Thanh khoản ‘mất hút’, tiền đang dịch chuyển từ chứng khoán sang tiết kiệm?
Kinh doanh - Ngày đăng : 19:46, 23/05/2022
Kết phiên giao dịch hôm nay (23/5), chỉ số VN-Index giảm 21,9 điểm xuống mức 1.218,81 điểm. Sắc đỏ bao trùm toàn thị trường với 683 mã giảm, trong khi có 382 mã tăng hoặc giữ giá trên cả 3 sàn HSX, HNX và UPCOM.
Thanh khoản trên sàn HSX ở mức 13.332,6 tỉ đồng, tăng nhẹ so với phiên liền trước, song vẫn ở mức thấp so với khi VN-Index vận động quanh vùng 1.500 điểm.
Dòng tiền suy yếu, kết hợp với đà giảm của chỉ số VN-Index, cho thấy tâm lý thận trọng của các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán.
“Nhà đầu tư dần nhận ra hiện thực rõ ràng hơn: trong ngắn hạn lợi nhuận đến từ đầu tư cổ phiếu có thể đang mỏng dần, thậm chí thị trường đang đi vào chu kỳ down-trend!”, nhóm phân tích của Công ty TNHH Chứng khoán Mirae Asset viết trong một báo cáo mới đây. Báo cáo này cũng không loại trừ khả năng dòng tiền đã chuyển dịch từ chứng khoán sang tiết kiệm.
Thanh khoản thị trường chứng khoán sụt giảm khi chỉ số VN-Index rơi vào nhịp điều chỉnh kể từ đầu tháng 4/2022 (Nguồn: TradingView) |
Trao đổi với VietTimes, TS. Đỗ Thái Hưng – nhà sáng lập, Giám đốc CTCP Đầu tư Finpros – cho rằng, thị trường có thể tiếp tục điều chỉnh khi dòng tiền vẫn đang đứng ngoài quan sát.
Theo vị chuyên gia này, thị trường chứng khoán sẽ tìm được điểm cân bằng khi niềm tin vào triển vọng thị trường của nhà đầu tư thực sự trở lại; hoặc khi thị trường đón nhận sự nhập cuộc của dòng tiền lớn, hấp thụ hết lượng cổ phiếu lỏng lẻo từ các nhà đầu tư cá nhân.
“Với giai đoạn thị trường bất ổn như hiện nay, việc tham gia thị trường sẽ chịu rủi ro rất lớn. Dòng tiền có thể nghĩ rằng thị trường có thể giảm nữa, thậm chí xuống mức 1.000 điểm, trong khi khả năng thị trường hồi lại, tầm 100 điểm, cũng không cao. Lợi nhuận không chắc chắn mà rủi ro lại hiện hữu, do vậy, nhiều nhà đầu tư có thể đã lựa chọn việc đứng ngoài thị trường thời điểm này”, nhà sáng lập Finpros chia sẻ.
Trong bối cảnh đó, một lượng tiền có thể được đưa vào gửi tiết kiệm ngắn hạn để chờ cơ hội, thay vì rời bỏ hẳn khỏi thị trường chứng khoán. Ông Hưng cho biết, có thể sử dụng hệ số E/P để đánh giá mức độ hấp dẫn của thị trường chứng khoán với việc gửi tiết kiệm.
Tuy nhiên, vị chuyên gia này cũng lưu ý, việc đánh giá sự dịch chuyển của dòng tiền nên được thực hiện khi thị trường chứng khoán đã vượt qua giai đoạn biến động và trở lại trạng thái cân bằng.
Mặt khác, ông Hưng cho rằng, nhà đầu tư không nên quá bi quan về triển vọng thị trường chứng khoán.
“Nếu kinh tế vĩ mô còn ổn định, thị trường chứng khoán sẽ tiếp tục tăng trưởng. Ngoài các ngành ngân hàng, chứng khoán đang có nhiều rủi ro, vẫn còn nhiều nhóm ngành tiềm năng như: bán lẻ, tiêu dùng, cảng biển, phân bón, công nghệ, các doanh nghiệp bất động sản khu công nghiệp có lượng tiền mặt lớn”, ông Hưng nói.
“Tuy nhiên, nhà đầu tư phải có những phương pháp/kỹ thuật đầu tư cụ thể, chuyên nghiệp, rõ ràng, không nên đầu tư theo phong trào, hội nhóm”, vị chuyên gia này nhấn mạnh./.