Quân đội Ukraine đã "lột xác" thế nào trong 8 năm qua?
Đối ngoại - Ngày đăng : 09:01, 24/05/2022
QUÂN ĐỘI UKRAINE ĐÃ "LỘT XÁC" THẾ NÀO TRONG 8 NĂM QUA?
Giới chuyên gia quân sự nhận định rằng, trong 8 năm qua, kể từ sự kiện Nga sáp nhập bán đảo Crimea và giao tranh ở Donbass nổ ra, quân đội Ukraine đã có những tiến bộ đáng kể về năng lực tác chiến.
Trước khi Nga chính thức mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine vào ngày 24/2, nhiều nhà quan sát đều có chung một nhận định rằng, với sức mạnh quân sự vượt trội, Nga có thể sẽ "đánh nhanh, thắng nhanh" tại nước láng giềng.
Nga với ngân sách quốc phòng khoảng 62 tỷ USD mỗi năm và có rất nhiều lợi thế về vũ khí, áp đảo về số lượng và chất lượng khí tài với các hệ thống xe tăng, pháo, trực thăng, tiêm kích nếu so với Ukraine. Nhiều nhà phân tích cho rằng, câu hỏi được đặt ra không phải là liệu Nga có giành được chiến thắng hay không, mà phải là Nga sẽ giành chiến thắng nhanh chóng thế nào.
Tuy nhiên, diễn biến trên thực tế đã làm không ít chuyên gia hiện đang xem xét lại. Dù Nga vẫn chiếm ưu thế ở nhiều khu vực, nhưng tại một số nơi Ukraine vẫn thành công trong việc chặn được đà tiến của Moscow.
Có nhiều yếu tố tác động tới tốc độ của chiến sự, trong đó có việc Nga kiên quyết theo đuổi việc tấn công mục tiêu một cách có chọn lọc để phi quân sự hóa Ukraine và tránh rải vũ khí ồ ạt giảm thiểu thương vong cho dân thường. Tuy nhiên, đó chỉ là một trong những nguyên nhân của cục diện chiến trường hiện tại.
Nếu so sánh với thời điểm xảy ra sự kiện Nga sáp nhập bán đảo Crimea 8 năm trước thì trong chiến dịch quân sự của Moscow lần này, quân đội Ukraine đã thể hiện một khía cạnh rất khác khi phải đối đầu với lực lượng quân sự mạnh hàng đầu thế giới.
SỰ "LỘT XÁC" CỦA QUÂN ĐỘI UKRAINE
Trong bài bình luận trên The Conversation, chuyên gia Liam Collins từ Viện Chiến tranh hiện đại, Học viện quân sự West Point (Mỹ) cho rằng, trong giai đoạn ban đầu, khi giới quan sát đánh giá cán cân quân sự Nga - Ukraine, học có xu hướng so sánh về quy mô vũ khí, quân nhân để đưa ra nhận định. Tuy nhiên, trong tác chiến, màn thể hiện của một lực lượng quân sự là sự kết hợp của nhiều yếu tố như chiến lược, cách triển khai tác chiến, học thuyết quân sự, đào tạo binh sĩ, sĩ quan lãnh đạo, văn hóa quân đội và ý chí chiến đấu.
Nga đã, đang và sẽ tiếp tục nắm giữ ưu thế vượt trội về nhân lực và hệ thống vũ khí, nhưng Ukraine cũng có những đặc điểm đáng lưu ý ở nhiều khía cạnh khác. Theo ông Collins, đây là lý do mà Ukraine có thể tạo ra được một số khác biệt trên chiến trường, và đẩy được đà tiến của Nga ở những khu vực quan trọng như Kiev, Kharkov và một phần của Donbass ở miền Đông.
Nhìn lại 8 năm trước, các chuyên gia cho rằng, quân đội Ukraine đã có một màn thể hiện không lấy gì làm nổi bật khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea, hay khi lực lượng ly khai thân Nga ở Donetsk và Lugansk giao tranh với phía chính phủ Kiev để đòi độc lập.
Ông Collins cho biết, sau dấu mốc đó, Ukraine đã tiến hành rà soát toàn diện lại năng lực an ninh và quốc phòng của họ. Bản báo cáo sau cuộc rà soát đã khiến cựu Tổng thống Petro Poroshenko quyết định ban bố Thông cáo về Phòng thủ chiến lược của Ukraine, trong đó có mệnh lệnh cải cách toàn diện và sâu rộng khắp các nền tảng quốc phòng. Mục tiêu của Ukraine là tạo ra một lực lượng có năng lực đạt chuẩn NATO vào năm 2020.
Chuyên gia quân sự người Thổ Nhĩ Kỳ Arda Mevlutoglu cho biết, sau khi bản Thông cáo được đưa ra, Ukraine lần lượt thực hiện "Chương trình Nhà nước về phát triển lực lượng vũ trang" giai đoạn 2017-2020, thông qua "Luật An ninh Quốc gia" vào năm 2018. Luật này đã thiết lập một khuôn khổ nhằm điều phối và đơn giản hóa việc lập kế hoạch quốc phòng của Ukraine cũng như thiết lập quyền kiểm soát dân sự đối với quân đội.
Trong nhiều năm, Ukraine đã cải cách quân đội với sự giúp đỡ của các cố vấn, huấn luyện viên và khí tài phương Tây. Ukraine đã thể hiện sự quyết tâm trong việc cải cách lại quân đội trong 5 mũi nhọn: Năng lực chỉ huy và kiểm soát, lập kế hoạch, tác chiến, y tế và hậu cần, và nâng cao chuyên môn của lực lượng.
Vào thời điểm Nga quyết định mở chiến dịch quân sự, Ukraine được cho đã xây dựng được một lực lượng quân sự khá chuyên nghiệp, được xây dựng với văn hóa nội bộ khuyến khích cho các chỉ huy cấp dưới chủ động hơn trên chiến trường. Kịch bản này thường sẽ được kích hoạt khi kế hoạch tác chiến ban đầu không còn phù hợp và việc thay đổi là cần thiết để phù hợp với tình hình.
Trước khi các cải cách diễn ra, các chỉ huy của các đơn vị tác chiến trên thực địa không thể đưa ra quyết định và phải xin phép trước khi họ có thể hành động. Điều này có thể khiến hoạt động tác chiến trở nên bị động khi tình huống khẩn cấp diễn ra và có thể gây ra thiệt hại vì các bên phải chờ ý kiến chỉ đạo để tiếp tục hành động.
Theo ông Mevlutoglu, Ukraine đã có sự thay đổi lớn về việc tổ chức trong lực lượng vũ trang. Đầu tiên, họ tách biệt giữa 2 vị trí Tổng tư lệnh (CINC) và Tổng tham mưu trưởng (CGS). CINC được giao nhiệm vụ chỉ huy việc sẵn sàng tác chiến của lực lượng và nâng cao năng lực của các đơn vị lực lượng vũ trang, Lực lượng Vệ binh Quốc gia và Cơ quan Biên phòng Nhà nước
Trong khi đó, CGS lại chịu trách nhiệm về việc xác định năng lực quân sự và các yêu cầu về nguồn lực, lập kế hoạch hoạt động và hiện đại hóa, huấn luyện và việc phân bổ khí tài.
Một trong những nỗ lực cải cách đáng chú ý của Ukraine là trong lực lượng dự bị. Hệ thống này đã được thay đổi hoàn toàn vào năm 2020 và ba thành nhóm quân dự bị được lập ra: Lực lượng tác chiến, lực lượng động viên và dự bị dân sự. Việc thiết lập lực lượng như vậy đảm bảo cho Ukraine có thể huy động lực lượng nhanh chóng trong tình huống khẩn cấp.
Theo ông Collins, Ukraine cũng có một lợi thế đó là lực lượng của họ tích lũy kinh nghiệm sau 8 năm đối đầu với lực lượng ly khai ở Donbass. Chính vì vậy, Nga dường như đã khá bất ngờ trước sự thay đổi của quân đội Ukraine từ năm 2014 cho tới năm 2022, khi phía Kiev đã có một lực lượng được huấn luyện, chỉ huy và có tinh thần tương đối tốt.
Trong khi đó, nhiều chuyên gia chỉ ra vấn đề của Nga là ở chỗ các nhóm tác chiến của họ dường như tương tác không tốt trên chiến trường, dẫn tới hiệu quả tổng lực bị giảm. Việc thay đổi khó có thể xảy ra chỉ trong vài tháng hoặc vài tuần, kể cả sau khi Nga thu hẹp mục tiêu của chiến dịch quân sự về khu vực Donbass.
Sau khi Nga bắt đầu giai đoạn 2 của chiến dịch quân sự, nhiều chuyên gia nhận định, việc Nga rút quân từ Bắc Ukraine về miền Đông sẽ giúp Moscow gia tăng năng lực đạt được mục tiêu kiểm soát Donbass.
Tuy nhiên, về bản chất, Ukraine cũng có khả năng chuyển quân về miền Đông nước này như Nga. Ukraine có thể đặt một lực lượng nhỏ ở lại các khu vực quan trọng mà Nga đã rút quân trước đó, và vẫn có thể tập trung binh sĩ về miền Đông. Điều đó có nghĩa là tỷ lệ giữa lực lượng Nga và Ukraine ở giai đoạn 2 là không thay đổi quá nhiều so với giai đoạn 1, và sẽ chỉ có đột phá nếu Nga quyết định đưa thêm quân tới Ukraine.
Reuters dẫn lời các chuyên gia nhận định, trong giai đoạn 2 của chiến sự, Nga dường như đang đối mặt với bài toán về lực lượng, khi họ thiếu quân nhân triển khai nhằm thực hiện những bước tiến đáng kể trên chiến trường.
Trước khi chiến dịch quân sự diễn ra, lực lượng ly khai thân Nga ở Đông Ukraine nắm quyền kiểm soát khoảng 30% lãnh thổ Donbass. Giờ đây, phía Nga và lực lượng thân Moscow đã kiểm soát 80% lãnh thổ khu vực này. Tuy nhiên, Nga lại đang gặp thách thức trong việc tiến vào các thành phố quan trọng như Sloviansk và Kramatorsk ở Donetsk để mở rộng quyền kiểm soát đối với toàn bộ khu vực. Trong hơn 2 tháng giao tranh nổ ra, Nga cũng chịu tổn thất về lực lượng và giờ đây họ đứng trước lựa chọn rằng có gửi thêm quân và khí tài quân sự tới Ukraine hay không, trong bối cảnh Ukraine được phương Tây cung cấp thêm hàng loạt khí tài hạng nặng trong thời gian qua.
Theo các chuyên gia, dù Nga thời gian qua đã thay chỉ huy chiến trường sang ông Alexander Dvornikov, nhưng sự thay đổi này có thể không có nhiều ý nghĩa vì bài toán nhân sự của Nga và sự phản kháng quyết liệt của Ukraine ở miền Đông.
Các diễn biến trong vài tuần qua dường như cho thấy, Nga chưa thể thực hiện các chiến dịch quy mô lớn để tạo bước đột phá trong mục tiêu kiểm soát một phần lãnh thổ rộng của Ukraine.
Một trong những lợi thế lớn nhất của Nga hiện tại ở Đông Ukraine được cho địa hình của vùng này. Trong giai đoạn 1, phía bắc Ukraine có địa hình đất đai ẩm ướt, ngập nước và điều này buộc Nga phải sử dụng các con đường để tiến quân. Điều này làm hạn chế số lượng các mũi tiến công Nga có thể triển khai tiếp cận thủ đô Kiev.
Địa hình đồng băng thoải ở miền Đông Ukraine có nhiều không gian mở hơn và có thể cho phép Nga di chuyển quân và xe tăng của mình dọc theo nhiều tuyến đường thay vì một tuyến độc đạo như tại nhiều nơi trong giai đoạn 1 của chiến sự.
VAI TRÒ CỦA PHƯƠNG TÂY VÀ NATO
Ngoài vai trò huấn luyện, đào tạo trong 8 năm qua để giúp quân đội Ukraine nâng cao năng lực tác chiến, vai trò của phương Tây trong chiến sự Kiev - Moscow được xem đã làm năng lực tác chiến của Ukraine một cách đáng kể.
Các khoản trợ cấp "khủng" dành cho Ukraine trong nhiều tháng qua đã khiến Nga không ít lần lên tiếng phản đối. Cựu Tổng thống Dmitry Medvedev, người hiện đang giữ vai trò Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga, đã cáo buộc Mỹ đang tiến hành một cuộc chiến tranh ủy nhiệm nhằm vào Nga thông qua việc cung cấp viện trợ quân sự và kinh tế cho Ukraine.
Sự chuyển dịch quan điểm của nhiều nước NATO trong việc viện trợ vũ khí hạng nặng cho Ukraine đã giúp Kiev có khả năng thay thế và bổ sung nhanh chóng thiết bị quân sự đã lỗi thời hoặc bị hư hỏng.
Mỹ là một trong những quốc gia tích cực đưa vũ khí hạng nặng nhất tới Ukraine trong thời gian qua. Mục tiêu của họ không chỉ là giúp đỡ Ukraine đối phó với Moscow mà còn muốn làm "suy yếu" quân đội Nga về lâu dài. Vì vậy, các vũ khí mà Washington gửi tới Ukraine có khả năng gây tổn hại cho khí tài Nga ở mức cao hơn nhiều so với giai đoạn 1.
Mỹ thậm chí đã gửi số lượng lớn tên lửa chống tăng Javelin và tên lửa phòng không Stinger tới mức kho dự trữ của họ xuất hiện "lỗ hổng" đáng kể và khó có thể lấp đầy trở lại trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, đây cũng là những vũ khí đã giúp Ukraine tạo ra sự phá hủy khá lớn với thiết giáp và khí tài quân sự của Nga trong gần 3 tháng qua.
Ngoài ra, Mỹ và đồng minh đã đưa tới Ukraine hàng loạt khí tài hạng nặng uy lực khác như lựu pháo M777 cỡ nòng 155mm, các máy bay không người lái (UAV) tối tân gồm Swichblade-300, Swichblade-600 và UAV "Bóng ma phượng hoàng" (Phoenix Ghost), hệ thống pháo tự hành Caesar, xe tăng phòng không Gepard, xe bọc thép Stormer mang tên lửa phòng không dẫn đường bằng laser Starstreak, tên lửa chống hạm siêu thanh Brimstone.
Chuyên gia Leo Peria-Peigne từ trung tâm IFRI (Pháp), nhận định với AFP rằng, việc phương Tây đưa pháo tự hành, xe tăng chiến đấu và xe bọc thép có thể tạo ra sức mạnh đáng kể cho các lực lượng của Ukraine, và thậm chí khôi phục lại những năng lực đã bị xói mòn sau nhiều tháng chiến sự. Đây cũng là cơ hội để Ukraine có thể "thay máu" quân đội, vốn trước đây sử dụng chủ yếu khí tài từ thời Liên Xô cũ. Giờ đây, họ đang được thay bằng dàn khí tài phương Tây, với các vũ khí theo chuẩn NATO.
Mặc dù vậy, Ukraine cũng đã có sự chuẩn bị từ trước khi chiến sự diễn ra, với việc nhập vũ khí phương Tây và cũng tự phát triển các khí tài "cây nhà lá vườn", ví dụ như hệ thống tên lửa Stugna-P và Korsar.
Một trụ cột khác của hoạt động cải cách quân đội là hiện đại hóa pháo binh. Ukraine đã bắt đầu một số dự án hệ thống tên lửa phóng loạt (MRLS), trong đó quan trọng nhất là phát triển hệ thống Vilkha. Để nâng cao hiệu quả của các đơn vị pháo binh, máy bay không người lái đã được kết hợp tác chiến và phối hợp hỏa lực. Ukraine đặc biệt chú trọng đến việc đào tạo các đơn vị pháo binh cho đến năm 2022. Nhờ vậy, họ đã gây không ít khó khăn cho lực lượng thiết giáp Nga trên thực địa.
Không quân Ukraine đã ưu tiên nâng cấp hệ thống phòng không, thay vì mua sắm khí tài mới. Họ tận dụng các hệ thống phòng không từ thời Liên Xô như S-300V, 9K330 Tor, 2K12 Kub và S-125 Neva.
Ukraine tập trung vào việc tăng khả năng tác chiến và cơ sở hạ tầng chỉ huy, kiểm soát, thông tin liên lạc và tình báo (C3I) của mạng lưới phòng không. Đối với phi đội máy bay chiến đấu, họ bắt đầu nâng cấp hệ thống điện tử cho các máy bay Su-27, MiG-29 và Su-25 để tăng tuổi thọ của chúng cho đến những năm 2030.
Hải quân Ukraine áp dụng học thuyết mới vào năm 2018. Học thuyết này kêu gọi mua lại một số tàu tuần tra lớp tấn công cỡ nhỏ, nhanh và linh hoạt, được trang bị tên lửa dẫn đường. Các tàu này sẽ tiến hành các cuộc tấn công nhằm vào đối thủ theo kiểu "đánh rồi bỏ chạy".
Một trong những hợp đồng mua sắm quốc phòng hiệu quả nhất Ukraine thực hiện trong 8 năm qua là mua máy bay không người lái (UAV) TB2 của Thổ Nhĩ Kỳ, theo ông Mevlutoglu. Đây được xem là động thái "đi tắt đón đầu" của Ukraine, nắm bắt xu hướng sử dụng UAV trong tác chiến hiện đại. Giới quan sát nhận định, TB2 đã trở thành một trong những vũ khí hiệu quả nhất của Ukraine trong cuộc đối đầu với Nga gần 3 tháng qua.
Đức Hoàng
Theo The Conversation, Reuters, AFP
24/05/2022