Ông lớn Gelex quyết sớm, mua lại trước hạn lô trái phiếu 300 tỷ đồng
Tài chính ngân hàng - Ngày đăng : 08:40, 24/05/2022
Cụ thể, Tập đoàn Gelex đã mua lại toàn bộ 3.000 trái phiếu (mệnh giá 100.000.000 đồng/trái phiếu) mã GEXH2124001 chỉ sau tròn 1 năm phát hành, sớm hơn so với kỳ hạn 2 năm. Số trái phiếu nói trên có kỳ hạn 3 năm, được phát hành ngày 19/5/2021 và lãi suất cố định 8,5%/năm.
Lô trái phiếu này được bảo đảm bằng 18 triệu cổ phiếu GEX tại Tập đoàn Gelex và hơn 21 triệu cổ phiếu PXL của CTCP Đầu tư Khu Công nghiệp Dầu khí Long Sơn. Tính tới hết ngày 23/5/2022, cổ phiếu GEX có giá 21.000 đồng/cp và PLX có giá 10.900 đồng/cp. Tổng cộng 2 lô cổ phiếu GEX và PXL có trị giá 607 tỷ đồng tính theo thị giá ngày 23/5, nhưng được xác định khi phát hành là 460 tỷ đồng.
Trước đó, Gelex đã có văn bản đề nghị các trái chủ bán lại trái phiếu trước hạn và thực hiện thu mua theo quy định của pháp luật và theo các điều khoản trong hợp đồng. Giá mua lại mỗi đơn vị bằng tiền mệnh giá cộng thêm tiền lãi.
Gelex là một doanh nghiệp nổi lên trong vài năm gần đây sau nhiều vụ thâu tóm các thương hiệu nổi tiếng trong lĩnh vực dây và cấp điện, thiết bị điện và mở rộng thêm sang các ngành nghề kinh doanh tiềm năng khác, trong đó có hạ tầng, logistics, bất động sản và đầu tư thâu qua M&A. Sau 5 năm tái cấu trúc (M&A, thoái vốn, sắp xếp các đơn vị thành viên), GEX đã trở thành tập đoàn tư nhân đa ngành theo mô hình holdings. Gelex gần đây lấn sang lĩnh vực mới: điện gió với mục tiêu sở hữu các nhà máy phát điện với tổng công suất 500 MW vào năm 2025.
Đi đôi với các thương vụ M&A, Gelex ghi nhận tổng tài sản và nợ tăng mạnh. Tính tới cuối quý I/2022, Gelex có tổng nợ phải trả đạt gần 39,8 nghìn tỷ đồng, trong đó có gần 22,8 nghìn tỷ đồng là vay và nợ thuê tài chính (dài hạn là hơn 15 nghìn tỷ đồng).
Không chỉ Gelex, nhiều doanh nghiệp khác cũng ồ ạt mua lại trái phiếu trước hạn.
Theo SSI Research, lượng trái phiếu bất động sản tháng 4 giảm mạnh. Lượng phát hành trong quý I/2022 giảm hơn 74% so với quý IV/2021. Tính đến cuối tháng 4/2022, tổng khối lượng trái phiếu đã mua lại trước hạn là 24,7 nghìn tỷ đồng, tăng 17,9% so với cùng kỳ năm 2021. Số lượng trái phiếu phát hành chỉ đạt 820 tỷ đồng, so với mức bình quân 26 nghìn tỷ đồng/tháng trong năm 2021.
Riêng trong tháng 4, các doanh nghiệp mua lại tổng lượng trái phiếu trị giá 11,9 nghìn tỷ đồng, tương đương khối lượng mua lại trong cả quý I/2022.
Một số doanh nghiệp niêm yết trước đó phát hành riêng lẻ đã nhanh chóng chuyển dịch sang phát hành ra công chúng, như BID, LPB, BCG, NVL, VND.
Ông Nguyễn Văn Tuấn là một doanh nhân khá trẻ nhưng đang sở hữu hơn 192 triệu cổ phiếu GEX và hơn 81 triệu cổ phiếu Chứng khoán VIX, trị giá tổng cộng hơn 5 nghìn tỷ đồng. Công ty TNHH MTV Đầu tư GEX hiện cũng nắm giữ gần 104 triệu cổ phần Gelex.
Thăm dò cung cầu
Theo VDSC, quá trình thăm dò cung cầu có thể sẽ tiếp tục tiếp diễn trong thời gian gần tới. Thị trường chờ động thái hỗ trợ dứt khoát hơn của dòng tiền để có thể kỳ vọng nhịp hồi phục của thị trường sẽ trở lại.
Trong các phiên gần đây, diễn biến dòng tiền chưa được cải thiện, thị trường đã không tránh khỏi nhịp điều chỉnh khi áp lực bán gia tăng. Mặc dù diễn biến thị trường vẫn còn kém nhưng cũng có ghi nhận tín hiệu tăng nhẹ của dòng tiền hỗ trợ khi VN-Index lùi về vùng 1.200 – 1.210 điểm. Tín hiệu này tạm thời vẫn chưa đủ cơ sở để nhận định thị trường sẽ nhanh chóng hồi phục trở lại, do nhìn chung áp lực bán vẫn còn nổi trội hơn.
Theo BSC, thanh khoản ở mức thấp là rào cản hiện nay đối với thị trường, thậm chí ở 2 phiên cuối tuần trước thanh khoản khớp lệnh trên sàn HoSE chỉ đạt mức bình quân 11.500 tỷ đồng. Về chỉ số, dù để mất điểm trong phiên 23/5 nhưng diễn biến của thị trường cũng chỉ là dao động để kiểm nghiệm lại ngưỡng tâm lý 1.200 điểm. Trong đó, nhóm cổ phiếu bluechips là nguyên nhân khiến thị trường mất điểm. Thị trường phục hồi ở tuần trước, nhóm cổ phiếu này cũng chỉ có mức tăng bằng với chỉ số chung của thị trường, trong khi mức tăng mạnh lại thuộc nhóm midcap và smallcap, do vậy khi thị trường điều chỉnh trở lại, nhóm cổ phiếu hồi yếu sẽ chịu áp lực bán đầu tiên. Nhìn chung, thị trường có thể dao động ngay trên ngưỡng hỗ trợ 1.200 điểm và mức cản trên ở 1.250 điểm để tạo vùng đáy thứ 2 trong nhịp hồi kỹ thuật này. Tuy vậy, nhiều cổ phiếu sẽ tạo đáy thứ 2 cao hơn so với thị trường, như nhóm cổ phiếu dầu khí, cảng biển, thủy sản, bảo hiểm,…
Chốt phiên giao dịch chiều 23/5, chỉ số VN-Index giảm 21,90 điểm xuống 1.218,81 điểm. Chỉ số HNX-Index của sàn Hà Nội giảm 6,36 điểm xuống 300,66 điểm. Upcom-Index giảm 0,47 điểm xuống 93,63 điểm. Thanh khoản đạt tổng cộng 15,6 nghìn tỷ đồng, trong đó có 13,3 nghìn tỷ đông trên sàn HOSE.
V. Hà