Lạc đà làm thế nào để sống sót trên sa mạc cằn cỗi?

Thiên nhiên - Môi trường - Ngày đăng : 06:42, 24/05/2022

Lạc đà sống được ở một trong những môi trường khắc nghiệt nhất hành tinh. Bí quyết sinh tồn của chúng là gì?
Lạc đà làm thế nào để sống sót trên sa mạc cằn cỗi? - 1

Một con lạc đà 2 bướu Camelus bactrianus tại vườn thú Thượng Hải (Ảnh: Wiki).

Theo Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên London (NHM), cả ba loài lạc đà, gồm các phân họ Camelus dromedarius, Camelus bactrianus và Camelus ferus, đều đã tiến hóa không ngừng để có thể sống được trên sa mạc khô cằn.

Trong đó, đặc điểm chính với cấu tạo gồm từ 1 đến 2 cái bướu mà chúng mang trên lưng được xem là yếu tố sống còn của lạc đà so với các loài động vật khác.

Bướu của lạc đà dùng làm gì?
Nhiều người nghĩ rằng bướu của lạc đà là kho dự trữ nước để giúp nó vượt qua hàng trăm km sa mạc nóng bỏng. Tuy nhiên thực tế lại không phải vậy.

Bướu của lạc đà không chứa nước, mà chứa chất béo con vật tích lũy được khi ăn cỏ. Cụ thể, tới 80% khối lượng của bướu là chất béo ở dạng cô đặc.

Nhờ thành phần cấu tạo này, chiếc bướu giống như một nơi dự trữ năng lượng, với nhiệt độ có thể lên tới trên 80 độ C. Bởi vậy, ngay cả dưới sức nóng của mặt trời thiêu đốt, bướu vẫn không bị chảy ra. Ngược lại, khi lạc đà đốt phần năng lượng dự trữ đó thì da nó co lại và cái bướu xẹp xuống.

Lạc đà làm thế nào để sống sót trên sa mạc cằn cỗi? - 2

Lạc đà có thể sống khoảng hơn một tuần mà không có nước và nhiều tháng không có thức ăn.

Cơ chế chuyển hóa và trữ nước đặc biệt

Để thích nghi với môi trường sống khắc nghiệt, đa số lạc đà sở hữu màu da sáng để ít hấp thụ nhiệt. Những lỗ mũi của nó cũng có thể khép lại hoàn toàn để tránh bị mất nước một cách tối đa.

Bằng những nghiên cứu khoa học, người ta phát hiện thấy sự chuyển hóa của bướu lạc đà chậm lại khi sức nóng của môi trường tăng lên. Bên cạnh đó, những hồng huyết cầu hình ovan của lạc đà có khả năng tăng sức trương và thể tích lên gấp đôi hay thậm chí gấp 3 khi nó uống hàng trăm lít nước trong vài phút.

Để so sánh, nếu một người bình thường mà uống lượng nước gần bằng 10% trọng lượng của cơ thể thì sẽ lập tức tử vong vì vỡ hồng cầu.

Mặc dù con vật có thể dự trữ nước trong tới 3 cái dạ dày, song nó rất ít khi tiểu tiện, đồng thời ra ít mồ hôi để hạn chế mất nước.

Ngoài ra, giác quan nhạy bén của lạc đà còn cho phép nó đánh hơi để biết chỗ nào có nước dù chỗ đó cách xa hàng chục km, hay sâu dưới mặt đất đến 7 mét.

Đôi môi "chuyên dụng" của lạc đà

Lạc đà làm thế nào để sống sót trên sa mạc cằn cỗi? - 3

Lạc đà có phần môi trên chẻ làm đôi.

Lạc đà sở hữu phần môi trên chẻ làm đôi, với mỗi nửa di chuyển riêng biệt. Sở dĩ có cấu tạo đặc biệt này là để cho phép con vật có thể gặm cỏ gần mặt đất để ăn các loại cỏ ngắn mọc trên sa mạc.

Thức ăn của lạc đà cũng khá đa dạng. Chúng có thể ăn cả các loại cây có gai, cỏ khô và cành từ bất kỳ loài thực vật nào trên sa mạc.

Ngay cả trong môi trường khắc nghiệt tới nỗi không thể tìm kiếm được nguồn cung cần thiết, lạc đà vẫn có thể tồn tại. Theo báo cáo của vườn thú Oakland, lạc đà Dromedary có thể sống khoảng hơn một tuần mà không có nước và nhiều tháng không có thức ăn.

Minh Khôi