"Bộ tứ" quyết chặn đánh bắt trái phép ở Thái Bình Dương
Đối ngoại - Ngày đăng : 11:48, 23/05/2022
Nhân chuyến thăm châu Á của Tổng thống Mỹ Joe Biden, nhóm "Bộ tứ" (The Quad) dự kiến họp thượng đỉnh tại Thủ đô Tokyo - Nhật Bản vào ngày 24/5 và sẽ công bố một sáng kiến hàng hải mới nhằm ngăn chặn nạn đánh bắt cá trái phép ở Ấn Độ - Thái Bình Dương.
Tham dự thượng đỉnh ngoài Tổng thống Joe Biden là Thủ tướng nước chủ nhà Fumio Kishida, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Thủ tướng mới được bầu của Úc, ông Anthony Albanese.
Sáng kiến này sẽ sử dụng công nghệ vệ tinh để lần đầu tiên kết nối các trung tâm giám sát hiện hữu ở Singapore, Ấn Độ và trên Thái Bình Dương với nhau, tạo thành một hệ thống theo dõi nạn đánh bắt "chui" trên cả Ấn Độ Dương, vùng Đông Nam Á và Nam Thái Bình Dương. Hệ thống này "bắt" được cả những tàu cá tắt máy phát đáp vốn dùng để theo dấu tàu biển.
Những thông tin trên được báo Financial Times dẫn lời một quan chức cấp cao Mỹ. Theo quan chức này, Trung Quốc chịu trách nhiệm cho 95% nạn đánh bắt "chui" ở Ấn Độ - Thái Bình Dương.
Tàu cá Trung Quốc bị tố đánh bắt trái phép trong vùng biển của Hàn Quốc hồi năm 2020. Ảnh: YONHAP |
Hãng tin Reuters cho biết nhiều quốc gia ở khu vực này phải đối phó với đội tàu cá khổng lồ của Trung Quốc, ngay cả trong vùng đặc quyền kinh tế của họ.
Ông Charles Edel, chuyên gia người Úc tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) - một viện nghiên cứu độc lập có trụ sở tại Mỹ, nhấn mạnh: "Đội tàu đánh bắt cá trái phép của Trung Quốc làm cạn kiệt các nguồn cá và ảnh hưởng tới nguồn sinh kế truyền thống của nhiều quốc gia. Do đó, bất cứ bước đi nào có thể theo dõi, nhận dạng và ngăn chặn hoạt động đánh bắt "chui’ đều đem lại lợi ích an ninh và môi trường cho khu vực".
Cũng tại Nhật Bản, Tổng thống Biden dự kiến công bố một chương trình kinh tế lớn cho Ấn Độ - Thái Bình Dương trong ngày 23/5. Mang tên "Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ - Thái Bình Dương vì thịnh vượng" (IPEF), chương trình này có mục đích kết nối các nước trong khu vực trên những lĩnh vực như chuỗi cung ứng, năng lượng sạch, hạ tầng và thương mại số…
Lâu nay, trong chiến lược với Ấn Độ - Thái Bình Dương, Washington vẫn thiếu một cột trụ kinh tế bởi cựu Tổng thống Donald Trump đã rút Mỹ khỏi hiệp ước thương mại đa phương hiện có tên là Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Vẫn chưa có nhiều thông tin về IPEF nhưng theo Reuters, Nhật Bản muốn càng nhiều nước tham gia IPEF càng tốt, bao gồm các quốc gia Đông Nam Á.
Tất cả động thái trên, theo giới chuyên gia, là để đối phó ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực. Với riêng các đảo quốc trên Thái Bình Dương, Mỹ sẽ cùng Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, New Zealand, Anh và Pháp sớm công bố một sáng kiến hỗ trợ mang tên "Đối tác ở Thái Bình Dương".
Tổng thống Mỹ Joe Biden xuống trực thăng Marine One tại khu vực hạ cánh ở thủ đô Tokyo - Nhật Bản hôm 22-5. Ảnh: REUTERS |
Mới nhất, Mỹ và đồng minh lo ngại Trung Quốc đang thương thảo một hiệp ước an ninh với Kiribati - đất nước bao gồm 33 hòn đảo nằm trải dài gần 3.000 km dọc ranh giới giữa Bắc và Nam Thái Bình Dương. Trước đó, Trung Quốc đã ký thỏa thuận an ninh với Quần đảo Solomon, làm dấy lên đồn đoán Bắc Kinh muốn xây một căn cứ hải quân ở Thái Bình Dương.
Ông Gregory Poling, người đứng đầu Sáng kiến Minh bạch hàng hải châu Á tại CSIS, nhận định khả năng Trung Quốc tiếp cận quân sự với Kirimati (còn gọi là đảo Giáng Sinh) hay những đảo khác ở phía Đông Kiribati khiến Mỹ lo ngại hơn trường hợp Quần đảo Solomon.
"Những đảo ở Kiribati tương đối gần với Hawaii. Ngoài ra, theo Hiệp ước Tarawa, Mỹ đồng ý từ bỏ chủ quyền đối với những đảo này với điều kiện Kiribati không được để bên thứ ba đồn trú mà không tham vấn Mỹ" - ông Poling lý giải.
Tổng thống Joe Biden đến Nhật BảnChiều 22/5, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tới Nhật Bản, chặng dừng chân thứ 2 trong chuyến công du châu Á dài 5 ngày. Theo Bộ Ngoại giao Nhật Bản, trong chuyến thăm chính thức đầu tiên tới Nhật Bản kể từ khi nhậm chức, Tổng thống Joe Biden hội kiến Nhật hoàng Naruhito vào sáng 23-5. Sau đó, ông sẽ có cuộc hội đàm với Thủ tướng nước chủ nhà Kishida Fumio. Tại cuộc hội đàm này, hai nhà lãnh đạo dự kiến thảo luận về các biện pháp tăng cường quan hệ đồng minh, nhất là trong các lĩnh vực kinh tế và an ninh. Về các vấn đề quốc tế, hai nhà lãnh đạo có thể sẽ thảo luận về việc thúc đẩy hợp tác nhằm hiện thực hóa khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và rộng mở, đồng thời trao đổi về các vấn đề quốc tế cùng quan tâm như biến đổi khí hậu, giải trừ vũ khí hạt nhân, chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine, vấn đề tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên. |