"Đường thu phí ở Nairobi" đánh dấu chiến lược mới của Vành đai-con đường
Đối ngoại - Ngày đăng : 18:46, 19/05/2022
Tổng công ty Cầu đường Trung Quốc (CRBC) đã xây dựng đường cao tốc Nairobi dài 27,1 km nối sân bay chính và thủ đô của nước này.
Dự án trị giá 668 triệu USD do Công ty Xây dựng Truyền thông Trung Quốc thuộc sở hữu nhà nước, công ty mẹ của CRBC, tài trợ. Công ty con của CRBC, Moja Expressway, sẽ vận hành con đường này trong 27 năm để hoàn vốn đầu tư thông qua việc thu phí.
Nhìn chung, con đường này đánh dấu sự chuyển đổi dần trong chiến lược Vành đai-con đường của Bắc Kinh: từ tài trợ nợ công sang một phương thức tài trợ mới cho cơ sở hạ tầng như đường xá và nhà máy điện ở châu Phi: đối tác công tư (PPP).
Các chuyên gia cho biết, theo mô hình PPP, các công ty tư nhân Trung Quốc có thể giảm thiểu rủi ro trong việc cho vay rồi trả nợ và giúp các chính phủ châu Phi giảm các khoản vay và thâm hụt ngân sách.
Đường cao tốc Nairobi mở cửa sử dụng trên cơ sở thử nghiệm từ hôm 14/5, trước khi khởi động chính thức vào tháng tới. Tuyến đường thu phí được kỳ vọng sẽ giảm bớt luồng giao thông ra vào trung tâm bằng cách giảm tắc nghẽn giao thông trên đường Mombasa song song.
Thỏa thuận xây dựng đường cao tốc được ký kết vào tháng 9/2018 tại Diễn đàn Hợp tác Trung Quốc-Châu Phi (FOCAC) ở Bắc Kinh, khi Tổng thống Uhuru Kenyatta hội đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Các mô hình cho thấy CRBC sẽ thu về 20 triệu USD từ việc thu phí trong năm đầu tiên con đường chính thức đi vào hoạt động, với doanh thu dự kiến sẽ tăng lên hơn 100 triệu USD/năm vào năm 2043.
Sự thay đổi trong cơ cấu cho vay của Bắc Kinh diễn ra khi các nhà cho vay Trung Quốc ngày càng thận trọng hơn trong việc cấp vốn cho các dự án cơ sở hạ tầng, với việc các ngân hàng chính sách của nước này ngày càng lo ngại về khả năng trả nợ của các nước và do đó thận trọng hơn trong việc mở rộng nguồn vốn.
Nhưng các quan chức Trung Quốc nói rằng, sự thận trọng mới không có nghĩa là Bắc Kinh đang cắt giảm tài trợ cho các quốc gia châu Phi, mà chỉ là họ sẽ sử dụng nhiều cách sáng tạo hơn để tài trợ cho các dự án như vậy.
Tại cuộc họp của FOCAC ở Senegal vào tháng 11/2021, các quan chức Trung Quốc khẳng định, "Bắc Kinh sẽ tiếp tục cung cấp các khoản viện trợ không hoàn lại, các khoản cho vay không lãi suất, các khoản vay ưu đãi và hỗ trợ tài chính khác cho các nước châu Phi".
"Chúng tôi sẽ đưa ra những cách thức cấp vốn sáng tạo để hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng của châu Phi", tuyên bố cho biết thêm.
Hồi năm 2021, khi thảo luận về tuyến đường cao tốc này, ông Wu Peng, cựu đại sứ Trung Quốc tại Kenya và hiện là Tổng giám đốc bộ ngoại giao châu Phi, gọi nó là "một ví dụ điển hình về dự án cơ sở hạ tầng do Trung Quốc đầu tư nhằm hỗ trợ sự phát triển của châu Phi, và lợi ích cho người lái xe".
Tăng cường "Đối tác công tư" cùng có lợi
Bắc Kinh đang ngày càng khuyến khích các công ty nhà nước cũng như các công ty tư nhân tham gia vào hình thức PPP ở nước ngoài. Ông Tập Cận Bình đã cam kết thực hiện 10 dự án "hỗ trợ kết nối" châu Phi, tất cả đều được tài trợ một phần thông qua các liên doanh và PPP.
Theo nhà nghiên cứu Tim Zajontz tại Trung tâm Chính trị Quốc tế và So sánh của Đại học Stellenbosch ở Nam Phi, tài trợ cơ sở hạ tầng của Trung Quốc ở châu Phi trong những năm gần đây đã chuyển dần từ vốn vay có chủ quyền sang tài trợ dự án theo hình thức PPP.
"Các khoản vay nhà nước cho cơ sở hạ tầng châu Phi ở nhiều nơi trên lục địa này đang ngày càng quá rủi ro về kinh tế và tốn kém về mặt chính trị, do những tranh cãi xung quanh các vấn đề về tính bền vững của các khoản nợ", nhà nghiên cứu này nói.
Ông cho biết, các công ty xây dựng Trung Quốc đã huy động năng lực đáng kể vào các thị trường châu Phi trong hai thập niên qua. Và khi nguồn vốn đầu tư bằng nợ của chính phủ cho cơ sở hạ tầng cạn kiệt, các công ty Trung Quốc phải điều chỉnh chiến lược tích lũy của mình.
"Xét cho cùng, các công ty Trung Quốc, cũng giống như bất kỳ công ty nào, không hoạt động trên cơ sở từ thiện mà là các doanh nghiệp tìm kiếm lợi nhuận, bất kể họ có thuộc sở hữu nhà nước hay không", ông nói thêm.
Để đáp ứng nhu cầu của các công ty ở thị trường nước ngoài, Bắc Kinh đã bắt đầu thúc đẩy quan hệ đối tác công - tư với các công ty Trung Quốc như một giải pháp "đôi bên cùng có lợi" trong thời điểm khó khăn về nợ như hiện nay.
W. Gyude Moore, cựu Bộ trưởng Công trình công cộng của Liberia và hiện là thành viên chính sách cấp cao của Trung tâm Phát triển Toàn cầu cho biết, trong thập kỷ qua, đặc biệt là sau khi Trung Quốc công bố chiến lược Vành đai-con đường, nhiều quốc gia châu Phi đã đạt đến giới hạn số nợ mà họ có thể gánh chịu "một cách có trách nhiệm".
Tại các cuộc họp FOCAC năm 2015 và 2018, Trung Quốc cam kết chi 60 tỷ USD trong mỗi giai đoạn 3 năm, ông nói.
"Đối với cả phía Trung Quốc và các đối tác châu Phi, đây là chính sách đôi bên cùng có lợi. Về lý thuyết, nó sẽ giúp cải thiện việc lựa chọn và quản trị dự án vì cả bên cho vay và bên vay đều cần đảm bảo trả nợ", ông Moore nhận định.
Tuy nhiên, theo ông, các quốc gia châu Phi cần phải điều chỉnh quy trình để cho phép bên thứ ba xác nhận và giám sát chi phí của các dự án này, vì nhiều quốc gia vẫn phải thực hiện các bảo lãnh ngầm của chính phủ, kéo theo những rủi ro tài chính.