Điều gì đang chờ đợi EU nếu không có nguồn cung cấp điện từ Nga?

Đối ngoại - Ngày đăng : 08:39, 24/05/2022

Theo các chuyên gia được phỏng vấn bởi Izvestia, việc từ chối cung cấp điện từ Nga có thể dẫn đến tình trạng thiếu điện ở châu Âu và tăng giá 20% vào giữa tháng 6.

Ông Alexander Frolov, Phó tổng giám đốc Viện Năng lượng Quốc gia Nga cho hay, những khách hàng mua lượng điện lớn từ Nga là Phần Lan và các nước Baltic, nếu không có nguồn cung cấp của Nga, các nước này này có thể đối mặt với tình trạng thiếu năng lượng và có thể dẫn đến tình trạng mất điện các khu định cư và doanh nghiệp.

“Đối với Phần Lan và các nước vùng Baltic, rủi ro phát sinh do việc ngừng cung cấp từ Nga, đặc biệt nếu mùa hè nắng nóng sẽ tốn rất nhiều điện cho điều hòa không khí”, ông Frolov nói.

Tuy nhiên, theo ông Frolov, trên toàn châu Âu, việc ngừng cung cấp điện từ Nga không tạo ra rủi ro đáng kể.

Điều gì đang chờ đợi EU nếu không có nguồn cung cấp điện từ Nga?
Nga mới đây thông báo đã ngừng cung cấp điện cho Litva. (Ảnh: Global Look Press)

Trước đó, nhà điều hành mạng lưới điện Litgrid của Litva thông báo rằng sàn giao dịch Nord Pool, chuyên bán điện ở châu Âu, đã tạm ngừng làm việc đối với các công ty con của tập đoàn năng lượng Inter RAO (nhà cung cấp điện  duy nhất của Nga cho Litva) kể từ ngày 22/5.

Inter RAO xác nhận với Izvestia rằng họ đã nhận được thông báo từ Nord Pool về việc ngừng giao dịch “do nguy cơ không thể thanh toán tiền điện của Nga”. Vào hôm 13/5, Inter RAO cũng xác nhận với thông báo rằng nguồn cung cấp cho Phần Lan đã bị ngừng.

Ông Artem Tuzov, Giám đốc điều hành bộ phận thị trường vốn của công ty đầu tư Univer Capital cho biết, xuất khẩu điện đồng thời là yếu tố quan trọng, nhưng không phải là thành phần chính trong hoạt động của Inter RAO, vì vậy công ty sẽ tiếp tục phát triển thành công.

Lý do chính trị

Chuyên gia Andrei Loboda, Giám đốc quan hệ đối ngoại của BitRiver (mỏ đào tiền ảo lớn nhất ở Nga), chia sẻ thực tế không thể thanh toán tiền điện của Nga là do “lý do chính trị”.

“Liên minh châu Âu (EU) có mối quan hệ với Nga trong một thời gian dài, dựa trên ý nghĩa chính trị, lợi ích của nền kinh tế và kinh doanh được đặt làm nền tảng. Đồng thời, các quốc gia Baltic và Phần Lan đã hình thành cơ sở cho xuất khẩu điện của Nga”, chuyên gia của BitRiver lưu ý.

Theo Inter RAO, năm 2021, công ty đã tăng xuất khẩu điện 86,1%, đạt 21,77 tỉ kWh. Nguồn cung ở nước ngoài tăng trưởng là do nhiệt độ không khí thấp vào đầu và cuối năm cũng như độ ẩm thấp vào mùa hè. Thêm vào đó, trong thời kỳ ấm áp, sản lượng tại các trang trại điện gió đã giảm. Phần Lan (8,17 tỉ kWh ) và các nước Baltic (4,72 tỉ kWh ) do đó, các nước này vẫn là những nhà nhập khẩu điện lớn nhất của Nga vào năm 2021.

Ông Loboda tin rằng nếu các nước này ngừng nhận điện từ Nga, họ có thể bị thiếu hụt nguồn và giá sẽ tăng 20% ​​vào giữa tháng 6. Đồng thời, giá điện ở châu Âu đã đạt mức kỷ lục trong bối cảnh khủng hoảng năng lượng.

Trong khi đó, ông Ernesto Ferlenghi, Chủ tịch Ủy ban Năng lượng của Hiệp hội các doanh nghiệp châu Âu, cho biết trước đó trong một cuộc phỏng vấn với Izvestia, châu Âu sẽ phải đối mặt với hóa đơn tiền điện lớn nhất trong thập kỷ qua.

Ông Ferlenghi lưu ý rằng, theo tính toán của Citigroup, dựa trên giá kỳ hạn tháng 2, tổng thanh khoản trong khu vực sẽ vào khoảng 1 nghìn tỉ USD, thay vì khoảng 300 tỉ USD vào năm ngoái và 500 tỉ USD vào năm 2019. Được biết, những dự đoán này được đưa ra trước khi bắt đầu hoạt động quân sự đặc biệt ở Ukraine và làn sóng trừng phạt chống Nga mới.

“Giá điện cũng bị ảnh hưởng bởi giá khí đốt và dầu. Giờ đây, trong bối cảnh hạn chế thương mại với Nga các nguồn năng lượng tiếp tục tăng giá. Theo sàn giao dịch ICE có trụ sở tại London, chi phí khí đốt vẫn ở mức trên 1.000 USD cho 1.000 mét khối, và một thùng dầu Brent là hơn 100 USD”, ông Ferlenghi nhận định.

“Nhìn chung, doanh thu của các doanh nghiệp Nga từ xuất khẩu điện có thể đạt 1 tỉ USD trong năm nay và hơn một nửa khối lượng sẽ đến từ nguồn cung cấp cho châu Âu”, ông Loboda nhấn mạnh.

Thanh Bình (lược dịch)