Xu hướng One-stop Shop ngày càng phổ biến tại Việt Nam

Chuyển động Thị trường - Ngày đăng : 07:00, 24/05/2022

One-stop Shop (tạm dịch: Một điểm đến cho mọi nhu cầu) là mô hình cung cấp hàng loạt sản phẩm, dịch vụ cho khách hàng trong cùng một điểm đến duy nhất.

​​

one-stop-shop.png
Mô hình One-stop Shop ngày càng phổ biến tại Việt Nam

Ngày nay, khi nhu cầu của người tiêu dùng ngày càng trở nên đa dạng hơn, mô hình One-stop Shop dần trở thành xu hướng phổ biến.

Thực tế, mô hình này đã xuất hiện trên thế giới vào năm 1916 và cũng đã phổ biến ở Việt Nam dưới bóng dáng của khu phức hợp mua sắm, ăn uống, làm đẹp, siêu thị… trong các đại trung tâm thương mại như Vincom, Takashimaya, Aeon Mall, Lotte Mart, Crescent Mall...

Sự hợp lực giữa các đơn vị trong ngành vốn là quy luật phát triển của nhiều ngành nghề. Đối với ngành chuyển phát nhanh, quy luật này càng trở nên tất yếu hơn trong bối cảnh thị trường phát triển mạnh mẽ. Là mắt xích quan trọng của chuỗi cung ứng, ngành
chuyển phát nhanh hiển nhiên cũng không nằm ngoài làn sóng thay đổi đó.

Theo ông Đỗ Hữu Hưng, tổng giám đốc AccessTrade, các đơn vị chuyển phát nhanh thay vì hoạt động riêng lẻ nên “bắt tay” cung cấp cho người dùng một giải pháp tối ưu, tương tự mô hình One-stop Shop.

Cụ thể, với mô hình này, các doanh nghiệp sẽ cùng hợp tác đề xuất “bộ giải pháp trọn gói” mang đến sản phẩm, dịch vụ tích hợp, đa tiện ích: từ đơn vị vận chuyển, đơn vị thanh toán đến đơn vị hỗ trợ bán hàng.

Chẳng hạn, việc liên kết giữa hãng J&T Express và các phần mềm bán hàng như Pancake, Upos, Haravan, Kiot Việt... giúp người bán hàng trực tuyến có thể theo dõi toàn bộ tiến trình vận chuyển và chất lượng hàng hóa qua từng khâu, kiểm soát luồng hàng xuất nhập khỏi kho...

Đặc biệt, thời gian dịch bệnh vừa qua, mô hình này đã chứng minh hiệu quả khi góp phần “giải cứu” các doanh nghiệp nông sản Việt. Cụ thể, Upos hỗ trợ bà con đưa các mặt hàng nông sản lên mạng xã hội, kinh doanh và quản lý chốt đơn qua các buổi livestream. Trong khi đó, J&T Express tập trung tăng cường và mở rộng các loại hình dịch vụ vận chuyển, nâng cấp hệ thống, xử lý các đơn hàng và phương thức giao hàng để đáp ứng nhu cầu vận chuyển của người dân, rút ngắn khoảng cách giữa nhà nông và người mua.

Trong bối cảnh chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ như hiện nay, việc này không chỉ mang tới ưu thế cạnh tranh cho bản thân doanh nghiệp, mà còn tạo trải nghiệm khách hàng liền mạch, góp phần tăng uy tín cho doanh nghiệp.

HAI LAM (tổng hợp)