn); (2) Cổ Tiết - Chợ Bến (thuộc dự án thành phần Đoan Hùng-Chợ Bến); (3) Rạch Sỏi-Bến Nhất - Gò Quao-Vĩnh Thuận.
Về nguồn vốn thực hiện Dự án, theo Tờ trình của Chính phủ, tổng mức đầu tư các dự án thành phần để nối thông toàn tuyến đường Hồ Chí Minh là 99.170 tỷ đồng. Các dự án đã và đang đầu tư có tổng mức đầu tư là 88.400 tỷ đồng.
Đến năm 2020, đã bố trí 62.316 tỷ đồng (trong đó, vốn ngân sách nhà nước 43.728 tỷ đồng, vốn ngoài ngân sách 18.588 tỷ đồng). Giai đoạn 2021 - 2025 đã cân đối bố trí 16.706 tỷ đồng vốn ngân sách nhà nước (4.677 tỷ đồng cho dự án chuyển tiếp, 4.686 tỷ đồng khởi công mới 02 dự án thành phần, 7.343 tỷ đồng thanh toán dự án La Sơn - Túy Loan đầu tư theo hình thức BT).
Còn lại 3 đoạn với tổng chiều dài 171 km, tổng mức đầu tư là 10.770 tỷ đồng chưa được bố trí nguồn vốn; trong đó 2 dự án thành phần đoạn Chợ Chu - ngã ba Trung Sơn và Rạch Sỏi - Bến Nhất, Gò Quao - Vĩnh Thuận cần ưu tiên đầu tư để nối thông tuyến có tổng mức đầu tư 5.570 tỷ đồng.
Thẩm tra Tờ trình số 157/TTr-CP ngày 5/5/2022 của Chính phủ về tổng kết, đánh giá tổng thể tình hình thực hiện Nghị quyết số 66/2013/QH13 và kế hoạch triển khai Dự án đường Hồ Chí Minh giai đoạn tiếp theo, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (KHCN&MT) của Quốc hội Lê Quang Huy cho biết về tiến độ triển khai thực hiện, đối với phân kỳ đầu tư đến năm 2020, Dự án chưa đạt yêu cầu nối thông toàn tuyến từ Pác Bó (Cao Bằng) đến Đất Mũi (Cà Mau) với quy mô 2 làn xe.
Về mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Dự án trong giai đoạn 2022-2025, Ủy ban KHCN&MT đề nghị Chính phủ xem xét, cân đối, bố trí nguồn vốn thích hợp và quyết tâm hoàn thành các dự án thành phần, các đoạn còn lại trong giai đoạn 2022-2025; báo cáo, đánh giá, làm rõ việc cân đối nguồn vốn 4.450 tỷ đồng kế hoạch giai đoạn 2021 - 2025 triển khai 2 dự án thành phần đoạn Chợ Chu - Ngã Ba Trung Sơn và đoạn Rạch Sỏi - Bến Nhất, Gò Quao - Vĩnh Thuận.
Về việc nâng cấp một số đoạn theo phân kỳ đầu tư, Ủy ban KHCN&MT đề nghị Chính phủ làm rõ việc tích hợp Dự án đường Hồ Chí Minh vào Quy hoạch mạng lưới đường bộ đã bảo đảm đầy đủ, toàn diện, hợp lý theo đúng tinh thần Nghị quyết hay chưa.
Bên cạnh đó, đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu đầu tư nâng cấp tuyến đường trong giai đoạn tiếp theo, bảo đảm phù hợp với Quy hoạch; cân nhắc thời hạn hoàn thành các dự án cao tốc phù hợp với Quy hoạch và nguồn lực hiện nay, bảo đảm tính khả thi.
Ủy ban KHCN&MT nhất trí với đề xuất và cơ bản thống nhất với dự thảo nội dung về Dự án đường Hồ Chí Minh đưa vào Nghị quyết chung của kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV theo Tờ trình của Chính phủ; xác định rõ mục tiêu triển khai hoàn thành dứt điểm việc đầu tư xây dựng các đoạn Chợ Chu - Ngã ba Trung Sơn và Rạch Sỏi - Bến Nhất - Gò Quao - Vĩnh Thuận trong giai đoạn 2022-2025.
Đối với đoạn Cổ Tiết - Chợ Bến (thuộc dự án thành phần Đoan Hùng - Chợ Bến), cần làm rõ phương án đầu tư trong thời gian tới, bảo đảm thiết thực, hiệu quả; trường hợp thay đổi phương thức đầu tư, đề nghị Chính phủ chỉ đạo thực hiện đúng theo quy định của pháp luật,báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định và nội dung này cần được thể hiện trong Nghị quyết của kỳ họp.
Ủy ban KHCN&MT kiến nghị Quốc hội xem xét, quyết định đưa nội dung về Dự án vào Nghị quyết chung của kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV; yêu cầu Chính phủ chỉ đạo quyết liệt và triển khai đồng bộ các giải pháp, phấn đấu hoàn thành mục tiêu của Nghị quyết trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV (2021-2025).
Ủy ban KHCN&MT cũng đề xuất một số nội dung đề nghị các đại biểu Quốc hội tập trung thảo luận, gồm: Kết quả triển khai và hạn chế trong quá trình thực hiện Dự án; mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trong giai đoạn tiếp theo; các nội dung về Dự án cần thể hiện trong Nghị quyết chung của kỳ họp thứ 3…
Hải Liên